Công việc bận rộn, thường xuyên hoạt động với cường độ cao, ít có thời gian chăm lo cho gia đình, đồng lương eo hẹp là những khó khăn chung của đại đa số cán bộ, chiến sĩ đang công tác tại các đơn vị cơ sở, nhất là những đơn vị làm nhiệm vụ ở vùng sâu, vùng xa, nơi biên giới, hải đảo. Song, đã mang trên vai trách nhiệm, nghĩa vụ thiêng liêng bảo vệ Tổ quốc nên những chiến sĩ Bộ đội Cụ Hồ luôn thầm lặng cống hiến.
Hang Vây là đỉnh núi nằm giáp biên giới Việt Nam-Trung Quốc, thuộc xã Quảng Đức, huyện Hải Hà (Quảng Ninh). Ở độ cao 1.000m so với mực nước biển, nơi đây thời tiết khắc nghiệt, quanh năm sương mù bao phủ, vào mùa đông thường xuất hiện băng giá, tuyết rơi. Đường lên Hang Vây chủ yếu là dốc đứng, trắc trở với những khúc cua tay áo nguy hiểm càng khiến nơi đây trở nên hoang vu, hẻo lánh. Vậy mà nhiều năm qua, cán bộ, nhân viên Đội sản xuất số 1 thuộc Lâm trường 103 (Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 327, Quân khu 3) vẫn kiên trì bám trụ tại Hang Vây để trồng cây, bảo vệ rừng, phối hợp cùng các lực lượng tham gia giữ gìn an ninh trật tự, trở thành “cột mốc sống” bảo vệ chủ quyền nơi biên cương Đông Bắc.
Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Công binh 513 (Quân khu 3) tham gia diễn tập thực binh năm 2022. |
Thiếu thốn về vật chất, vất vả trong công việc là vậy nhưng theo chia sẻ của những người lính lâm trường thì điều đó chưa thấm gì so với việc thường xuyên phải xa gia đình. Có thời gian gắn bó với Hang Vây, Trung tá Bùi Viết Dương, Đội trưởng Đội sản xuất số 1 tâm sự: “Nơi đây ít người qua lại nên hằng ngày chúng tôi chỉ biết làm bạn với cỏ cây, núi rừng. Những lúc gọi điện về nhà trò chuyện cùng vợ con là thời gian hạnh phúc nhất giúp chúng tôi vơi đi sự cô đơn, mệt nhọc. Khổ nỗi ở đây không có mạng 4G, sóng điện thoại chập chờn nên những cuộc trò chuyện thường xuyên phải ngắt quãng. Khổ nhất là lúc vợ ốm, con đau mà bất lực không thể giúp được gì...”.
Công tác ở đơn vị cơ sở thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu nên đội ngũ cán bộ các cấp thường xuyên phải xa nhà. Điều này khiến phần đông sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp tuy đã có gia đình nhưng luôn sống trong cảnh “giường đơn, gối chiếc”. Công việc bận rộn cũng khiến không ít sĩ quan trẻ ít có thời gian đi tìm hạnh phúc riêng. Đại úy Nguyễn Văn Hiển, Đại đội trưởng Đại đội 2, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 2, Sư đoàn 395 (Quân khu 3) là trường hợp điển hình. Ra trường từ năm 2014, năm nay 30 tuổi nhưng Hiển vẫn là “lính phòng không”. Chia sẻ với chúng tôi về chuyện tình duyên của mình, Hiển ngậm ngùi: “Tôi từng có người yêu, gắn bó với nhau được hơn hai năm thì chia tay. Tôi không trách bạn gái vì trong khoảng thời gian yêu nhau dài như vậy nhưng số lần tôi được nghỉ về thăm cô ấy chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhiều lúc thấy bạn bè lập gia đình, vợ con đề huề, hạnh phúc tôi cũng thấy chạnh lòng...”.
Vất vả, bận rộn với công việc nhưng mức lương của thượng úy, đại úy trong quân ngũ mỗi tháng cũng chỉ 7-8 triệu đồng sau khi trừ tiền ăn, chưa kể các khoản chi tiêu khác. Đặc thù “nghề bộ đội” không có thời gian làm thêm công việc khác nên mọi chi tiêu sinh hoạt đều dựa vào đồng lương khiến nhiều gia đình quân nhân gặp khó khăn về kinh tế. Có hơn 28 năm công tác trong quân ngũ nhưng tiền lương hằng tháng của Đại úy QNCN Trịnh Ngọc Hiển, nhân viên Ban Tuyên huấn, Phòng Chính trị, Trường Quân sự Quân khu 3 cũng chỉ được gần 8 triệu đồng sau khi trừ tiền ăn. Quê ở huyện Hà Trung (Thanh Hóa) cách đơn vị hơn 200km, đi lại tốn kém nên khoảng hai tháng anh Hiển mới dám đăng ký tranh thủ về thăm nhà. Anh Hiển tâm sự: “Vợ tôi bán hàng chợ ở quê, thu nhập bấp bênh, chẳng đáng là bao. Hoàn cảnh khó khăn nên nhiều lúc nhà có việc cũng không dám về vì muốn dành dụm chút tiền gửi cho vợ nuôi con ăn học. Cũng may vợ con hiểu, thông cảm nên tôi cũng yên tâm phần nào”.
Nhiều lần đến đơn vị cơ sở công tác, chúng tôi từng gặp những trường hợp cán bộ đóng quân ở đơn vị vùng biên giới lên tranh thủ lúc 3 giờ sáng chỉ vì muốn có thêm vài giờ đồng hồ để ở nhà ăn bữa cơm tối cùng vợ con. Có những người vợ đi “tranh thủ ngược” ra đơn vị thăm chồng vì hai vợ chồng lấy nhau lâu ngày nhưng chưa có con do chồng thường xuyên biền biệt xa nhà. Nhiều đồng chí cán bộ cấp trung đội, đại đội phải ứng lương để có tiền về thăm nhà, đóng học cho con, chăm sóc bố mẹ ốm đau nằm viện... Thế nhưng khi chia sẻ với chúng tôi, những người lính ấy lại rất kiên định với con đường binh nghiệp đã chọn. Họ chủ động đón nhận khó khăn bằng sự điềm tĩnh, tinh thần lạc quan và có những cách để vượt qua khó khăn trước mắt.
Gần 30 năm quân ngũ là từng ấy năm công tác ở đơn vị cơ sở, Thượng tá Nguyễn Đình Tuấn, Chính ủy Trung đoàn 2 (Sư đoàn 395) chia sẻ: “Chúng tôi rất thấu hiểu và chia sẻ với những khó khăn mà đội ngũ cán bộ cấp phân đội đang gặp phải. Tuy nhiên, đây cũng là điều kiện để sĩ quan trẻ khẳng định bản lĩnh, rèn luyện bản thân ngày càng trưởng thành hơn. Thời gian qua, cấp ủy, chỉ huy đơn vị thường xuyên làm tốt công tác giáo dục, động viên tư tưởng, xây dựng động cơ, quyết tâm cho đội ngũ cán bộ các cấp; tạo điều kiện để cán bộ luân phiên đi nghỉ phép, tranh thủ vào ngày nghỉ cuối tuần về giải quyết việc gia đình, đồng thời bảo đảm tốt nhất đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội nói chung, đội ngũ cán bộ các cấp nói riêng”.
Chia sẻ của Thượng tá Nguyễn Đình Tuấn cũng là cách làm chung ở các đơn vị cơ sở hiện nay. Tuy nhiên từng đó là chưa đủ để giải quyết hết những khó khăn mà đội ngũ cán bộ, nhân viên đang công tác ở đơn vị cơ sở gặp phải. Vì vậy rất cần sự chung tay vào cuộc của các cấp, các ngành, tổ chức chính trị-xã hội địa phương trong việc quan tâm thực hiện công tác chính sách Quân đội, hậu phương Quân đội, để đội ngũ cán bộ thêm yên tâm công tác, tích cực luyện rèn, hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ độc lập chủ quyền của Tổ quốc.
NGUYỄN TRƯỜNG/qdnd.vn
https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/thau-cam-se-chia-voi-nguoi-chien-si-711566