Những “vành đai xanh” trên biên giới xứ Lạng

Chủ nhật, 09.10.2022 | 09:17:24
1,074 lượt xem

Để tạo những “vành đai xanh” nơi biên giới, thời gian qua, Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn đã triển khai nhiều mô hình hiệu quả vừa hỗ trợ nhân dân trồng rừng, phát triển kinh tế vừa góp phần bảo vệ hiệu quả đường biên, cột mốc, giữ vững an ninh trật tự địa bàn.

Trước đây, vì thiếu nhân lực và kinh phí để đầu tư trồng rừng nên diện tích rừng trên biên giới của gia đình anh Nguyễn Văn Chiến ở thôn Nà Vang, xã Bính Xá (Đình Lập, Lạng Sơn) được giao quản lý hầu hết là bỏ trống, cây cỏ mọc tự nhiên, không có giá trị kinh tế. Năm 2019, được Đồn Biên phòng Chi Lăng hỗ trợ gần 1.000 giống cây bạch đàn, đồng thời tập huấn kỹ thuật chăm sóc nên đến nay gia đình anh Chiến đã phát triển được trên 10 ha rừng trồng; đến nay cây phát triển tốt và chuẩn bị cho thu hoạch.

Trung tá Hoàng Ngọc Huấn, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Chi Lăng, BĐBP tỉnh Lạng Sơn cho hay: “Đơn vị có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ hơn 20 km đường biên giới quốc gia và phụ trách địa bàn xã Bính Xá (huyện Đình Lập) và xã Tam Gia (huyện Lộc Bình). Đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Địa bàn đơn vị quản lý chủ yếu là đồi rừng. Thời gian qua, việc hỗ trợ nhân dân về cây giống và tập huấn chăm sóc đã mang lại hiệu quả thiết thực. Đời sống nhân dân ấm no hơn, con cái được ăn học, mặt khác góp phần giữ vững an ninh biên giới”.

Những “vành đai xanh” trên biên giới xứ Lạng
Đồn Biên phòng Ba Sơn triển khai mô hình “Lũy tre biên giới Việt”.

Nhận thấy hiệu quả “kép” của việc trồng cây gây rừng, mới đây, Đồn Biên phòng Ba Sơn triển khai mô hình “Lũy tre biên giới Việt”. Do đặc thù, quản lý, bảo vệ trên 41 km đường biên giới quốc gia và phụ trách địa bàn 3 xã: Cao Lâu, Xuất Lễ và Mẫu Sơn (huyện Cao Lộc). Qua khảo sát cho thấy, trồng tre lấy măng dễ thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, thời tiết trên địa bàn huyện Cao Lộc; chi phí chăm sóc không cao, thời gian cây trưởng thành và cho thu hoạch măng khoảng 2 năm, mang lại giá trị kinh tế cho bà con trên địa bàn. Theo đó, Đồn Biên phòng Ba Sơn đã tổ chức hỗ trợ 3.500 cây tre giống Bát Độ, cho 2 tập thể và 16 gia đình ở xã Xuất Lễ để trồng thí điểm. Đến nay, các tập thể và các hộ gia đình đã trồng được 1.000 cây, phát triển tốt.

Đại tá Trần Quang Tùng, Phó chính ủy Bộ đội Biên tỉnh phòng Lạng Sơn cho biết: “Đây là mô hình có ý nghĩa quan trọng, thiết thực trên nhiều phương diện. Vừa góp phần định hướng cho nhân dân phát huy tính năng động tự chủ, vươn lên thoát nghèo, vừa góp phần tạo động lực cho nhân dân khu vực biên giới sát cánh cùng bộ đội trong phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”.

Những “vành đai xanh” trên biên giới xứ Lạng
Cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn giúp nhân dân các xã biên giới ở huyện Cao Lộc trồng cây tre Bát Độ.

Được biết, chủ trương này xuất phát từ đặc điểm địa hình địa bàn biên giới Lạng Sơn hiểm trở, nhân dân sống thưa thớt, còn nhiều diện tích đất trống, đồi núi trọc nên bộ đội biên phòng đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch, tìm nguồn cây giống, xác định khu vực trồng rừng. Mới đầu nhiều bà con chưa hiểu lợi ích của việc trồng cây gây rừng nên nhiều hộ chưa đồng thuận. Cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng đã phát huy vai trò các tổ tuyên truyền, kiên trì vận động nhân dân tham gia các dự án trồng rừng, với các loại cây thế mạnh, có giá trị kinh tế, phù hợp với từng địa bàn và tập quán sản xuất của người dân như: Thông, keo, bạch đàn, trà hoa vàng, rừng tre bát độ. “Mưa dầm thấm lâu”, đến nay, đông đảo bà con tin nghe theo lời bộ đội, những cánh rừng đang tiếp tục được phủ xanh trên tuyến biên giới. Được biết, từ năm 2021 đến nay, Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn đã hỗ trợ được gần 30.000 cây giống các loại và gần 1.000 con giống cho nhân dân trên địa bàn.

Cùng với công tác tuyên truyền, hỗ trợ người dân trồng rừng, cán bộ, chiến sĩ còn duy trì đều đặn công tác tuần tra biên giới, kết hợp với bảo vệ rừng trên địa bàn. Những buổi tuần tra luôn có sự tham gia của các tổ chức đoàn thể, các tầng lớp nhân dân, đồng thời phối hợp thành lập, duy trì các tổ tự quản bảo vệ, phòng chống cháy rừng, nhằm nhanh chóng cơ động xử lý các tình huống nguy hại đến rừng.

“Vành đai xanh” được hình thành dọc tuyến biên giới Xứ Lạng không chỉ tạo nguồn lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển mà còn góp phần khẳng định chủ quyền lãnh thổ, bảo đảm an ninh, quốc phòng ngày càng vững chắc.


Theo qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/nhung-vanh-dai-xanh-tren-bien-gioi-xu-lang-707562

  • Từ khóa