Năm 2022, Đảng ủy, chỉ huy Tổng cục Hậu cần (TCHC) chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai đồng bộ, toàn diện, sáng tạo công tác huấn luyện (CTHL) hậu cần, tổ chức nhiều cuộc tập huấn, hội thi, hội thao cho đội ngũ cán bộ hậu cần toàn quân.
Phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc trao đổi với Đại tá Vũ Quang Miên, Phó tham mưu trưởng TCHC xoay quanh nội dung này.
Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, CTHL hậu cần có vai trò như thế nào trong công tác hậu cần?
Đại tá Vũ Quang Miên. |
Đại tá Vũ Quang Miên: CTHL hậu cần có vai trò quan trọng, quyết định đến chất lượng công tác hậu cần của các cơ quan, đơn vị. Thông qua huấn luyện giúp cán bộ, nhân viên, chiến sĩ ngành hậu cần có năng lực toàn diện, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ được giao. Thời gian qua, TCHC và ngành hậu cần luôn chú trọng làm tốt công tác chuẩn bị, nhất là bảo đảm các mặt cho huấn luyện, tích cực đổi mới, triển khai sáng tạo, hiệu quả CTHL hậu cần, đáp ứng tốt yêu cầu thực tiễn.
PV: Năm 2022, TCHC tổ chức nhiều hội nghị tập huấn, hội thi, hội thao, kiểm tra. Đề nghị đồng chí nói rõ hơn về nội dung này?
Đại tá Vũ Quang Miên: Đối với TCHC và ngành hậu cần Quân đội, năm 2022 là năm có nhiều điểm nhấn quan trọng về CTHL. Nổi bật là, Tổng cục đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức thành công hội nghị tập huấn hậu cần toàn quân được lãnh đạo Bộ Quốc phòng và các cơ quan chức năng đánh giá cao; tổ chức tốt tập huấn cán bộ cơ quan, đơn vị theo phân cấp, tổ chức thành công các hội thi, kiểm tra cán bộ, nhân viên hậu cần các cấp như: Hội thi trưởng ban (phụ trách), kế toán trưởng, trợ lý tài chính; hội thi thợ sửa chữa giỏi, lái xe an toàn; hội thi bí thư chi bộ giỏi các cấp; hội thi chỉ huy trưởng, chính ủy (chính trị viên) cấp trung đoàn, lữ đoàn và tương đương; kiểm tra chỉ huy các phòng, ban cơ quan Tổng cục; kiểm tra toàn diện các mặt công tác tại các cơ quan, đơn vị của Tổng cục... nhất là việc tham mưu, chỉ đạo nội dung hậu cần và tham gia cuộc diễn tập MT-22 đạt kết quả xuất sắc, khẳng định trình độ tổ chức chỉ huy, bảo đảm hậu cần ở các cấp.
Năm nay, các hội thi, hội thao, kiểm tra tập trung vào đối tượng là cán bộ chủ trì cấp trung đoàn, lữ đoàn và tương đương, chỉ huy các phòng, ban cơ quan Tổng cục; một số cục chuyên ngành đã tổ chức hội thi cán bộ cấp đại đội, trung đội; nội dung hội thi, hội thao, kiểm tra toàn diện, cả về quân sự, chính trị, hậu cần, kỹ thuật, chuyên môn nghiệp vụ; qua đó bồi dưỡng, nâng cao năng lực toàn diện cho đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ chủ trì đơn vị cơ sở và cán bộ chỉ huy các phòng, ban cơ quan của Tổng cục. Việc Tổng cục tổ chức thành công các cuộc tập huấn, hội thi, hội thao có ý nghĩa thiết thực, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội trong giai đoạn mới.
PV: Thưa đồng chí, công tác tập huấn hậu cần toàn quân có gì đổi mới?
Đại tá Vũ Quang Miên: Tập huấn công tác hậu cần toàn quân đã có nhiều đổi mới, sáng tạo, tập trung vào các vấn đề mới, thiết thực, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ công tác hậu cần hiện nay như: Bảo đảm hậu cần trong tác chiến phòng thủ quân khu; công tác hậu cần trong thiết quân luật, phòng thủ dân sự; chuyển đổi số công tác hậu cần Quân đội; giới thiệu phần mềm mô phỏng 3D phòng cháy, chữa cháy kho xăng, dầu. Đặc biệt, ngoài nội dung kiểm tra lý thuyết kiến thức chuyên ngành, Ban tổ chức đã kiểm tra, đánh giá toàn diện về kiến thức quân sự như: Điều lệnh đội ngũ, bắn súng; kiểm tra nội dung xây dựng và bảo vệ kế hoạch bảo đảm hậu cần cho tác chiến phòng thủ quân khu; công tác hậu cần trong xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”... Ngoài ra, đội ngũ cán bộ tham quan thực binh triển khai bệnh viện dã chiến và các kho xăng, dầu, kho tổng hợp trong tác chiến. Các mô hình này được lãnh đạo Bộ Quốc phòng và chỉ huy các cơ quan, đơn vị toàn quân đánh giá cao, áp dụng hiệu quả trong các cuộc diễn tập cấp chiến lược, các quân khu, quân chủng, binh chủng và khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố.
Hệ thống kho bể xăng, dầu dã chiến được đưa vào nội dung tập huấn hậu cần toàn quân, tháng 5-2022. Ảnh: CHIẾN VĂN |
PV: Theo đồng chí, năng lực đội ngũ cán bộ, nhân viên hậu cần hiện nay như thế nào? Những định hướng lớn của TCHC để nâng cao chất lượng CTHL?
Đại tá Vũ Quang Miên: Đội ngũ cán bộ, nhân viên hậu cần toàn quân cơ bản có bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ tốt, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Trên 98% cán bộ ngành hậu cần có trình độ cao đẳng, đại học trở lên; số lượng, cơ cấu, chất lượng đội ngũ cán bộ, nhân viên hậu cần cơ bản phù hợp với tổ chức biên chế và yêu cầu nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị.
Để đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ được giao, thời gian tới, TCHC sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng CTHL hậu cần; hoàn thiện cơ chế quản lý, điều hành huấn luyện phù hợp với tình hình thực tiễn; duy trì thực hiện tốt các quy định trong huấn luyện; kiện toàn, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực cho cơ quan và đội ngũ cán bộ huấn luyện phù hợp với tổ chức biên chế mới; nghiên cứu, hoàn thiện điều lệ ngành, tài liệu huấn luyện. Tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị nghiên cứu, đổi mới chương trình, nội dung, tổ chức, phương pháp huấn luyện, diễn tập, hội thi, hội thao; rà soát, điều chỉnh, đổi mới chương trình, nội dung huấn luyện theo hướng thiết thực, hiệu quả, tăng thời gian huấn luyện thực hành, dã ngoại; tiếp tục thực hiện hiệu quả “4 đổi mới” trong huấn luyện; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ thông tin, công nghệ mô phỏng và đẩy nhanh tiến độ thực hiện chuyển đổi số; đổi mới, nâng cao chất lượng CTHL theo hướng đánh giá kết quả thực chất, kiên quyết chống bệnh thành tích trong huấn luyện. Kết hợp chặt chẽ giữa kiểm tra với phúc tra huấn luyện; gắn nâng cao chất lượng huấn luyện với xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”...
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!
Theo qdnd.vn