Thượng tướng, GS, TS Khiupenen Anatoly Ivanovich, nguyên Chủ tịch Hội đồng Liên minh Cựu chiến binh bộ đội tên lửa phòng không, thuộc lực lượng vũ trang Liên bang Nga, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Hội Hữu nghị Nga-Việt, được Bộ Quốc phòng Liên Xô cử sang Việt Nam làm trưởng đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô đúng vào thời điểm Mỹ âm mưu mở chiến dịch “Linebacker II” dùng không quân đánh phá miền Bắc nước ta cuối năm 1972.
Giữa tháng 12-1972, tướng Khiupenen Anatoly Ivanovich đến Hà Nội. Tại các cuộc gặp lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam, chỉ huy Quân chủng Phòng không-Không quân (PK-KQ), ông cũng có nhận định khả năng Mỹ sẽ tăng cường các cuộc ném bom xuống miền Bắc Việt Nam nhằm mục đích giành thế mạnh trên bàn đàm phán ở Paris. Đến các đơn vị Quân chủng PK-KQ, ông kịp thời truyền đạt tới các chuyên gia Liên Xô và Bộ đội Phòng không Việt Nam kinh nghiệm, quyết tâm chiến đấu tiêu diệt máy bay Mỹ.
Tối 18-12-1972, không quân Mỹ mở đầu chiến dịch “Linebacker II” bằng những trận B-52 ném bom rải thảm xuống Hà Nội. Trong đêm đó, các lực lượng PK-KQ Việt Nam đã bắn rơi 5 máy bay, trong đó có 2 chiếc B-52, 2 chiếc F-4 và 1 chiếc F-111. Trưa 19-12, Thượng tướng Khiupenen Anatoly Ivanovich cùng với các đồng chí lãnh đạo Bộ tư lệnh Quân chủng PK-KQ phân tích đội hình bay của không quân chiến lược Mỹ và đánh giá kết quả hiệp đồng tác chiến của các lực lượng PK-KQ. Đặc biệt, ông nêu ra những điểm thiếu sót trong hoạt động của các sở chỉ huy và sự hiệp đồng của các đơn vị hỏa lực trong các trận đánh. Trên cơ sở đó, trưởng đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô đề xuất với Đại tá Lê Văn Tri, Tư lệnh Quân chủng PK-KQ về việc tổ chức, sử dụng lực lượng đánh trả cuộc tập kích, trong đó đáng chú ý sở chỉ huy trung đoàn tên lửa điều khiển các tiểu đoàn hỏa lực đã mang lại kết quả rất rõ rệt.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp tặng sách cho Thượng tướng, GS, TS Khiupenen Anatoly Ivanovich (tháng 4-2010). Ảnh tư liệu |
Với kinh nghiệm và thực tế vừa trải nghiệm, ông Khiupenen đã trực tiếp tham gia, hỗ trợ lực lượng phòng không Việt Nam đánh trả các cuộc tập kích của không quân Mỹ vào Thủ đô Hà Nội trong suốt 12 ngày đêm khói lửa, trận chiến được ông ví như "Trận Stalingrad của Việt Nam". Thượng tướng Khiupenen đã có đóng góp quan trọng vào chiến thắng lịch sử “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” của quân và dân ta. Năm 1991, ông nghỉ hưu, song vẫn tiếp tục tham gia hoạt động trong các tổ chức nhằm không ngừng củng cố và phát triển tình đoàn kết hữu nghị giữa hai Quân đội Việt Nam-Liên bang Nga. Nhiều lần đến thăm và gặp lại bộ đội Việt Nam, ông Khiupenen nói rằng: Trong Chiến dịch Phòng không năm 1972, các bạn Việt Nam đã làm chủ được tình hình. Trước khi diễn ra chiến dịch “Linebacker II”, Quân đội nhân dân Việt Nam đã thực hiện một loạt biện pháp: Sắp xếp lại các đơn vị phòng không, hoàn thiện công tác kỹ thuật xây dựng và ngụy trang các trận địa. Các khâu chuẩn bị, tổ chức và tác chiến đều được thực hiện đúng với quan điểm về chiến tranh nhân dân, kết hợp chặt chẽ chiến tranh du kích với tác chiến của bộ đội chủ lực, góp phần làm cho các trận chiến đấu rất có hiệu quả.
Nguyễn Công Khoát/qdnd.vn