Năm 2004, thư viện Học viện Kỹ thuật Quân sự (KTQS) bắt đầu làm quen với khái niệm: Thư viện số.
Đây là lĩnh vực mới thời điểm bấy giờ, do đó khi triển khai, cán bộ, nhân viên gặp nhiều khó khăn. Công việc số hóa yêu cầu khá cao như phải đưa vào sử dụng các phần mềm trong điều hành, quản lý thư viện; ứng dụng công nghệ mã vạch, thẻ từ...
Theo Đại tá, PGS, TS Nguyễn Hoàng Vũ, Trưởng phòng Thông tin khoa học quân sự: Mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức cả về con người, công nghệ, song xác định học liệu số là một trong những yếu tố quan trọng và cần thiết để chuyển đổi số trong đào tạo, thư viện đã tập trung mọi nguồn lực với quyết tâm cao nhất, nhanh chóng xây dựng nguồn học liệu số, bảo đảm về số lượng và chất lượng, phù hợp với định hướng đào tạo, nghiên cứu khoa học.
Cán bộ, nhân viên thư viện Học viện Kỹ thuật Quân sự tiến hành số hóa tài liệu bổ sung cho thư viện số. |
Với quyết tâm đó, công tác số hóa được thư viện Học viện KTQS tiến hành từng bước. Đến năm 2006, khi tham gia Dự án “Thư viện số dùng chung trong Bộ Quốc phòng” do Trung tâm Thông tin Khoa học quân sự (Bộ Quốc phòng) làm chủ đầu tư, thư viện Học viện KTQS đã có điều kiện tập trung vào số hóa giáo trình, tài liệu tham khảo do học viện tự biên soạn. Lần lượt sau đó là các luận văn, luận án bảo vệ tại học viện và giáo trình, tài liệu tham khảo quan trọng khác. Lúc này, công tác số hóa khá thủ công bằng cách sao, chụp các văn bản và chuyển thành tệp ảnh hoặc văn bản dạng nén. Vì thế tốc độ và hiệu quả số hóa chưa cao.
Nhận thấy hạn chế đó, thư viện Học viện KTQS đã đề nghị lãnh đạo, Ban giám đốc học viện đầu tư về công nghệ và thiết bị để bảo đảm tiến độ số hóa. Đầu tiên, đường truyền và các thiết bị công nghệ thông tin được đầu tư nâng cấp hiện đại hơn. Riêng với hệ thống thư viện số của Học viện KTQS được triển khai trên hai hệ thống mạng song song (mạng truyền số liệu quân sự TSLqs và Internet). Hệ thống máy trạm tại các khu vực phục vụ của thư viện đều được nâng cấp. Thư viện cũng được trang bị hai máy scan bán tự động Bookeye, các thiết bị in mã vạch, phát hành thẻ...
Từ sự quan tâm, đầu tư đó, tính đến giữa năm 2022, cơ sở dữ liệu số của thư viện Học viện KTQS đã tích lũy được hơn 10.000 đầu tài liệu từ nhiều nguồn. Trong đó, đưa vào khai thác hiệu quả hơn 2.500 đầu tài liệu, giáo trình với tổng số hơn 828.300 trang tài liệu do chính học viện biên soạn. Hiện nay, thư viện số Học viện KTQS được đưa vào khai thác, sử dụng rộng rãi trên internet. Đây là kênh quan trọng cung cấp tài liệu hỗ trợ, nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học tại Học viện KTQS.
Để phát huy hiệu quả công tác chuyển đổi số ở thư viện Học viện KTQS trong những năm tiếp theo, Đại tá, PGS, TS Nguyễn Hoàng Vũ cho biết: Thư viện sẽ tiếp tục tăng cường xây dựng chuyển đổi số; chủ động tìm kiếm và bổ sung nguồn tài liệu từ các nhà xuất bản trong nước, quốc tế uy tín, phù hợp với chuyên ngành đào tạo, định hướng nghiên cứu của Học viện KTQS; cập nhật và ứng dụng các phần mềm mới trong quản lý, khai thác thư viện số; đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cán bộ thư viện nhằm hỗ trợ giảng viên, học viên khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên từ thư viện số.
Theo qdnd.vn