Những năm qua, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh luôn chú trọng xây dựng lực lượng, trong đó có đội ngũ trực tiếp làm công tác vận động quần chúng (VĐQC). Qua đó, giúp đội ngũ cán bộ từng bước phát huy hiệu quả công tác VĐQC, góp phần quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
BĐBP tỉnh có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ trên 231 km đường biên giới quốc gia và phụ trách địa bàn khu vực biên giới gồm 20 xã, 1 thị trấn. Đại tá Lương Mạnh Vông, Chủ nhiệm Chính trị BĐBP tỉnh cho biết: Hằng năm, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh và cấp ủy, chỉ huy các đồn biên phòng đã tập trung xây dựng, củng cố, kiện toàn đội ngũ chuyên trách làm công tác VĐQC cả về số lượng và chất lượng. Đồng thời, mở các đợt học tập chính trị, các lớp tập huấn công tác VĐQC và các chương trình phối hợp dạy tiếng dân tộc cho đội ngũ cán bộ làm công tác VĐQC. Qua đây, góp phần nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ làm công tác VĐQC từ cơ quan Bộ Chỉ huy đến các đơn vị cơ sở, từ đó, phát huy hiệu quả công tác VĐQC trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
Nhân viên Đồn Biên phòng Cửa khẩu Chi Ma phát tờ rơi tuyên truyền pháp luật đến người dân
Cụ thể, từ năm 2021, Đảng ủy BĐBP tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 367-NQ/ĐUBP và Bộ Chỉ huy BĐBP đã có Kế hoạch số 953/KH-BCH về thực hiện Đề án “Chương trình quốc gia về học tập ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2019 – 2030” và học tiếng dân tộc thiểu số trong BĐBP tỉnh Lạng Sơn. Năm 2022, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Giáo dục thường xuyên, tin học và ngoại ngữ tỉnh tổ chức bồi dưỡng phương pháp giảng dạy tiếng dân tộc thiểu số cho 36 cán bộ làm nòng cốt giảng dạy cho cán bộ, chiến sĩ tại các đơn vị. Đội ngũ cán bộ này đã tham mưu cho lãnh đạo đơn vị tổ chức được 13 lớp bồi dưỡng tiếng dân tộc Tày cho 13 đầu mối đơn vị, với 400 học viên.
Thiếu tá Hoàng Văn Điển, nhân viên đội VĐQC, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Chi Ma cho biết: Đồn phụ trách địa bàn các xã Yên Khoái, Tú Mịch và Mẫu Sơn của huyện Lộc Bình, với địa bàn rộng, giao thông đi lại khó khăn, chủ yếu là các dân tộc Tày, Nùng, Kinh, Dao sinh sống tại 19 thôn, bản (có 6 thôn, bản giáp biên). Qua tham gia lớp bồi dưỡng tiếng dân tộc Tày, bản thân tôi đã có thể nghe và giao tiếp với bà con bằng tiếng dân tộc, nhờ đó, giúp tôi gần gũi, hiểu rõ hơn về phong tục, tập quán và cuộc sống của người dân nơi đây, tạo thuận lợi trong công tác VĐQC.
Hiện nay, 11 đồn biên phòng thuộc BĐBP tỉnh đều có đội VĐQC. Tại các địa bàn đứng chân, đội ngũ cán bộ VĐQC các đơn vị luôn thực hiện tốt phương châm “3 bám, 4 cùng” (bám đơn vị, bám địa bàn, bám chủ trương, chính sách, cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng đồng bào); tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chủ trương phát triển kinh tế – xã hội và các quy định của địa phương gắn với tuyên truyền về tình hình biên giới, các văn bản pháp luật liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới và công tác giữ gìn trật tự an toàn xã hội trên khu vực biên giới… Từ đầu năm 2022 đến nay, các đồn biên phòng đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể cơ sở tổ chức tuyên truyền tập trung và nhỏ lẻ được gần 2.000 lần, với hơn 27.000 lượt người tham gia; tuyên truyền trên các cụm loa truyền thanh được gần 700 lần, trên loa di động hơn 350 lần; tổ chức cho 15.916 hộ dân ký cam kết chấp hành các quy định của pháp luật, phát 13.514 tờ rơi và 200 bộ tài liệu tuyên truyền pháp luật…
Cùng đó, đội ngũ cán bộ VĐQC các đồn biên phòng đã tham mưu đơn vị phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, lực lượng chức năng tổ chức phát động sâu rộng phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, vận động các tầng lớp Nhân dân tích cực tham gia giúp BĐBP thực hiện nhiệm vụ quản lý, giữ gìn chủ quyền an ninh biên giới. Qua đây, cán bộ VĐQC các đồn biên phòng đã tham mưu và tham gia hòa giải thành công 8 vụ tranh chấp trong Nhân dân; vận động Nhân dân tự giao nộp 18 khẩu súng tự chế, 113 viên đạn K53 và 2 bộ kích điện…
Ông Hoàng Văn Điều, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Cao Lâu, huyện Cao Lộc cho biết: Thời gian qua, đội ngũ cán bộ VĐQC của Đồn Biên phòng Ba Sơn luôn phát huy vai trò, trách nhiệm, thường xuyên phối hợp, tham gia với các tổ chức liên quan ở xã tuyên truyền, vận động người dân chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt là tuyên truyền, vận động bà con có đất canh tác ở giáp biên giới, khi đi làm nương, chăm sóc rừng, nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm chủ quyền lãnh thổ thì lập tức thông tin cho cấp ủy, chính quyền xã và BĐBP phối hợp xử lý kịp thời.
Hoạt động hiệu quả, tích cực của đội ngũ cán bộ VĐQC ở các đơn vị biên phòng đã từng bước xây dựng và củng cố thế trận biên phòng toàn dân ngày càng vững chắc. Qua đó, góp phần phục vụ hiệu quả nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới.
Theo baolangson.vn