Bản Tuộc, xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình đẹp như một bức tranh quê hương, được người dân trong vùng gọi là bản hạnh phúc giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ.
Chúng tôi ngược Đường 20 Quyết thắng lên xã biên giới Thượng Trạch, địa bàn định cư chủ yếu của đồng bào Ma Coong (một nhóm của dân tộc Bru-Vân Kiều). Đường 20 Quyết thắng là trọng điểm bắn phá của máy bay địch trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nên khi đi trên đường, nhìn lên những sườn đồi trồng ngô, trồng nếp, thỉnh thoảng chúng tôi lại bắt gặp những cái hố lớn-hố bom xưa. Trước khi đi vào vùng lõi của Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, chúng tôi vào thắp hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ tại hang Tám Cô, hang Cô Y tá, những địa chỉ thiêng liêng trên con đường huyền thoại.
Đại úy QNCN Nguyễn Hoài Nam, nhân viên Đội Tuyên truyền, Phòng Chính trị Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Quảng Bình đi cùng chúng tôi, chia sẻ: “Cuộc sống của đồng bào Ma Coong ở giữa đại ngàn thay đổi nhiều lắm rồi. Chính quyền địa phương, BĐBP tích cực tuyên truyền, vận động nên nhân dân đã từ bỏ những hủ tục như: Tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, cúng ma... và đặc biệt là không sinh nhiều con. Bà con cũng không còn phụ thuộc quá nhiều vào rừng mà đã quen dần với việc sản xuất, canh tác, chắt chiu lương thực, thực phẩm, chăm lo cho cuộc sống, việc học tập của con em...".
Cuộc sống hạnh phúc của người dân bản Tuộc luôn có sự đồng hành của Bộ đội Biên phòng. |
Vào thăm bản, chúng tôi được Thiếu tá QNCN Lê Minh Tuấn, nhân viên Trạm Quân dân y kết hợp, Đồn Biên phòng Cà Roòng (BĐBP tỉnh Quảng Bình), đảng viên sinh hoạt tại cơ sở, Phó bí thư Chi bộ bản Tuộc, niềm nở đón chào. Đi bộ trên con đường bê tông nhỏ nhìn lên đỉnh đồi thấp, bằng phẳng, thấy những ngôi nhà sàn kiên cố được bố trí theo hàng dọc, lợp mái tôn đỏ; ở ngôi nhà trung tâm bản, cờ đỏ sao vàng tung bay trong nắng... Thiếu tá QNCN Lê Minh Tuấn giới thiệu, bản Tuộc có 29 hộ với 129 nhân khẩu, trong đó nhiều gia đình có con cháu mang hai dòng máu Việt Nam-Lào. Gặp và trò chuyện với một người phụ nữ khá đặc biệt là bà Y Cúc, chúng tôi được biết, bà sinh ra và lớn lên ở cụm bản Noọng Ma, tỉnh Khăm Muộn (Lào). Năm xưa, khi quê hương bị bom đạn Mỹ giội xuống khiến nhiều người chết, nhà cửa bị tàn phá, Y Cúc đã cùng một số dân bản di tản, rồi họ đi qua biên giới thuộc địa bàn tỉnh Quảng Bình của Việt Nam lúc nào không hay. Sau đó, Y Cúc ở lại Việt Nam, nên duyên vợ chồng với Đinh Chay là trai bản Tuộc, người Ma Coong. Họ có với nhau 7 người con (5 trai, 2 gái), định cư tại bản Tuộc đến bây giờ. Trong 17 ngôi nhà do chính quyền địa phương xây tặng bà con trong bản thì có 6 ngôi nhà thuộc đại gia đình bà Y Cúc.
Dạo quanh bản Tuộc, tôi thấy cụm dân cư biên giới này khá khang trang, sạch sẽ; những đứa trẻ nơi đây tự tin nói tiếng phổ thông và vui vẻ trò chuyện với người lạ. Ông Đinh Phương, Trưởng bản Tuộc tự hào khoe với khách miền xuôi: “Các gia đình trong bản Tuộc đều sống hòa thuận, đoàn kết, tin tưởng làm theo chính quyền địa phương và BĐBP để xây dựng cuộc sống ấm no. Vì thế, nhân dân trong vùng gọi bản chúng tôi là bản hạnh phúc đấy!”.
Tiến Thành/qdnd.vn
https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/ban-hanh-phuc-tren-day-truong-son-716604