Đầu Xuân Quý Mão 2023, chúng tôi được nghe cụ Giang Hồng Phúc ở quận Hà Đông, TP Hà Nội, nguyên chiến sĩ Đại đội Hỏa xa kể cho nghe kỷ niệm một thời "cảm tử quân" trong đội hình Đại đội Hỏa xa.
Cụ Phúc nhớ lại: Năm 1946, theo lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Bác Hồ, lực lượng tự vệ và công nhân ga Hàng Cỏ (ga Hà Nội ngày nay) tổ chức ra một đội “cảm tử quân” mang tên “Đại đội Hỏa xa” để phối hợp với Vệ quốc đoàn chiến đấu chống quân Pháp xâm lược, bảo vệ Nhà Dầu (Shell) tại đầu phố Khâm Thiên. Từ ngày 19 đến 30-12-1946, tuy vũ khí thô sơ, ít ỏi nhưng Đại đội Hỏa xa đã đào hào đắp ụ, quyết liệt tranh chấp với địch từng đoạn đường, căn nhà, góc phố; không cho chúng tiến vào đường phố Khâm Thiên.
Chúng tôi hỏi cụ Phúc: “Quân Pháp có xe tăng, pháo lớn. Đại đội Hỏa xa chỉ với vũ khí thô sơ, lại thiếu thốn. Vậy sao các cụ lại giữ được phố Khâm Thiên suốt 11 ngày?”. Cụ Phúc nói hào sảng: “Cảm tử! Nhờ cảm tử. Khi địch kéo đến phá ụ chặn lối vào chợ Khâm Thiên, anh Lê Đình Phúc (tức Đặng Đình Viên) 20 tuổi, đã ôm bom ba càng lao vào xe tăng của chúng. Anh trở thành một trong những chiến sĩ tự vệ cảm tử quân đầu tiên hy sinh trên đường phố Hà Nội".
Cụ Giang Hồng Phúc (người chỉ tay) đang kể chuyện truyền thống cho thế hệ trẻ. |
Sau 11 ngày đêm oanh liệt ấy, Đại đội Hỏa xa được bổ sung vào Tiểu đoàn 145, tham gia chiến đấu với địch tại các điểm Khương Thượng, Ngã Tư Sở, Nhân Chính, Mọc-Chính Kinh (thuộc quận Thanh Xuân, TP Hà Nội ngày nay). Phát huy tinh thần “trận đầu quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, các chiến sĩ Hỏa xa dựa vào hầm hào, lấy lũy tre, bụi cây, tường rào, ao hồ làm vật cản để chiến đấu, gây cho quân địch những tổn thất không nhỏ. Tối 21-2-1947, thực hiện chủ trương của trên, “lấy nông thôn bao vây thành thị”, Tiểu đoàn 145 nhận lệnh lùi về đóng quân tại các làng Quang Tơ, Cự Đà, Khúc Thủy trên đất Thanh Oai, Hà Đông, bố trí lực lượng dọc theo ven sông Nhuệ, sẵn sàng đánh địch khi chúng phát triển về hướng Tây.
Đúng như ta dự đoán. Lúc 9 giờ ngày 27-4-1947, một tiểu đoàn địch tiến đến làng Khúc Thủy (nay thuộc xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, TP Hà Nội). Hàng trăm lính bộ binh địch có sự yểm trợ của xe tăng và pháo, thúc nhau tiến lên. Bên ta, tất cả hỏa lực từ bìa làng phát huy tác dụng tiêu hao sinh lực địch. Giằng co mãi, địch vẫn không thể vào làng. Khoảng 15 giờ, ta đã cạn đạn dược. Khẩu đại liên lại bị trúng đạn địch, hỏng nặng. Địch thừa cơ, dồn lực mở đợt tấn công thứ 3 và chọc thủng được trận địa phòng ngự của ta... Sẩm tối hôm ấy, Ban chỉ huy Đại đội Hỏa xa thực hiện mệnh lệnh của Tiểu đoàn, tổ chức bộ phận cảm tử gồm 7 người ở lại yểm trợ cho toàn Đại đội vượt sông Nhuệ, rời làng Khúc Thủy. Bờ bên kia sông, một đơn vị bạn đã trực để đón quân sang.
Cụ Phúc trầm ngâm kể tiếp: “Bộ phận cảm tử đã hoàn thành nhiệm vụ nhưng bị địch bao vây, chia cắt không rút lui theo đội hình được mà phải quay trở lại cố thủ ở một ngôi nhà xây 2 tầng, cách bờ sông khoảng 80m. Ban chỉ huy Đại đội Hỏa xa đã tổ chức lực lượng quay lại để giải cứu. Trong 7 chiến sĩ cảm tử ấy, chỉ 3 người còn sống...”.
Phạm Xưởng - Thẩm Khôi/qdnd.vn
https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/nghe-thuat-quan-su-vn/dai-doi-hoa-xa-cam-tu-quan-717867