Nghệ thuật tác chiến hiệp đồng phòng không đánh thắng trận đầu

Thứ 2, 01.08.2022 | 08:30:19
632 lượt xem

Thắng lợi trong trận đầu ngày 5-8-1964 có ý nghĩa lớn, thể hiện ý chí quyết tâm dám đánh, biết đánh và quyết đánh thắng giặc Mỹ xâm lược của quân và dân ta; đồng thời để lại những bài học kinh nghiệm quý, trong đó nổi bật là nghệ thuật tác chiến hiệp đồng phòng không đánh thắng trận đầu.

Nhằm chuẩn bị chiến tranh phá hoại đối với miền Bắc nước ta, từ tháng 2-1964, không quân Mỹ huy động máy bay trinh sát, đồng thời sử dụng các đội biệt kích nhảy dù, đột nhập từ biển vào phá hoại các cơ sở kinh tế, thiết bị quân sự ven biển với mức độ ngày càng gia tăng. Đầu tháng 4-1964, thông qua kế hoạch dùng không quân đánh phá 94 mục tiêu ở miền Bắc, đặc biệt, Mỹ dựng lên sự kiện vịnh Bắc Bộ (tháng 8-1964) để tạo cớ mở cuộc tiến công đánh phá miền Bắc.

Theo dõi chặt chẽ, nắm được âm mưu và hành động chuẩn bị chiến tranh ngày càng trắng trợn của Mỹ, tháng 6-1964, Bộ Chính trị ra Chỉ thị “Tăng cường sẵn sàng chiến đấu, đập tan âm mưu khiêu khích, đánh phá miền Bắc của không quân Mỹ”. Đồng thời chỉ thị cho cấp ủy, chính quyền các địa phương tăng cường công tác phòng không nhân dân, coi đây là nhiệm vụ cấp bách trước mắt. Thực hiện chỉ thị của Bộ Chính trị, các lực lượng vũ trang miền Bắc, nòng cốt là lực lượng phòng không và hải quân bảo vệ những khu vực, mục tiêu quan trọng, phát động rộng rãi phong trào bắn máy bay Mỹ bằng súng bộ binh trong các lực lượng phòng không và dân quân tự vệ. Đến giữa năm 1964, mọi công tác chuẩn bị của quân và dân miền Bắc cơ bản hoàn thành, sẵn sàng bước vào cuộc chiến đấu chống kẻ thù xâm lược.

Nghệ thuật tác chiến hiệp đồng phòng không đánh thắng trận đầu
Trận địa pháo 88mm của Tiểu đoàn Phòng không 217 (Trung đoàn 240, Quân chủng Phòng không-Không quân) tham gia đánh thắng trận đầu ngày 5-8-1964. Ảnh tư liệu

Trên cơ sở nhận định rõ âm mưu, thủ đoạn đánh phá của địch, xác định những khu vực, mục tiêu chúng sẽ đánh phá để bảo vệ là vấn đề rất quan trọng trong nghệ thuật tác chiến phòng không. Ngay từ khi địch tăng cường dùng máy bay trinh sát, tung các toán biệt kích ra phá hoại ở cầu Hàng (Thanh Hóa), tập kích nhà máy nước Đồng Hới (Quảng Bình), đảo Hòn Mê (Thanh Hóa), Hòn Ngư (Nghệ An), cuối tháng 7-1964, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam chỉ đạo Quân chủng Phòng không-Không quân và Quân chủng Hải quân nâng cao công tác sẵn sàng chiến đấu, nhất là ở những khu vực vùng ven biển dự kiến địch sẽ đánh phá, trong đó có cảng sông Gianh (Quảng Bình); Cửa Hội, Vinh-Bến Thủy (Nghệ An); Lạch Trường (Thanh Hóa) và Bãi Cháy (Quảng Ninh).

Theo sự chỉ đạo của trên, Quân chủng Phòng không-Không quân bố trí Trung đoàn Phòng không 280 bảo vệ TP Vinh (Nghệ An); Tiểu đoàn Phòng không 217 thuộc Trung đoàn Phòng không 240 bảo vệ khu công nghiệp Hòn Gai-Cẩm Phả (Quảng Ninh); các tiểu đội súng máy phòng không bảo vệ trạm radar, căn cứ, kho tàng, sẵn sàng phối hợp với lực lượng phòng không của Quân chủng Hải quân, cùng bộ đội địa phương và dân quân tự vệ ở từng địa phương đánh địch. Trên cơ sở nhận định các khu vực, mục tiêu địch sẽ đánh phá, lực lượng phòng không bảo vệ từng khu vực đã chuyển vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu.

Nhờ chuẩn bị chu đáo, các lực lượng phòng không ở từng khu vực đã phát huy hiệu quả tác chiến hiệp đồng đánh trả máy bay địch. Trận mở đầu diễn ra ở Cửa Hội-Vinh lúc 12 giờ 30 phút ngày 5-8-1964, Trung đoàn Phòng không 280 tổ chức hiệp đồng chặt chẽ với các tàu của Phân đội 5, Phân đội 7 Hải quân, lực lượng phòng không trên đảo Hòn Ngư và dân quân tự vệ các địa phương, đơn vị khu vực lân cận kiên quyết, dũng cảm chiến đấu. Ở cảng sông Gianh, các tàu thuộc các phân đội hải quân, hiệp đồng với các trận địa phòng không trên hai bờ sông Gianh, tự vệ ngư trường sông Gianh, đồn công an nhân dân vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng), lực lượng dân quân một số xã thuộc hai huyện Quảng Trạch và Bố Trạch (Quảng Bình) đánh chặn các đợt ném bom, bắn phá của máy bay địch.

Tiếp đó, các tàu thuộc Phân đội 2 Hải quân tổ chức hiệp đồng với dân quân các huyện Hậu Lộc, Hoằng Hóa, tự vệ thủy sản Lạch Trường (Thanh Hóa), Đồn 74 Công an nhân dân vũ trang và Trạm Ra-đa 19 kiên cường chiến đấu ở Lạch Trường. Trong khi đó, Tiểu đoàn Phòng không 217 hiệp đồng với lực lượng súng pháo phòng không của Khu tuần phòng 1 cùng các tàu hải quân, lực lượng tự vệ nhà máy, xí nghiệp khu mỏ liên tục đánh trả các đợt đánh phá của máy bay địch ở Bãi Cháy. Nhờ tổ chức hiệp đồng chặt chẽ, linh hoạt giữa các lực lượng phòng không, trận đánh (từ 12 giờ 30 phút đến 17 giờ ngày 5-8-1964) đã kết thúc thắng lợi. Kết quả, ta bắn rơi 8 máy bay địch, bắn bị thương một số chiếc, bắt sống phi công Mỹ, đánh bại cuộc hành quân “Mũi tên xuyên”, khiến giới lãnh đạo Mỹ bất ngờ, choáng váng.

Chiến công đánh thắng trận đầu thể hiện bước phát triển về nghệ thuật tác chiến phòng không, trong đó nổi bật là nắm âm mưu, thủ đoạn của địch, xác định chính xác những khu vực, mục tiêu bảo vệ và tổ chức hiệp đồng tác chiến chặt chẽ, linh hoạt, hiệu quả giữa các lực lượng phòng không ba thứ quân. Kinh nghiệm trận đầu được quân và dân ta tiếp tục vận dụng, phát huy sáng tạo lên tầm cao mới trong cả hai lần chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ đối với miền Bắc.


Theo qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/nghe-thuat-quan-su-vn/nghe-thuat-tac-chien-hiep-dong-phong-khong-danh-thang-tran-dau-701427

  • Từ khóa