Chung sức “hồi sinh” Tà Cạ

Chủ nhật, 23.07.2023 | 14:52:03
467 lượt xem

Những ngày tháng Bảy, bản làng vùng lũ xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An lại rộn ràng, nhộn nhịp đón Bộ đội Cụ Hồ về với đồng bào.

Về với nhân dân, nơi vùng quê còn nhiều gian khó, đặc biệt hậu quả từ cơn lũ quét tháng 10-2022 đi qua vẫn còn hiện hữu, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, bằng tình cảm, trách nhiệm nghĩa tình, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 1, Sư đoàn 324 (Quân khu 4) tích cực chung sức “hồi sinh” Tà Cạ. Thông qua những công trình, việc làm, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 1 đã để lại ấn tượng sâu nặng trong lòng cấp ủy, chính quyền và bà con nhân dân.

Bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ, là khu vực chịu thiệt hại nặng nề nhất do cơn lũ quét lịch sử tháng 10 năm 2022 để lại. Mới đầu giờ sáng nhưng cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 1 và bà con nhân dân địa phương đã có mặt trên các công trường tham gia lao động. Dấu tích và hậu quả cơn lũ vẫn còn hiện hữu nơi đây. Bởi khuôn viên Nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng bản Hòa Sơn vẫn còn những đống đất đá lởm chởm; tuyến đường vào các bản vẫn gồ ghề; những tảng đá còn nằm chênh vênh bên đường… Không quản thời tiết nắng nóng, tại các khu vực cán bộ, chiến sĩ đơn vị hăng say san lấp, cải tạo, tu sửa hệ thống giao thông.

Bộ đội Trung đoàn 1 củng cố, tu sửa khuôn viên Nhà sinh hoạt cộng đồng bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ.

Bộ đội Trung đoàn 1 củng cố, tu sửa khuôn viên Nhà sinh hoạt cộng đồng bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ.

Gạt giọt mồ hôi lăn dài trên khuôn mặt, Binh nhì Lương Văn Hoạch, Chiến sĩ Đại đội 1, Tiểu đoàn 1 người dân tộc Thái, quê ở xã Tiền Phong, Quế Phong, Nghệ An nói: “Quê em cũng thuộc huyện miền núi, nên em rất thấu hiểu nỗi khó khăn, vất vả của bà con xã Tà Cạ. Đặc biệt, nơi đây sau khi cơn lũ quét cách đây 9 tháng đi qua, đời sống bà con nhân dân càng thêm khó khăn. Do vậy, những ngày qua em cùng đồng đội không quản nắng nóng, mệt nhọc tham gia giúp địa phương với tinh thần cao nhất”.

Những đống đất đá vẫn còn ngổn ngang sau cơn lũ được bộ đội di chuyển, thu dọn. 
Những đống đất đá vẫn còn ngổn ngang sau cơn lũ được bộ đội di chuyển, thu dọn.

Hòa vào không khí lao động trên các công trường là tiếng nói cười, xen lẫn niềm vui của bà con nhân dân và cán bộ, chiến sĩ đơn vị là các bài tuyên truyền về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước cùng các ca khúc cách mạng. Những điều luật trong các bộ luật như Luật Nghĩa vụ quân sự; Luật Hôn nhân gia đình… được cán bộ đơn vị biên tập, xây dựng bằng hình thức sân khấu hóa khiến bà con nhân dân hào hứng theo dõi. Sau giờ lao động, chiều về các "tiệm cắt tóc di động" do những tay kéo chiến sĩ được dựng lên tại khu vực trung tâm lại đón các cụ già và trẻ nhỏ hào hứng, xếp hàng chờ đến lượt vào “làm đẹp”. Đêm đêm, khuôn viên nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng các bản, bà con nhân dân và cán bộ, chiến sĩ say sưa luyện tập văn nghệ và tổ chức các trò chơi dân gian.

Ông Kha Văn Thái, người dân bản Hòa Sơn phấn khởi chia sẻ: "Bộ đội về bản, không những giúp địa phương “gỡ khó” nhiều phần việc mà còn đem ánh sáng văn hóa về với đồng bào chúng tôi. Từ ngày có bộ đội về bản, bản làng chúng tôi luôn rộn ràng, nhộn nhịp như có hội". 

Sau gần 4 ngày lao động, những đống đất đá tại khuôn viên khu vực Nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng bản Hòa Sơn đã được thu dọn. Còn tại tuyến đường liên bản Sa Vang vào bản Na Nhu, hơn 100 cán bộ, chiến sĩ đơn vị cùng bà con nhân dân sau hơn một ngày lao động đã hoàn thành việc đổ bê tông tuyến đường. Những ngôi nhà ảnh hưởng của cơn lũ năm trước cũng được tu sửa, chỉnh trang lại dưới bàn tay, công sức của cán bộ, chiến sĩ đơn vị.

 Bộ đội tổ chức cắt tóc cho người dân và trẻ em tại địa phương.
 Bộ đội tổ chức cắt tóc cho người dân và trẻ em tại địa phương.

Trung tá Ngô Trí Xuân, Phó chính ủy Trung đoàn 1 cho biết: "Thực hiện kế hoạch hành quân dã ngoại làm công tác dân vận năm 2023, từ ngày 16-7-2023, 150 cán bộ, chiến sĩ đơn vị về với đồng bào xã Tà Cạ. Để giúp nhân dân đạt kết quả cao nhất, chúng tôi tổ chức giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ nêu cao tinh thần, trách nhiệm, xác định “Việc nhân dân cũng chính như gia đình mình”. Theo đó, không nề hà khó khăn, vất vả cán bộ, chiến sĩ đã tranh thủ mọi thời gian, chung sức giúp địa phương nhiều phần việc ý nghĩa, góp phần cùng đồng bào vơi bớt khó khăn.

Có lẽ vui nhất những ngày tháng Bảy này là thương binh hạng 4/4, Cụt Văn Xết ở bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ. Bởi dịp kỷ niệm Ngày Thương binh-Liệt sĩ năm nay, gia đình ông được đón nhận tình cảm và những món quà thắm đượm nghĩa tình của cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 324 dành tặng. Đón nhận món quà từ tay Đại tá Nguyễn Thao Trường, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 324, thương binh Cụt Văn Xết nói: “Sự quan tâm và tình cảm của cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 324 thực sự là liều thuốc quý giúp tôi vơi bớt nỗi đau về thể xác và thêm phấn khởi sống vui, sống khỏe”.

Đại tá Nguyễn Thao Trường, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 324 trao quà thương binh Cụt Văn Xết. 
Đại tá Nguyễn Thao Trường, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 324 trao quà thương binh Cụt Văn Xết.

“Sau cơn lũ lịch sử hồi tháng 10 năm 2022 đi qua, mặc dù cấp ủy, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể chung tay giúp đỡ, hỗ trợ nhưng đời sống bà con xã Tà Cạ chúng tôi còn rất nhiều khó khăn. Dịp này, với sự chung sức, hỗ trợ của cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 1, địa phương chúng tôi đã phần nào gỡ bớt một số khó khăn, nhất là hệ thống giao thông”, đồng chí Vi Văn Mằn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tà Cạ cho biết. 

Thấu hiểu nỗi khó khăn của bà con, theo kế hoạch thời gian tới, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 1 tiếp tục các phần việc tri ân các gia đình chính sách và hỗ trợ bà con nhân dân như: Khám, cấp thuốc miễn phí; đổ bê tông, tu sửa một số tuyến đường giao thông, nhà sinh hoạt cộng đồng các bản… Chia tay cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 1 và bà con nhân dân xã Tà Cạ, trên đường trở về trong mỗi chúng tôi vẫn lưu luyến mãi những việc làm, hành động chứa chan nghĩa tình nơi vùng đất còn nhiều gian khó này.


Theo qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/quoc-phong-toan-dan/chung-suc-hoi-sinh-ta-ca-735665

  • Từ khóa