Tránh tình trạng “cán bộ nào, phong trào đấy”

Thứ 2, 08.05.2023 | 14:22:25
977 lượt xem

“Cán bộ nào, phong trào đấy” là câu nhận xét, đánh giá về người chỉ huy và kết quả thực hiện nhiệm vụ của một đơn vị, nhưng mang hàm ý cả khen và chê, cũng có người cho rằng chê nhiều hơn khen. Câu nói này không chỉ khái quát hoạt động bề nổi của một đơn vị mà sâu xa hơn là đánh giá về tư duy, trình độ, tác phong, năng lực quản lý, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của người chỉ huy. Ghi nhận thực tế của chúng tôi về vấn đề này qua ý kiến một số cán bộ chỉ huy đơn vị thuộc Quân khu 9.

Có thể nói, trình độ, năng lực của người chỉ huy có ảnh hưởng và quyết định rất lớn tới chất lượng, khả năng hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị. Người chỉ huy cũng là bộ mặt của cơ quan, đơn vị. Ở đâu có người chỉ huy sâu sát, năng nổ, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm thì ở đó kết quả, chất lượng hoàn thành nhiệm vụ cao, các phong trào, hoạt động sôi nổi, đi lên; cán bộ, nhân viên, chiến sĩ, người lao động luôn tự tin, hăng hái, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Ngược lại, nếu người chỉ huy thụ động, năng lực tổ chức hạn chế, ngại va chạm thì chắc chắn kết quả thực hiện nhiệm vụ chỉ ở mức làng nhàng, không có gì nổi bật, đột phá.

 Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 17, Sư đoàn 330 (Quân khu 9) vui chơi trên thao trường vào giờ giải lao. 

 Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 17, Sư đoàn 330 (Quân khu 9) vui chơi trên thao trường vào giờ giải lao.

Được bổ nhiệm chức vụ cao hơn đồng nghĩa với sự ghi nhận, tín nhiệm của cấp ủy, chỉ huy cấp trên đối với kết quả thực hiện nhiệm vụ và năng lực của mỗi cá nhân. Khi đã ở cấp cao hơn, người chỉ huy lại cần có cái nhìn rộng hơn về lĩnh vực được giao phụ trách để quản lý tốt cấp dưới, tham mưu đúng với cấp trên. Muốn thế, phải không ngừng học tập, trau dồi phương pháp, tác phong, biết nắm bắt, vận dụng đúng đắn, thích hợp nhưng cũng phải có sự riêng biệt. Theo Thiếu tá Đặng Minh Tiền, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 9, Sư đoàn 8 (Quân khu 9), sự va chạm trên mỗi cương vị, chức trách được giao sẽ giúp cán bộ tích lũy được nhiều kinh nghiệm và phương pháp đơn giản nhất chính là kế thừa, học theo người đi trước. Tuy nhiên, phải biết chọn lọc những điều hay, khắc phục hạn chế trước đó, đây là điều mà không phải ai cũng làm được. Do đó, bên cạnh phát huy tối đa sở trường của mình thì cần phải tranh thủ ý kiến của tập thể, cùng bàn bạc để thúc đẩy mọi mặt hoạt động, không để thiên lệch mặt công tác nào.

Còn Thiếu tá Nguyễn Ngọc Thanh, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 10, Sư đoàn 4 (Quân khu 9) nêu quan điểm: “Điều quan trọng là cán bộ chủ trì phải nhìn nhận bao quát thực trạng đơn vị, mặt công tác nào làm được thì phát huy, chưa làm được thì bàn bạc trong chỉ huy, cấp ủy để đề ra biện pháp khắc phục. Bản thân cán bộ phải không ngừng học tập, đề xuất những ý tưởng mới mà thực tiễn đòi hỏi để nâng cao chất lượng hoạt động của đơn vị. Cùng với đó, trong tổ chức các hoạt động, thay vì sử dụng, phát huy sở trường của cấp dưới để thực hiện nhiệm vụ, nhiều đồng chí “xắn tay” làm thay. Điều này dẫn tới tình trạng cấp dưới sẽ nảy sinh tâm lý ỷ lại, rồi thờ ơ với công việc, không phát huy được khả năng của mình và trí tuệ tập thể”.

Trong khi đó, Trung tá Nguyễn Thành Quân, Phó sư đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Sư đoàn 330 (Quân khu 9) cho rằng, quá trình công tác, cán bộ được trui rèn qua nhiều vị trí khác nhau, nghĩa là dù đào tạo chuyên ngành gì thì trải qua thực tiễn, cán bộ đó được tiếp xúc, học tập nội dung mới kể cả vấn đề trái ngành để nâng cao kiến thức quản lý, chỉ huy. Do đó, dù trên cương vị công tác nào cũng đòi hỏi cán bộ phải có năng lực toàn diện, bao quát các nhiệm vụ của đơn vị. Thế nhưng, tùy năng lực, sở trường của từng người mà đơn vị đó nổi bật về các mặt công tác nhất định. Ví như cán bộ mạnh về huấn luyện thì sẽ phát huy hiệu quả phong trào sáng kiến cải tiến mô hình học cụ; duy trì chặt chẽ việc bồi dưỡng phương pháp huấn luyện cho cán bộ hoặc phong trào xây dựng nền nếp chính quy, duy trì kỷ luật được thực hiện hiệu quả... “Để có sự đổi mới cho các hoạt động, cán bộ cần hình thành ý tưởng, đột phá trong cách làm, nhìn thấy cả thách thức và lường trước những rủi ro. Đồng thời, bàn bạc trong cấp ủy, chỉ huy đơn vị nhằm tranh thủ ý kiến đóng góp và tạo sự thống nhất trong lãnh đạo, triển khai thực hiện”, Trung tá Nguyễn Thành Quân nhấn mạnh.


Theo qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/tranh-tinh-trang-can-bo-nao-phong-trao-day-727382

  • Từ khóa