Nghệ thuật chỉ đạo và tổ chức đánh địch mở đầu kháng chiến

Thứ 2, 19.09.2022 | 08:02:35
753 lượt xem

Theo thỏa thuận tại Hội nghị Potsdam (từ ngày 17-7 đến 2-8-1945), quân Anh và quân đội Trung Hoa dân quốc, dưới danh nghĩa đồng minh, đưa quân đội vào Việt Nam làm nhiệm vụ giải giáp tàn binh Nhật.

Được sự hậu thuẫn của Anh, đầu tháng 9-1945, Pháp từng bước đưa quân đội vào Nam Bộ, thực hiện âm mưu xâm lược nước ta một lần nữa. Vừa đến Sài Gòn, quân Anh, Pháp đã đưa ra nhiều yêu cầu phi lý, nhất là chúng đòi ta giải tán lực lượng vũ trang và trang bị vũ khí cho số tù binh Pháp (bị Nhật giam cầm) mới được thả...

Trước hành động ngang ngược của quân Anh và Pháp, dưới sự chỉ đạo của Ủy ban kháng chiến Nam Bộ, quân và dân Sài Gòn-Chợ Lớn một mặt hết sức kiềm chế, mặt khác gấp rút chuẩn bị chiến đấu. Theo đó, các đơn vị cộng hòa vệ binh và các đơn vị dân quân cách mạng rút ra khỏi nội thành; người già, trẻ em tản cư ra khỏi thành phố; các đơn vị vũ trang trong thành phố được bổ sung quân số và trang bị thêm vũ khí. Sài Gòn-Chợ Lớn được chia thành 5 mặt trận, trong đó mặt trận nội thành được tổ chức thành 320 đội tự vệ chiến đấu, bố trí tại 16 khu vực tác chiến trọng điểm; đồng thời phân công một số đội vũ trang tuần tra canh gác các công sở. Còn 4 mặt trận xung quanh Sài Gòn (Đông, Bắc, Tây, Nam), mỗi mặt trận bố trí các đơn vị vũ trang tập trung và lực lượng tự vệ trấn giữ, hình thành thế trận từ Thị Nghè, Khánh Hội, cầu Bông, đến Rạch Cát, Phú Lâm, cầu Kiệu... bao vây, cô lập địch trong thành phố. Trước đối tượng tác chiến mạnh hơn, ta đã chuẩn bị trước một bước về lực lượng vũ trang, tuy trang bị vũ khí còn thô sơ, nhưng được tổ chức, bố trí trên các địa bàn trọng yếu ở nội và ngoại thành Sài Gòn, sẵn sàng đánh địch.

Nghệ thuật chỉ đạo và tổ chức đánh địch mở đầu kháng chiến
Khí thế đấu tranh trong những ngày đầu Nam Bộ kháng chiến năm 1945. Ảnh tư liệu 

Nhờ được chuẩn bị từ trước về lực lượng và chủ động bố trí thế trận tác chiến, ngay sáng 23-9-1945, các đơn vị tự vệ, thanh niên xung phong đã tổ chức chiến đấu quyết liệt với địch ở nhiều nơi trong nội thành. Đồng thời, Xứ ủy và Ủy ban kháng chiến Nam Bộ triệu tập hội nghị, thống nhất phương án: Vừa báo cáo, xin chỉ thị của Trung ương, vừa phát động kháng chiến ngay lập tức. Đây là quyết định táo bạo, đầy tính sáng tạo, mưu trí, quyết đoán của Xứ ủy và Ủy ban kháng chiến Nam Bộ.

Thực hiện chủ trương của hội nghị, Ủy ban kháng chiến Nam Bộ, Ủy ban kháng chiến Sài Gòn-Chợ Lớn đã chỉ đạo quân và dân thành phố nhất tề đứng lên, đẩy mạnh đấu tranh quyết liệt với địch. Tiêu biểu là: Tiểu đội bảo vệ cột cờ Thủ Ngữ, dù chỉ có súng săn, dao găm, lựu đạn nhưng đã chống lại một đại đội quân Anh; một đại đội dân quân tiến theo đường Verdun (nay là đường Cách mạng Tháng Tám), cơ động chiếm chợ Bến Thành và tiến ra đại lộ Bonard (nay là đại lộ Lê Lợi), bắn vào các vị trí chiếm đóng của địch; một số đội tự vệ của ta vượt kênh Tàu Hũ đánh địch ở đường De la Some (nay là đường Hàm Nghi)... Ở Chợ Lớn, công nhân nhà in đã in hàng vạn bản “Tuyên cáo quốc dân” của Ủy ban kháng chiến Nam Bộ, nêu quyết tâm chiến đấu của nhân dân Nam Bộ. Nhân dân Sài Gòn-Chợ Lớn triệt để bãi công, bãi thị, bãi khóa, không hợp tác với địch; dựng chiến lũy, chướng ngại vật ngăn cản địch ở khắp mọi nơi; đồng thời phối hợp với các đội tự vệ, vũ trang công đoàn, công an xung phong anh dũng đánh trả địch, gây cho chúng một số thiệt hại.

Trong khi quân dân Sài Gòn-Chợ Lớn quyết tâm bảo vệ nền độc lập vừa mới giành được thì ngay đêm 23-9-1945, sau khi nhận được điện của Ủy ban kháng chiến Nam Bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh triệu tập Chính phủ họp khẩn cấp, nhất trí với chủ trương của Hội nghị Xứ ủy và Ủy ban kháng chiến Nam Bộ. Ngày 24-9, Đài Tiếng nói Việt Nam truyền bức điện của Chính phủ chỉ thị cho Ủy ban kháng chiến Nam Bộ, kêu gọi đồng bào Nam Bộ đứng lên kháng chiến bảo vệ nền độc lập của dân tộc. Hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ, nhân dân và du kích ở các vùng Xóm Chiếu, Khánh Hội, Tân Thuận (thuộc vùng bến cảng) kéo đến khu Cầu Quay và bốt số 6 biểu tình. Dù bị quân Pháp và quân Anh bắn, làm nhiều người chết và bị thương, nhưng đoàn người vẫn hiên ngang tiến lên bao vây đồn Thương Khẩu, bốt số 6; phá rào, ném lựu đạn, lấy súng địch bắn địch, buộc quân Pháp và quân Anh tại đây phải đầu hàng, giải thoát 70 thanh niên bị địch bắt. Ở khu vực cầu Mac Mahon, cầu Kiện, cầu Bông, cầu Thị Nghè, cầu Muối, lực lượng du kích chiến đấu quyết liệt, gây cho địch nhiều thiệt hại.

Cuộc chiến đấu kiên cường, dũng cảm của quân dân Sài Gòn-Chợ Lớn trong hai ngày đầu (23 và 24-9-1945) đã được Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo kịp thời, Xứ ủy và Ủy ban kháng chiến Nam Bộ, Ủy ban kháng chiến Sài Gòn-Chợ Lớn trực tiếp lãnh đạo và tổ chức đánh địch, tiêu diệt nhiều sinh lực, kìm chân chúng trong thành phố, bước đầu làm thất bại chiến lược đánh nhanh, thắng nhanh của Pháp, tạo điều kiện cho quân dân Nam Bộ và cả nước chuẩn bị về mọi mặt để kháng chiến lâu dài khi chiến tranh lan rộng ra các tỉnh Nam Bộ và trên phạm vi toàn quốc. Với ý nghĩa sâu sắc đó, ngày 23-9 trở thành ngày Nam Bộ kháng chiến, đồng thời cũng là ngày mở đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân cả nước, kéo dài tới năm 1954 thì giành thắng lợi vẻ vang.


Dương Đình Lập/qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/nghe-thuat-quan-su-vn/nghe-thuat-chi-dao-va-to-chuc-danh-dich-mo-dau-khang-chien-705730

  • Từ khóa