Thời điểm này cách đây một năm, TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh phía Nam đang "oằn mình" chống đại dịch Covid-19.
Hưởng ứng Lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, LLVT Quân khu 7 đã chung sức, đồng lòng, không quản vất vả, hiểm nguy, xông pha nơi tuyến đầu với tinh thần: Sức khỏe và tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết. Bằng những việc làm thiết thực của LLVT Quân khu 7 làm ngời sáng phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ vì nhân dân phục vụ.
Thắm đượm nghĩa tình quân dân
Những ngày cuối tháng 7, chúng tôi trở lại căn nhà nhỏ của cháu Phạm Thị Bảo Châu, 5 tuổi, đang ở cùng bà ngoại tại quận 4 (TP Hồ Chí Minh). Gặp chúng tôi, Bảo Châu khoe: “Con vừa được ba Kiên xin cho vào học mẫu giáo. Đông bạn bè, vui lắm chú ạ”.
Mẹ Bảo Châu mất do dịch Covid-19 vào tháng 8-2021, được Thiếu tá Nguyễn Trung Kiên, cán bộ Ban CHQS TP Thủ Đức nhận đỡ đầu. Gần một năm nay, Bảo Châu đã lớn hơn nhiều, khác hẳn cái ngày cháu ngồi trong căn phòng trọ tối tăm, đôi mắt đỏ hoe, sợ sệt, run rẩy đón nhận hũ tro cốt của mẹ do các chú bộ đội đưa về.
Nhưng cũng chính ngày ấy, cháu lại may mắn có thêm gia đình mới và người cha đỡ đầu là Bộ đội Cụ Hồ. Bà ngoại của Bảo Châu tâm sự: “Tôi đã ngoài 80 tuổi, chứng kiến bao cơ cực, lầm than, nhưng nỗi đau mất mát do dịch Covid-19 gây nên là khủng khiếp nhất. Trước nỗi đau tột cùng ấy của nhân dân, các chú bộ đội đã chẳng quản gian khổ, hiểm nguy, xả thân chống dịch cứu dân. Nghĩa tình đó, chúng tôi nguyện khắc cốt ghi tâm, mang theo mãi mãi”.
Thiếu tướng Nguyễn Trường Thắng kiểm tra, động viên bộ đội chống dịch, giúp dân năm 2021. |
Mới đây, UBND quận Phú Nhuận (TP Hồ Chí Minh) tổ chức Triển lãm chuyên đề “Lặng”, trưng bày nhiều hình ảnh, tư liệu, mô hình về “Cuộc chiến chống dịch Covid-19 - một năm nhìn lại”. Triển lãm tái hiện hình ảnh cán bộ, chiến sĩ các đơn vị LLVT Quân khu 7 dốc sức giúp dân chống dịch khiến ai đến đây cũng rưng rưng xúc động. Ở đó có cả tập thư cảm ơn của bệnh nhân, của người dân thành phố gửi cán bộ, chiến sĩ LLVT quân khu và cả những dòng chữ viết vội của chiến sĩ Sư đoàn 5 gửi lại động viên nhân dân và các cháu học sinh giữ gìn sức khỏe, tiếp tục thực hiện tốt quy định phòng, chống dịch để trở lại cuộc sống bình thường mới...
Ở đó, khách tham quan còn tìm thấy những giọt nước mắt sẻ chia của Bộ đội Cụ Hồ cùng đau nỗi đau mất mát của người dân do dịch bệnh gây nên...
Triển lãm “Lặng” thật lắng lòng, ý nghĩa biết bao! Đồng chí Nguyễn Đông Tùng, Chủ tịch UBND quận Phú Nhuận, bộc bạch: “Lặng” là bức tranh ký họa về những khoảnh khắc, dấu ấn trôi qua, dù đau thương nhưng trong đó ngời lên giá trị tôn vinh sự cống hiến thầm lặng, những hy sinh cao quý của đội ngũ tuyến đầu chống dịch, nhất là các y sĩ, bác sĩ, bộ đội, dân quân... Chúng tôi sẽ không bao giờ quên hình ảnh cán bộ, chiến sĩ nhễ nhại mồ hôi, tay xách quà, vai khiêng gạo len lỏi khắp các hẻm nhỏ cấp phát nhu yếu phẩm cho dân; dầm mưa dãi nắng trực chốt, thức thâu đêm hỗ trợ bệnh viện dã chiến, giữ gìn trật tự khu cách ly... Tình quân dân sâu nặng ân tình mãi sáng đẹp trong lòng người dân thành phố...".
Còn rất nhiều câu chuyện ân tình như thế vẫn vẹn nguyên trong ký ức của cán bộ và nhân dân thuộc các tỉnh Đông Nam Bộ. Xúc cảm để viết nên câu chuyện đó chính là Bộ đội Cụ Hồ, là cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu 7.
Thành công nhờ huy động tổng lực
Cuối tháng 4-2021, dịch Covid-19 bùng phát, diễn biến hết sức phức tạp, số ca nhiễm tăng nhanh, tỷ lệ tử vong cao, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống kinh tế-xã hội, đe dọa sức khỏe, tính mạng của nhân dân. Nhớ lại thời điểm đó, Trung tướng Trần Hoài Trung, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu 7 chia sẻ: "Ngay từ khi dịch bắt đầu bùng phát, Thường vụ Đảng ủy, Bộ tư lệnh quân khu đã chủ động phối hợp, hiệp đồng với cấp ủy, chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng triển khai hàng loạt biện pháp chống dịch; phát động Phong trào thi đua đặc biệt “Chống dịch, cứu dân” trong LLVT quân khu; đẩy mạnh thực hiện chủ trương “Đơn vị, địa phương tuyến sau hỗ trợ, giúp đỡ đơn vị, địa phương tuyến trước; ngoài vùng dịch giúp đỡ trong vùng dịch; vùng có dịch ít giúp đỡ vùng có dịch nhiều”... với tinh thần huy động sức mạnh tổng hợp, quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh.
Cụ thể hóa chủ trương và phong trào thi đua đặc biệt, LLVT quân khu đã huy động gần 10.000 bộ đội chủ lực, hơn 70.000 dân quân tự vệ, giai đoạn cao nhất lên tới gần 102.000 cán bộ, chiến sĩ, dân quân tự vệ phối hợp cùng các lực lượng của Bộ Quốc phòng và các ngành chức năng tham gia chống dịch. Mỗi người một hoàn cảnh khác nhau, nhiều đồng chí gia đình khó khăn, thậm chí mất đi cha mẹ, người thân do nhiễm Covid-19, nhưng không một ai do dự, thoái thác nhiệm vụ.
Tất cả đều hừng hực khí thế, tình nguyện, hiên ngang xông pha trên tuyến đầu, làm bất cứ nhiệm vụ gì để chống dịch cứu dân, kể cả những việc chưa có trong tiền lệ.
Theo báo cáo của Bộ tư lệnh Quân khu 7, với quân số và nhiệm vụ chống dịch tại các địa phương, LLVT quân khu đã tổ chức gần 17.000 tổ, trạm, đồn, chốt dân quân trên biên giới đất liền, biên giới biển và trong các vùng dịch; chốt chặn tại các nút giao thông; tuần tra, bảo đảm an ninh trật tự; vận chuyển hơn 6 triệu túi an sinh, túi y tế, lương thực, nhu yếu phẩm, vật tư y tế, thuốc điều trị tới từng hộ dân; tuyên truyền, vận động bà con thực hiện nghiêm quy định giãn cách; tiếp nhận, vận chuyển, xử lý thi hài, quản lý, bàn giao tro cốt của nạn nhân tử vong do Covid-19 cho thân nhân, gia đình bảo đảm chu đáo, nghĩa tình.
Theo Thiếu tướng Võ Văn Thi, Phó tư lệnh Quân khu 7: Đối với các bệnh viện, bệnh xá thuộc các đơn vị của quân khu, chấp hành mệnh lệnh điều động, gần 2.000 y sĩ, bác sĩ, nhân viên quân y cùng nhiều phương tiện, trang bị, vật tư y tế được huy động để thành lập 3 bệnh viện dã chiến truyền nhiễm với quy mô 1.900 giường bệnh; chuyển đổi công năng Bệnh viện Quân dân y miền Đông, thành lập khoa điều trị Covid-19 tại Bệnh viện Quân y 7A, 7B với quy mô 720 giường bệnh... để chung tay giành giật sự sống cho nhân dân nhiễm Covid-19.
Cùng với nhiệm vụ chống dịch, LLVT Quân khu 7 phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam các địa phương, cơ quan, ban, ngành, doanh nghiệp, nhà hảo tâm... tổ chức nhiều mô hình giúp dân hiệu quả, như: “Nhà trọ 0 đồng”, “Gian hàng 0 đồng”, “Phiên chợ 0 đồng”, “Cây ATM gạo nghĩa tình”, “Cây ATM khẩu trang”, “Hũ gạo tình thương”, “Bữa cơm nghĩa tình”, “Tủ đồ dùng thiện nguyện”; “Tặng sản phẩm tăng gia sản xuất cho nhân dân”... Các chương trình 1.000, 2.000, 5.000, 20.000, 100.000 phần quà... đã được triển khai với tổng trị giá hơn 810 tỷ đồng, góp phần giúp nhân dân vượt qua khó khăn do đại dịch.
Thiếu tướng Nguyễn Trường Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân khu 7 khẳng định: "Trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, LLVT quân khu đã phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp, tích cực tuyên truyền, vận động để mọi lực lượng, mọi cấp, mọi ngành, mọi người tham gia phòng, chống dịch, giúp đỡ nhân dân. Các nguồn lực được huy động tối đa tạo nên sức mạnh tổng hợp.
Thành công đó là nhờ sự thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Đảng ủy, Bộ tư lệnh quân khu, cấp ủy, chỉ huy các cấp và sự đồng thuận, quyết tâm cao của chính quyền, hệ thống chính trị cùng toàn thể nhân dân trên địa bàn; sự chung tay góp sức của doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân thông qua sự vận động kết nối của các đơn vị, địa phương. Đây còn là sức mạnh của nền quốc phòng toàn dân, của khu vực phòng thủ đã được khơi dậy và phát huy mạnh mẽ, đoàn kết, đồng lòng chiến thắng đại dịch, bảo vệ nhân dân".
Thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19, LLVT Quân khu 7 có 3.853 tập thể, 78.695 cá nhân được khen thưởng. Trong đó, 13 tập thể và 17 cá nhân được tặng huân chương các loại. LLVT Quân khu 7 được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất. |
HOÀNG THÀNH - THẾ ANH/qdnd.vn