Sáng 4-11, tại Hà Nội, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có buổi làm việc với Ban soạn thảo Dự án Luật Phòng thủ dân sự.
Dự buổi làm việc có các đồng chí: Trung tướng Nguyễn Trọng Bình, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam; Thiếu tướng Nguyễn Viết Tuyên, Chánh Văn phòng Bộ Quốc phòng; đại biểu thành viên Ban soạn thảo Dự án Luật Phòng thủ dân sự...
Đại tướng Phan Văn Giang phát biểu chỉ đạo buổi làm việc. |
Tại buổi làm việc, đại diện Cục Cứu hộ - Cứu nạn (Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam) báo cáo kết quả thảo luận của đại biểu Quốc hội tại các tổ về Dự án Luật Phòng thủ dân sự. Theo đó, Cục Cứu hộ - Cứu nạn đã phối hợp chặt chẽ với Vụ Pháp chế, Bộ Quốc phòng cử cán bộ tham gia nghe thảo luận của các đại biểu tại 19 tổ. Các ý kiến của đại biểu Quốc hội tại các tổ đều thống nhất cho rằng việc xây dựng Luật Phòng thủ dân sự là hết sức cần thiết, đáp ứng yêu cầu phòng ngừa, ứng phó, khắc phục thảm họa và sự cố thiên tai, dịch bệnh… Việc xây dựng Luật Phòng thủ dân sự dựa trên cả cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn.
Quang cảnh buổi làm việc. |
Ngoài ra, một số ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại các tổ tập trung thảo luận về các vấn đề như: Phạm vi điều chỉnh của luật; khái niệm phòng thủ dân sự; các dạng thảm họa, sự cố; đánh giá mức độ rủi ro của thảm họa, sự cố; công trình phòng thủ dân sự; cấp độ phòng thủ dân sự; cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng thủ dân sự; quỹ phòng thủ dân sự và các vấn đề khác.
Qua nghe báo cáo của Ban soạn thảo và ý kiến bổ sung của các đại biểu, phát biểu kết luận buổi làm việc, Đại tướng Phan Văn Giang biểu dương Ban soạn thảo dự án luật đã chủ động phối hợp, lắng nghe, nắm bắt đầy đủ ý kiến của các đại biểu Quốc hội. Đồng chí Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tiếp tục khẳng định, việc xây dựng Luật Phòng thủ dân sự là hết sức cần thiết, đã được Quốc hội quyết định. Ngày 30-8-2022, Bộ Chính trị cũng đã ban hành Nghị quyết số 22-NQ/TW “Về phòng thủ dân sự đến năm 2030 và những năm tiếp theo”, xác định mục tiêu cụ thể đến năm 2025 là: “Xây dựng Luật Phòng thủ dân sự”.
Trung tướng Nguyễn Trọng Bình, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam phát biểu tại buổi làm việc. |
Để dự thảo luật tạo được sự đồng thuận cao, Đại tướng Phan Văn Giang yêu cầu Ban soạn thảo tiếp tục chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, chi tiết hơn nữa các ý kiến tiếp thu, giải trình đối với các nội dung thảo luận của đại biểu Quốc hội. Trong đó, cần tập trung làm rõ hơn khái niệm phòng thủ dân sự cũng như các quy định cụ thể về các dạng thảm họa, sự cố trong dự thảo luật; khẳng định rõ hơn dự thảo Luật Phòng thủ dân sự chỉ điều chỉnh về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục đối với thảm họa và sự cố có nguy cơ dẫn đến thảm họa; phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật Phòng thủ dân sự không chồng chéo với phạm vi điều chỉnh của các luật hiện hành…
Đại tướng Phan Văn Giang phát biểu kết luận nội dung buổi làm việc. |
Đại tướng Phan Văn Giang cũng yêu cầu, quá trình báo cáo tiếp thu, giải trình, Ban soạn thảo cần liên hệ tới các sự cố, thảm họa vừa xảy ra trong thực tế để tăng tính thuyết phục. Qua đó, nêu bật được vai trò của quân đội trong nhiệm vụ ứng phó với các sự cố, thảm họa, phòng chống lụt bão, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và các tình huống an ninh phi truyền thống khác; tiếp tục khẳng định lực lượng quân đội đủ sức đảm đương, chủ trì trong thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ đất nước, bảo vệ nhân dân trước mọi tình huống, luôn phát huy tốt chức năng “đội quân công tác”, “đội quân chiến đấu”… mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định.
VĂN CHIỂN/qdnd.vn