Chúng tôi đến Tiểu đoàn Tăng 1, Lữ đoàn Tăng thiết giáp 206 (Quân khu 4) đúng vào ngày đơn vị huấn luyện nội dung bài 5.1: Lái tổng hợp vật cản ban ngày.
Sau khẩu lệnh của Thiếu tá Bùi Đức Phương, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Tăng 1, thành viên các kíp xe nhanh chóng thực hiện nhiệm vụ. Đoạn đường cơ động mặc dù phải trải qua nhiều chướng ngại vật như: Hàng cọc luồn lách, hào chống tăng… nhưng những chiếc xe tăng dưới sự điều khiển của các kíp xe vẫn băng băng về đích. Thiếu tá Ngô Văn Thắng, Đại đội trưởng Đại đội 3 cho biết: “Sở dĩ hành động của thành viên kíp xe phải khẩn trương, dứt khoát là bởi ngay từ khi nhận lệnh, Tổ thi đua của Tiểu đoàn đã chấm điểm các kíp xe về: Đường, hướng cơ động; kỹ thuật lái, các lỗi phạm khi vượt chướng ngại vật…”.
Lữ đoàn Tăng thiết giáp 206 tổ chức huấn luyện ở địa hình phức tạp. |
Có mặt theo dõi Tiểu đoàn Tăng 1 huấn luyện, Đại tá Nguyễn Đức Tùng, Chính ủy Lữ đoàn Lữ đoàn Tăng thiết giáp 206 lý giải: “Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn luôn đề cao và phát huy vai trò trách nhiệm Hội đồng - ban - tổ thi đua các cấp trong việc chấm điểm đánh giá kết quả các phân đội thực hiện chỉ tiêu của phong trào thi đua huấn luyện giỏi và xây dựng động cơ thi đua trong sáng để nâng cao chất lượng huấn luyện, công tác”.
Đại tá Nguyễn Đức Tùng cho biết thêm, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn xác định, phong trào thi đua huấn luyện giỏi cần hướng vào xây dựng động cơ, quyết tâm cho cán bộ, chiến sĩ chấp hành nghiêm các quan điểm, nguyên tắc, mối kết hợp trong huấn luyện. Các phân đội bám sát mục tiêu, yêu cầu, phương châm, phương pháp; đổi mới nội dung, chương trình trong huấn luyện và tổ chức diễn tập, hội thi, hội thao… chặt chẽ.
Do vậy, để phong trào thi đua huấn luyện giỏi có chiều sâu, từ cơ quan Lữ đoàn đến các phân đội đẩy mạnh khâu đột phá nâng cao chất lượng huấn luyện của đội ngũ cán bộ cơ sở, đặc biệt là người trực tiếp đảm nhiệm công tác huấn luyện cho bộ đội. Việc bồi dưỡng cán bộ hằng năm được gắn với phong trào thi đua huấn luyện tháng, quý và phong trào thi đua đột kích ở từng giai đoạn. Ngoài ra, trong công tác chuẩn bị và thực hành huấn luyện, Lữ đoàn tiến hành tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ còn hạn chế nhất định về kinh nghiệm huấn luyện.
Phân đội xe tăng thực hành bơi vượt sông. |
Tìm hiểu chúng tôi được biết, điều này thể hiện rõ là trong khi tỷ lệ cán bộ trẻ mới ra trường ở Lữ đoàn Tăng thiết giáp 206 tương đối cao, công tác chuẩn bị giáo án, học cụ có đồng chí chưa liên hệ vận dụng thực tiễn sâu sắc... Khắc phục những yếu điểm này, Lữ đoàn thường xuyên tổ chức các đợt tập huấn và duy trì nghiêm quy trình thông qua giáo án huấn luyện tại thực địa đối với các nội dung quân sự và thông qua bài giảng chính trị trước tổ giáo viên tại cơ quan.
Thượng tá Nguyễn Trọng Sơn, Phó lữ đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Lữ đoàn Tăng thiết giáp 206 cho biết: “Cùng với đẩy mạnh công tác thi đua trong huấn luyện thì việc thông qua giáo án của cán bộ cấp phân đội được Lữ đoàn rất coi trọng và lập thành kế hoạch trong từng tháng huấn luyện. Chỉ huy đơn vị và chỉ huy các phân đội dự, theo dõi, đánh giá nhận xét kết quả thông qua giáo án đối với từng cán bộ theo phân cấp. Hoạt động này đã giúp cấp trên kịp thời bổ sung kiến thức, kinh nghiệm huấn luyện cho cấp dưới, từ đó trình độ sư phạm cũng như phương pháp truyền thụ kiến thức, kinh nghiệm chiến đấu của cán bộ huấn luyện đối với bộ đội ngày càng sâu sắc, đạt hiệu quả thiết thực”.
Phút giải lao trên thao trường Tiểu đoàn Tăng 1. |
Được biết, bên cạnh đó, Lữ đoàn còn đẩy mạnh phong trào thi đua phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, phục vụ huấn luyện. Trước mỗi giai đoạn huấn luyện, đơn vị tổ chức chấm điểm thi đua và biểu dương, khen thưởng kịp thời đối với những mô hình học cụ, sáng kiến, sáng chế phục vụ huấn luyện có chất lượng cao. Vì thế, trung bình mỗi năm Lữ đoàn có từ 15-20 mô hình sáng kiến giá trị, áp dụng hiệu quả trong việc nâng cao chất lượng huấn luyện.
Quá trình tổ chức huấn luyện và kiểm tra, hội thi, hội thao, Hội đồng thi đua khen thưởng của Lữ đoàn duy trì nghiêm việc theo dõi, chấm điểm thi đua đối với các phân đội. Cán bộ Lữ đoàn được phân công kiểm tra đơn vị có trách nhiệm ghi nhận xét trong sổ theo dõi thi đua, đồng thời phát hiện vấn đề mà người dạy và người học cần rút kinh nghiệm, từ đó tham mưu cho Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn đề ra chủ trương, biện pháp, lãnh đạo, chỉ đạo rút ra kinh nghiệm huấn luyện ở giai đoạn tiếp theo.
Lãnh đạo, chỉ huy Lữ đoàn Tăng thiết giáp 206 (Quân khu 4) động viên bộ đội trong huấn luyện. |
Nhờ tổ chức tốt hoạt động thi đua và xây dựng động cơ thi đua đúng trong huấn luyện nên những năm qua Lữ đoàn Tăng thiết giáp 206 luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ huấn luyện, đơn vị đạt an toàn tuyệt đối trong huấn luyện, diễn tập. Kết quả kiểm tra các khoa mục có 100% đạt yêu cầu, trong đó gần 85% khá, giỏi, nhiều cán bộ đoạt giải cao ở hội thi cán bộ huấn giỏi các cấp. Nhiều năm liên tục Lữ đoàn được Bộ Quốc phòng tặng danh hiệu Đơn vị huấn luyện giỏi.
Ngọc Thăng/qdnd.vn