Hồi âm loạt bài báo "Tuyển quân - những bất cập cần phải tháo gỡ"

Thứ 7, 25.03.2023 | 08:47:47
860 lượt xem

LTS: Cùng với sự nhất trí các giải pháp để nâng cao chất lượng công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ trong loạt bài mà Báo Quân đội nhân dân (QĐND) đã nêu ra, bạn đọc cũng đề cập tới nhiều giải pháp để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác này.

Trung tướng, Anh hùng LLVT nhân dân KHUẤT DUY TIẾN, nguyên Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân 1:

Thấm và ngấm vì sao phải bảo vệ Tổ quốc

Nhập ngũ trong thời kỳ đất nước có chiến tranh và nhập ngũ trong thời bình tuy khác nhau về tính chất nhưng đều cùng bản chất là để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nền độc lập, quyền tự do của quốc gia, dân tộc. Trong thời kỳ kháng chiến, thanh niên đủ tuổi nhập ngũ hầu hết đều tự nguyện lên đường tòng quân ra trận, nhưng đó cũng là yêu cầu bắt buộc với mỗi công dân. Vì nếu không cầm súng chiến đấu chống lại kẻ thù thì chính kẻ thù sẽ làm hại gia đình, người thân, giày xéo quê hương. Thời đó, các gia đình cho con vào quân ngũ là xác định “lành ít dữ nhiều”, ra đi nhưng không hẹn ngày trở về. Thế nhưng họ vẫn động viên con em mình hăng hái lên đường, không quản ngại hy sinh xương máu, tính mạng để giành và giữ độc lập, tự do cho dân tộc, bảo vệ Tổ quốc vững bền. Họ nhận thấy đó là vinh dự, là trách nhiệm cao cả, dù hy sinh thì cũng để tiếng thơm cho muôn đời con cháu.

Còn trong thời bình, thực hiện nghĩa vụ quân sự (NVQS) là tạm thời xa người thân, gia đình thiếu đi một lao động trong khoảng thời gian nhất định. Nhưng đây là nghĩa vụ cao cả, thiêng liêng để bảo vệ Tổ quốc và ngược lại, Tổ quốc được bảo vệ thì mỗi cá nhân, gia đình mới có cuộc sống bình yên, kinh tế-xã hội mới phát triển, đất nước mới phồn vinh. Đó là mối quan hệ biện chứng.

Có thể nói, trong thời kỳ chiến tranh, đó là mâu thuẫn của sự đánh đổi hy sinh tính mạng để giành độc lập cho Tổ quốc; còn thời bình là mâu thuẫn hy sinh một phần nhỏ về vật chất trong một giai đoạn nhất định góp phần bảo vệ bình yên để đất nước phát triển. Bởi vậy, để giúp người dân hiểu rõ mâu thuẫn này cần đẩy mạnh tuyên truyền về trách nhiệm, nghĩa vụ của từng công dân và từng gia đình đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Vệt bài của Báo QĐND phản ánh rất đúng thực tế hiện nay. Các cấp, các ngành, từng địa phương và mỗi gia đình phải tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm, cùng chung tay, tìm ra những giải pháp thiết thực để nâng cao chất lượng tuyển quân. Tôi cho rằng, ngay khi còn là học sinh, nhà trường, gia đình, dòng họ cần giáo dục cho thế hệ trẻ phải thấm và ngấm vì sao phải bảo vệ Tổ quốc? Vinh dự tham gia bảo vệ Tổ quốc; bảo vệ Tổ quốc ở các nước ra sao? Nếu không tham gia NVQS thì bị lên án, để lại hậu quả gì?... Đồng thời phải tuyên truyền cho nhân dân hiểu con em mình thực hiện NVQS trong môi trường Quân đội là trường học lớn để giáo dục, xây dựng nhân cách, phẩm chất tốt đẹp giúp thanh niên trở thành người có ích cho gia đình, xã hội.

Đồng chí LÊ NHƯ TIẾN, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội:

Không để khoảng trống trong nhận thức pháp luật

Loạt bài của Báo QĐND đã giải đáp nhiều vấn đề về công tác tuyển quân trong thời gian qua. Đặc biệt, loạt bài đề cập, phân tích sâu kỹ về tình trạng trốn tránh NVQS. Điều 45 Hiến pháp năm 2013 nêu rõ: “Bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quý của công dân”. Luật NVQS năm 2015 cũng quy định rất rõ nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân và chế độ, chính sách trong việc thực hiện NVQS. Tuy nhiên, có một thực tế là nhiều thanh niên và gia đình thanh niên sử dụng mánh khóe để trốn tránh NVQS. Đây có thể nói là khoảng trống trong nhận thức pháp luật của người dân, nhất là đối tượng thanh niên. 

Thế hệ chúng tôi, cách đây chừng nửa thế kỷ, đang là sinh viên ở các trường đại học, khi có lệnh tổng động viên đều xung phong ra trận. Một số sinh viên khi xem danh sách nhập ngũ không có tên mình liền cắt tay lấy máu viết đơn xung phong ra chiến trường. Thời điểm đó, tôi chỉ nặng 43kg, trong khi 45kg mới đủ tiêu chuẩn nhập ngũ. Trước khi khám tuyển, tôi phải uống nhiều nước, lén bỏ hai viên đá vào túi quần cho đủ cân nặng. Vì sao chúng tôi tự nguyện như vậy? Bởi chúng tôi được tuyên truyền, được giác ngộ sâu sắc về nghĩa vụ, trách nhiệm đối với vận mệnh đất nước.

Hiện nay, nhiều thanh niên và gia đình có thanh niên trong diện nhập ngũ sử dụng không ít cách để trốn tránh NVQS là vì họ chưa thông, chưa hiểu, chưa nhận thức đầy đủ về vinh dự và trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc. Do đó, phải đẩy mạnh truyền thông, làm tốt công tác giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho công dân đối với việc thực hiện NVQS. Trước hết, gia đình là gốc dạy dỗ con em mình về nghĩa vụ với đất nước; phải thấy vinh dự, tự hào khi có con em làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Vào Quân đội không phải là nơi gò bó mà là môi trường có kỷ luật cao, giáo dục, rèn luyện thanh niên trở thành con người độc lập, tự chủ, có bản lĩnh. Với nhà trường, xã hội cần tuyên truyền những tấm gương đã thành đạt sau khi thực hiện NVQS; tổ chức tham quan các di tích, bảo tàng lịch sử, mời các cựu chiến binh, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân đến nói chuyện truyền thống... để hun đúc niềm tự hào của thế hệ cha anh, từ đó giúp thế hệ trẻ thấy rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của mình đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

Đại biểu Quốc hội TRỊNH XUÂN AN, đại biểu chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội:

Bảo đảm công bằng trong thực hiện nghĩa vụ quân sự

Thực hiện NVQS là nghĩa vụ công dân cực kỳ quan trọng trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây là một trong số rất ít nghĩa vụ công dân được quy định cụ thể trong Hiến pháp và có hẳn một đạo luật riêng để điều chỉnh lĩnh vực này-Luật NVQS. Trốn tránh NVQS là hành vi không thể chấp nhận.

Nhiều dẫn giải trong loạt bài mà Báo QĐND đã nêu, tôi cho rằng điều quan trọng nhất là phải bảo đảm sự công bằng. Công bằng không có nghĩa là tất cả mọi người đều phải đi NVQS. Thực tế là số lượng đăng ký NVQS lớn hơn nhiều số lượng thực hiện NVQS. Hơn nữa, nếu mọi thanh niên trong độ tuổi đều thực hiện NVQS thì nước ta cũng chưa có điều kiện để bảo đảm được hết. Do đó, chúng ta cần có ưu đãi, chính sách phù hợp để bảo đảm công bằng về cơ hội làm kinh tế, tham gia hoạt động xã hội cho người đã hoàn thành NVQS cũng như người không phải thực hiện NVQS.

Cùng với đó, phải có nhiều hình thức tôn vinh, tăng thêm nhiều quyền lợi hơn với người đã hoàn thành NVQS. Các địa phương khi đón người hoàn thành NVQS trở về cần tổ chức lễ đón trang trọng, có tuyên dương, khen thưởng. Những người đã hoàn thành NVQS và có trình độ phù hợp được ưu tiên tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ; được cộng điểm ưu tiên cao nếu dự tuyển công chức, viên chức.

Đặc biệt, một vấn đề tồn tại hiện nay là nhiều thanh niên đang có việc làm ổn định theo hợp đồng, thậm chí là công chức, viên chức, họ rất sợ nếu đi NVQS vài năm về sẽ bị mất việc làm, bị ngắt quãng thời gian cống hiến để tính vào thành tích chuyên môn nghiệp vụ sau này. Chúng ta cần hoàn thiện đồng bộ cả những chính sách này để mọi quyền lợi của người thực hiện NVQS vẫn được bảo đảm đầy đủ trong thời gian phục vụ Quân đội, phục vụ Tổ quốc.

Về chế tài, tôi nhất trí ngoài việc tăng thêm mức xử phạt hành chính, có thể xử lý hình sự với những trường hợp sử dụng những tiểu xảo nguy hiểm, vi phạm luật pháp làm sai lệch các kết quả xét tuyển NVQS. Với những đối tượng đã bị xử lý hành chính hay hình sự thì cần ghi rõ trong lý lịch cá nhân để các nhà tuyển dụng xem xét thêm khi sàng lọc tuyển dụng lao động. Riêng với các đợt thi, xét tuyển công chức, viên chức, người lao động thuộc khối công thì kiên quyết loại bỏ những ứng viên có tiền sự, tiền án trốn tránh NVQS. Những người đã cố tình trốn tránh NVQS là cố tình vi phạm Hiến pháp, vi phạm pháp luật, không xứng đáng là cán bộ công quyền. Nếu chúng ta hoàn thiện và thực hiện đồng bộ các chính sách, chắc chắn chất lượng tuyển quân sẽ được nâng cao.

Đồng chí NGUYỄN THÀNH CÔNG, Chủ tịch UBND TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang:

Mấu chốt là chặt chẽ, khách quan, công bằng

Loạt bài của Báo QĐND phản ánh rất chính xác: Nếu ở đâu cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, đồng lòng, quyết tâm, có sự giám sát chặt chẽ của nhân dân thì ở đó, ai cố tình tiêu cực cũng không làm được. Vì thế, cấp ủy, chính quyền, hội đồng NVQS các cấp của TP Mỹ Tho luôn quán triệt rõ nhiệm vụ, trách nhiệm của từng thành viên trong tuyên truyền, thực hiện, giám sát công tác tuyển quân. Từng khâu, từng bước được triển khai chặt chẽ, đúng quy trình, quy định, bảo đảm công khai, dân chủ, công bằng, khách quan, đúng luật sẽ tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân. Chính vì thế, tuy còn một số vướng mắc, bất cập như loạt bài đã nêu nhưng công tác tuyển quân ở TP Mỹ Tho vẫn bảo đảm số lượng, chất lượng.

Tuy nhiên, về lâu dài, tôi cũng cho rằng cần xem xét sửa đổi, bổ sung một số tiêu chí tuyển chọn công dân nhập ngũ như Báo QĐND đề xuất để tuyển được thanh niên có trình độ cao vào phục vụ Quân đội, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa Quân đội cũng như bảo đảm mục tiêu công bằng; khắc phục những tồn tại, bất cập và kẽ hở để tránh bị lợi dụng nhằm trốn tránh NVQS. Đồng thời cần quan tâm, nâng cao hơn nữa chế độ, chính sách đối với thanh niên thực hiện NVQS, nhất là bố trí việc làm, đào tạo nghề cho bộ đội xuất ngũ để họ không bị lạc hậu, thiệt thòi. Đây cũng là một biện pháp tuyên truyền hiệu quả để người dân tự giác thực hiện Luật NVQS, tình nguyện nhập ngũ. Nếu thực hiện đồng bộ các giải pháp này, chắc chắn công tác tuyển chọn công dân nhập ngũ sẽ ngày càng đạt kết quả cao hơn.

GS, TSKH, NGND VŨ MINH GIANG, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội, Phó chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam:

Cần có cơ chế để động viên thanh niên là trí thức bậc cao nhập ngũ

Thời kỳ chiến tranh, tôi cùng hàng vạn sinh viên “xếp bút nghiên” lên đường tòng quân giữ nước. Hòa bình lập lại, tôi may mắn được trở về tiếp tục học tập, nhưng rất nhiều đồng đội đã hy sinh hoặc để lại một phần máu thịt nơi chiến trường. Nhưng phải khẳng định, tất cả chúng tôi đều tự hào được cống hiến cho dân tộc, cho Tổ quốc. Được rèn luyện trong môi trường quân ngũ, cùng với công tác đào tạo bài bản của nhà trường đã giúp tôi và rất nhiều người khẳng định được bản thân, cống hiến cho sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước.

Nói điều đó để thấy rằng, tham gia bảo vệ Tổ quốc không chỉ là nghĩa vụ, trách nhiệm mà còn là vinh dự, là cơ hội để mỗi người trưởng thành hơn. Tuy nhiên ngày nay, dường như chúng ta mới chỉ tuyên truyền đây là nghĩa vụ, trách nhiệm chứ chưa chú trọng về ý nghĩa, vinh quang của thanh niên khi được lên đường thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, để làm tốt công tác tuyển quân, đặc biệt là tuyển các thanh niên sau khi tốt nghiệp đại học, cao đẳng, chúng ta cần làm tốt công tác tuyên truyền, giúp họ hiểu rõ thực hiện NVQS bảo vệ Tổ quốc còn là quyền lợi, vinh dự. Môi trường ấy thanh niên được rèn luyện, trưởng thành và phát huy khả năng; được cống hiến cho đất nước. Chúng ta cũng cần xây dựng những cơ chế riêng để động viên thanh niên là trí thức bậc cao lên đường nhập ngũ. Họ phần lớn đều có ý thức tốt, trách nhiệm cao với Tổ quốc. Nếu có sự hấp dẫn về môi trường để cống hiến, khẳng định bản thân mình một cách phù hợp, chắc chắn các em sẽ tình nguyện lên đường.

Đối với vấn đề quản lý thanh niên trong diện tạm hoãn gọi nhập ngũ, chúng ta cần nhanh chóng xây dựng dữ liệu theo cơ chế quản lý số. Cả địa phương và nhà trường phải nắm chắc thông tin này. Khi có sự thống nhất về dữ liệu như số lượng, độ tuổi, quê quán, lĩnh vực chuyên môn thì lúc tuyển quân chúng ta gần như đã có sẵn thông tin và không còn bị động. Bên cạnh đó, cơ quan quân sự các địa phương phải chủ động phối hợp với các nhà trường để luôn cập nhật thông tin về từng sinh viên; theo dõi tiến trình học tập của sinh viên để nắm bắt cụ thể, có kế hoạch gọi nhập ngũ khi cần. Phía các nhà trường cần tạo điều kiện thuận lợi; yêu cầu sinh viên sau khi tốt nghiệp phải có thông báo về địa phương. Giữa nhà trường và địa phương cần phải tăng cường hợp tác cả trong đào tạo và quản lý sinh viên. 

Đại tá LƯỜNG VĂN THẮNG, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Hà Nam:

Nghiên cứu thấu đáo để có giải pháp đồng bộ

Những năm qua, Bộ CHQS tỉnh Hà Nam luôn quan tâm chỉ đạo cơ quan quân sự các cấp chủ động, tham mưu hiệu quả với cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ, bảo đảm công tác tuyển quân luôn có sự phối hợp hiệu quả của các cấp, các ngành, huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tạo đồng thuận trong nhân dân, bảo đảm công khai, công bằng, dân chủ, đúng luật. Tuy nhiên, đúng như kết quả khảo sát trong loạt bài của Báo QĐND, công tác tuyển quân trong tình hình mới cần được nghiên cứu thấu đáo để có các giải pháp đồng bộ, khắc phục những hạn chế, nâng cao chất lượng tuyển quân.

Trước mắt, cơ quan quân sự các cấp phải tham mưu kiện toàn đủ thành phần hội đồng NVQS, phân công, gắn trách nhiệm cụ thể từng thành viên, bảo đảm minh bạch, chặt chẽ và đúng luật. Các khâu, các bước tuyển chọn thanh niên, từ sơ tuyển đến khám tuyển, nhất là công tác quản lý nguồn công dân đã tốt nghiệp cao đẳng, đại học phải chặt chẽ. Làm được điều đó không chỉ cần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ các cấp mà cần cả hành lang pháp lý với chế tài nghiêm minh để tổ chức, cá nhân đều phải thực hiện nghiêm túc. Mặt khác, kinh tế-xã hội phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng cao cũng đồng nghĩa với việc phải quan tâm thiết thực đến quyền lợi công dân thực hiện NVQS. Do đó, song hành với việc tuyên truyền làm rõ vinh dự, trách nhiệm cần có cơ chế, chính sách thu hút, sao cho từng công dân và mỗi gia đình mong muốn được nhập ngũ, có con em được nhập ngũ, thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng với Tổ quốc. Cùng với đó, công tác chính sách Quân đội và hậu phương Quân đội đối với thanh niên nhập ngũ cần bổ sung, phát triển tương xứng với sự phát triển kinh tế-xã hội, như nâng mức được hưởng khi hoàn thành NVQS, ưu tiên tuyển dụng công chức hay làm việc trong các tổ chức, doanh nghiệp mới là giải pháp lâu dài. Các chế độ như dạy nghề, tạo việc làm cho thanh niên hoàn thành NVQS phải bảo đảm tính phổ quát, thiết thực. 

Khắc phục, giải quyết được những bất cập như Báo QĐND đã nêu, quan tâm chính sách đãi ngộ thỏa đáng, chắc chắn chất lượng công tác tuyển quân sẽ được nâng cao, bảo đảm yêu cầu xây dựng Quân đội hiện đại.

Đại tá VÕ QUANG THIỆN, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh:

Quan tâm tạo việc làm cho bộ đội xuất ngũ

Đúng như Báo QĐND đề cập trong loạt bài, những năm gần đây, công tác tuyển quân ngày càng khó khăn với nhiều bất cập. Thực tế là khi kinh tế-xã hội phát triển đã thu hút phần lớn công dân nam theo học các trường đại học, cao đẳng hoặc đi xuất khẩu lao động, làm việc tại các khu công nghiệp. Cùng với đó, nhận thức về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc của một bộ phận công dân trong độ tuổi nhập ngũ và gia đình chưa cao, đang có hiện tượng so sánh thiệt hơn trong thời gian nhập ngũ với làm kinh tế dẫn đến tình trạng công dân trốn tránh NVQS. Những “tiểu xảo” trốn tránh NVQS rất phổ biến, như xăm phản cảm trên cơ thể, không hợp tác trong quá trình khám sức khỏe... Tôi cho rằng, để giải quyết tận gốc vấn đề bất cập, trước hết phải xác định công tác tuyển quân là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cần phát huy vai trò, trách nhiệm của hội đồng NVQS các cấp, phân công nhiệm vụ chặt chẽ đối với từng thành viên, gắn với từng địa bàn và từng lĩnh vực cụ thể. Cần rất lưu tâm công tác giải quyết việc làm cho quân nhân xuất ngũ-hiện là vấn đề khó khăn, nan giải ở nhiều địa phương. Mặc dù Nhà nước đã có những chính sách ưu đãi về đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm cho bộ đội xuất ngũ nhưng thực tế tỷ lệ bộ đội xuất ngũ có việc làm ổn định còn thấp, đa số phải tự thân vận động. Tôi mong muốn Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp phải thực sự quan tâm, nỗ lực giải quyết việc làm cho quân nhân xuất ngũ để công dân nhập ngũ an tâm đối với tương lai nghề nghiệp, lấy đó là động lực hăng hái thực hiện NVQS.

Luật gia NGUYỄN THÀNH MINH, Đoàn Luật sư tỉnh Tuyên Quang:

Cần tăng thẩm quyền xử phạt hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã

Luật NVQS năm 2015 là nền tảng để thực hiện công tác tuyển quân. Dù vậy, trước những phát sinh từ thực tiễn, nhất là các vấn đề như tỷ lệ công dân bị cận thị, công dân có hình xăm, công dân không thực hiện đăng ký di chuyển NVQS... luật cũng cần có sự điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp.

Từ thực tiễn những năm qua, tình trạng trốn tránh NVQS diễn ra phức tạp và có chiều hướng gia tăng thì việc Chính phủ ban hành Nghị định số 37/2022/NĐ-CP ngày 6-6-2022 “sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu; quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia; trên các vùng biển, đảo và thềm lục địa của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam” là kịp thời và cần thiết. Mức phạt mới hiện nay theo Nghị định 37 là nghiêm khắc, đủ sức răn đe với các hành vi trốn tránh NVQS ở các mức độ, như: Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm tập trung ghi trong lệnh gọi nhập ngũ mà không có lý do chính đáng; phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi gian dối nhằm trốn tránh thực hiện lệnh gọi nhập ngũ sau khi đã có kết quả khám tuyển sức khỏe NVQS đủ điều kiện nhập ngũ theo quy định; phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với hành vi không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ, đồng thời buộc phải chấp hành thực hiện Luật NVQS theo quy định.

Tuy vậy, thẩm quyền xử phạt đối với Chủ tịch UBND cấp xã cần nghiên cứu điều chỉnh theo hướng tăng. Tại Điều 37 “Thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND các cấp” quy định Chủ tịch UBND cấp xã có quyền phạt đến 5.000.000 đồng, mức này là thấp và chưa phù hợp với thực tiễn. Những hành vi trong trốn tránh thực hiện NVQS cơ bản diễn ra phổ biến ở xã, phường. Bởi thế, muốn làm nghiêm để có sức răn đe với hành vi trốn tránh NVQS thì cần nâng thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND cấp xã.


Theo qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/hoi-am-loat-bai-bao-tuyen-quan-nhung-bat-cap-can-phai-thao-go-722853

  • Từ khóa