Để trở thành trung tâm đóng mới, sửa chữa tàu, bảo đảm trang bị kỹ thuật hiện đại tại khu vực miền Bắc là cả một lộ trình phấn đấu không ngừng của cán bộ, công nhân viên, người lao động Nhà máy Z173 (Công ty TNHH MTV Đóng tàu Hồng Hà), Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng (CNQP). Phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã có cuộc trao đổi với Đại tá Trần Thế Sơn, Bí thư Đảng ủy Nhà máy Z173-Chủ tịch Công ty TNHH MTV Đóng tàu Hồng Hà (gọi tắt là Công ty Đóng tàu Hồng Hà) trong những ngày đầu xuân mới.
Phóng viên (PV): Là đơn vị có bề dày truyền thống trong lĩnh vực đóng tàu quân sự, kinh tế, đồng chí có thể phác thảo đôi nét về thành tựu của công ty trong những năm qua?
Đại tá Trần Thế Sơn. |
Đại tá Trần Thế Sơn: Công ty Đóng tàu Hồng Hà thành lập ngày 30-10-1965. Từ đó đến nay, công ty đã đóng mới, sửa chữa hàng nghìn lượt phương tiện cho các quân khu, quân đoàn, quân binh chủng, tổng cục... phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, kinh tế trong nước và xuất khẩu... Trong 25 năm trở lại đây, công ty đã đóng mới hơn 150 tàu, sửa chữa 800 tàu, trong đó có tàu TT200, TT400, tàu pháo TT400TP... là những tàu có kỹ thuật công nghệ cao, hiện đại... Với những thành tích đạt được, công ty đã vinh dự được tặng thưởng 5 Huân chương Chiến công hạng Ba, 2 Huân chương Lao động hạng Ba, Huân chương Lao động hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Nhì, Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba, Huân chương Chiến công hạng Nhất, danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân...
PV: Năm 2022 là năm có nhiều thách thức với Công ty Đóng tàu Hồng Hà nói riêng và ngành đóng tàu cả nước nói chung, công ty đã vượt qua thách thức đó như thế nào, thưa đồng chí?
Đại tá Trần Thế Sơn: Ngay từ đầu năm, công ty đã có nhiều giải pháp điều hành sản xuất linh hoạt, phù hợp với điều kiện về mặt bằng, trang thiết bị, nguồn nhân lực; nâng cao năng lực của bộ máy quản lý và hiệu quả các mặt công tác của đơn vị. Công ty đã chủ động phối hợp với chủ đầu tư, các cơ quan, đơn vị giải quyết thủ tục nhập khẩu; các thủ tục đầu tư để triển khai dự án sản phẩm và dự án đầu tư; đẩy mạnh công tác phát triển thị trường, tìm kiếm và triển khai sản phẩm kinh tế nhằm bảo đảm chỉ tiêu sản xuất kinh doanh và việc làm, thu nhập cho người lao động; tăng cường thông tin, quảng bá trên website nội bộ. Đơn vị cũng phối hợp với các cơ quan kiểm tra, đôn đốc những nhà thầu phụ thi công các hạng mục bảo đảm tiến độ, chất lượng theo yêu cầu, chủ động thanh quyết toán vật tư dùng vào sản xuất; bảo đảm tốt điều kiện về công nghệ, kỹ thuật, tài chính phục vụ cho sản xuất; chủ động phối hợp với chủ đầu tư giải quyết kịp thời những vướng mắc, phát sinh.
PV: Thưa đồng chí, năm 2023 công ty dự kiến có khoảng bao nhiêu đơn hàng đóng mới? Các đơn hàng đó đến từ thị trường châu Âu hay chỉ đến từ trong nước?
Đại tá Trần Thế Sơn: Năm 2023, công ty dự kiến có từ 3 đến 5 đơn hàng đóng mới phục vụ cho xuất khẩu. Ngoài việc tận dụng hiệu quả về hạ tầng đã được đầu tư để tập trung vào các sản phẩm tàu vận tải đa năng, tàu chuyên dụng chất lượng cao phục vụ kinh tế trong nước; tàu cứu hộ, cứu nạn, tàu khách đi biển; du thuyền đạt tiêu chuẩn quốc tế; tàu bổ trợ quân sự và tàu tuần tra cao tốc, tàu pháo săn ngầm... công ty cũng tìm kiếm các đối tác chiến lược khác như Samsung, HJ, IHC, Bỉ, châu Phi, UAE... để bảo đảm đơn hàng cho trước mắt và lâu dài. Ngoài các đối tác truyền thống như Hà Lan và châu Âu, công ty cũng chủ động bám nắm những chủ đầu tư như: Tổng cục Hải quan, Tổng cục Dự trữ Nhà nước, Cục Kiểm ngư... để đề xuất các chủng loại tàu phù hợp với nhu cầu thực tiễn hiện nay; đặc biệt là việc chinh phục các đối tác trong và ngoài nước bằng những sản phẩm có thế mạnh, các loại tàu có hàm lượng công nghệ cao, giá trị kinh tế lớn.
Tàu tuần tra cao tốc Biên phòng 18-sản phẩm của Công ty TNHH MTV Đóng tàu Hồng Hà. |
PV: Chiến lược phát triển của công ty những năm tới được xác định như thế nào, thưa đồng chí?
Đại tá Trần Thế Sơn: Công ty sẽ phấn đấu để trở thành trung tâm đóng mới, sửa chữa tàu, bảo đảm trang bị kỹ thuật hiện đại tại khu vực miền Bắc, trở thành đơn vị CNQP thông minh. Nhiệm vụ hàng đầu của công ty những năm tới là phải khai thác được tối đa hiệu quả các nguồn lực hiện có, nhất là thế mạnh về lao động, công nghệ, thiết bị. Việc xác định các sản phẩm mũi nhọn, phù hợp với năng lực công nghệ; nâng cao chất lượng, mẫu mã; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào sản xuất, đóng mới, hạ giá thành sản phẩm... sẽ góp phần giúp công ty ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thị trường, nhiệm vụ chính trị và kinh tế mà Bộ Quốc phòng, Tổng cục CNQP giao cho công ty.
PV: Vậy theo đồng chí, còn những thách thức nào mà công ty đang gặp phải?
Đại tá Trần Thế Sơn: Những thách thức và vướng mắc hiện nay không chỉ công ty mà nhiều đơn vị CNQP gặp phải chính là khung khổ pháp lý. Ví như quy định về nguồn nhân lực hiện nay trong Pháp lệnh CNQP rất gò bó, khó đáp ứng được các yêu cầu thực hiện nhiệm vụ trước mắt cũng như lâu dài. Hay như chế độ chính sách cho người lao động, đặc biệt là chế độ chính sách đặc thù để động viên, khuyến khích người lao động yên tâm làm việc lâu dài, gắn bó với đơn vị cũng đang bộc lộ nhiều bất cập. Vấn đề liên quan đến nghiên cứu, thiết kế công nghệ (từ thiết kế nội dung đến thi công, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện) cũng vướng mắc.
Hay như công tác phối hợp giữa các viện nghiên cứu, học viện, nhà trường với các cơ quan, đơn vị trong và ngoài quân đội khi triển khai các công trình, nhiệm vụ kỹ thuật cũng đang gặp rất nhiều khó khăn, hạn chế. Vì thế, việc sớm thay thế Pháp lệnh CNQP bằng Luật CNQP, an ninh và động viên công nghiệp sẽ giúp công ty được cởi sớm “tấm áo" đã hẹp đang mặc trên người; giải quyết được hiệu quả căn nguyên những thách thức đặt ra đối với công ty nói riêng và lĩnh vực đóng tàu quân sự nói chung.
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!
HOÀNG GIA