Đẩy mạnh cải cách hành chính trong Bộ Quốc phòng

Thứ 7, 31.12.2022 | 15:22:10
892 lượt xem

Thực hiện Đề án đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC) của Bộ Quốc phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, thời gian qua, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân đã quán triệt và triển khai quyết liệt theo chỉ đạo, hướng dẫn của Chính phủ và Bộ Quốc phòng về CCHC, không ngừng nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong thực hiện quản lý nhà nước thuộc lĩnh vực quân sự, quốc phòng.

Nỗ lực đơn giản hóa thủ tục hành chính

Đến Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) chúng tôi ấn tượng với các mô hình, như: Thanh toán nhiên liệu xe ô tô không dùng tiền mặt; hệ thống kiểm soát ra vào bằng nhận diện khuôn mặt tích hợp chấm công tự động; quy trình soạn thảo, ban hành và quản lý hồ sơ công việc trên môi trường điện tử (trừ văn bản mật theo quy định); Tập đoàn đã xây dựng, đưa vào triển khai module quản lý hồ sơ với dữ liệu hàng triệu trang văn bản được số hóa, phục vụ lưu trữ, tra cứu, sử dụng...

Đại tá Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel cho hay: "Thực hiện công tác CCHC, Tập đoàn Viettel chủ động rà soát, tái cấu trúc các quy trình, thủ tục giải quyết công việc của cơ quan bằng số hóa, ra quyết định dựa trên số liệu với 95% văn bản nội bộ được ký điện tử; triển khai đồng bộ hệ thống một cửa điện tử và dịch vụ công trực tuyến cho 16 bộ, ngành, 6 địa phương kết nối với hơn 45.000 doanh nghiệp, 3,65 triệu hồ sơ. Đặc biệt, từ đầu năm 2022 đến nay, Tập đoàn đã rà soát, cắt giảm, bãi bỏ hơn 50 quy trình, quy định có nội dung chồng chéo, không hiệu quả".

Đẩy mạnh cải cách hành chính trong Bộ Quốc phòng
Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiểm tra công tác cải cách hành chính năm 2022 tại Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội. 

Còn tại Bộ tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, công tác CCHC được Đảng ủy và cấp ủy, chỉ huy các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai với nhiều hình thức đa dạng, sát với hoạt động thực tiễn của từng cơ quan, đơn vị. Đến nay, Bộ tư lệnh Cảnh sát biển đã ban hành hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015 trong giải quyết thủ tục hành chính và công việc nội bộ nhằm chuẩn hóa, nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý, chỉ huy, điều hành giải quyết công việc; đã triển khai hệ thống phần mềm quản lý văn bản, hồ sơ công việc phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử, triển khai chữ ký số đạt kết quả tích cực.

Theo Đại tá Nguyễn Văn Đồng, Trưởng phòng Nghiên cứu CCHC, Văn phòng Bộ Quốc phòng, thực hiện 6 nội dung CCHC, gồm: Cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy; cải cách chế độ công vụ; cải cách tài chính công; xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử (CPĐT), Chính phủ số được các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng triển khai đồng bộ, từng chỉ tiêu có lộ trình thực hiện cụ thể. Nhờ đó, các chỉ tiêu của Chính phủ, Bộ Quốc phòng trong năm 2022 cơ bản đã hoàn thành; nhất là cắt giảm, đơn giản hóa và thực hiện phân cấp giải quyết thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Quốc phòng và việc gửi, nhận văn bản điện tử có chữ ký số trên đường truyền số liệu quân sự tại các cơ quan, đơn vị; qua đó, đã rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí.

Quyết liệt phát triển Chính phủ điện tử

Trước đây, Thượng tá QNCN Nguyễn Thị Luyện, nhân viên Phòng An toàn cơ giới quân sự, Cục Xe-Máy (Tổng cục Kỹ thuật), khi tra cứu giấy phép lái xe của quân nhân ở các đơn vị trong toàn quân phải thực hiện bằng phương pháp thủ công, mất nhiều thời gian. Với việc ứng dụng phần mềm giấy phép lái xe, chị Luyện chỉ cần một vài phút là có kết quả chính xác. Hiện nay, phần mềm này đang được viết lại để giảm thời gian cập nhật số liệu thực tế của từng lái xe.

Thực hiện kế hoạch phát triển CPĐT, Tổng cục Kỹ thuật phối hợp với các đơn vị triển khai nhiệm vụ “Xây dựng khung mã định danh điện tử trang bị kỹ thuật, vật tư kỹ thuật”; đề xuất, xây dựng dự án cấp quốc gia “Nghiên cứu xây dựng hệ thống nền tảng công nghệ thông tin cho chuyển đổi số phục vụ quản lý, chỉ huy, điều hành công tác kỹ thuật của Quân đội”; dự án “Xây dựng hệ thống thông tin phục vụ quản lý, chỉ huy, điều hành ngành kỹ thuật”...

Theo Thiếu tướng Tống Viết Trung, Phó tư lệnh Bộ tư lệnh 86, Phó trưởng ban chỉ đạo CCHC và CPĐT Bộ Quốc phòng, qua kiểm tra công tác CCHC, một số cơ quan, đơn vị còn nhiều điểm tồn tại, như: Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý chuyên môn thấp; tỷ lệ sử dụng phần mềm quân sự chưa cao. Các phần mềm được xây dựng và ứng dụng đơn lẻ, dữ liệu rời rạc, không đồng bộ nên việc trao đổi, chia sẻ dữ liệu khó khăn. Một số đơn vị, tỷ lệ văn bản điện tử gửi toàn văn và tỷ lệ sử dụng chữ ký số thấp hơn so với tỷ lệ trung bình của Bộ Quốc phòng. Bên cạnh đó, số lượng máy tính của các cơ quan, đơn vị bị nhiễm mã độc khá nhiều; tình trạng kết nối máy tính quân sự vào internet, sử dụng USB không đúng quy định để kết nối vào máy tính quân sự vẫn xảy ra...

Để đẩy mạnh công tác CCHC, phát triển CPĐT, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, các cơ quan, đơn vị phải bám sát kế hoạch CCHC của Bộ Quốc phòng, xây dựng kế hoạch cụ thể, xác định những nội dung đột phá, trọng tâm, trọng điểm cần tập trung giải quyết. Thực hiện tốt việc rà soát, kiên quyết cắt giảm các khâu, các bước, các thủ tục không cần thiết kết hợp với tái cấu trúc các quy trình... bảo đảm cho hoạt động của các cơ quan, đơn vị ngày càng hiệu lực, hiệu quả.


TRƯƠNG NHƯ TRÍ/qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/day-manh-cai-cach-hanh-chinh-trong-bo-quoc-phong-715371

  • Từ khóa