Tạo nguồn nhân lực nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học

Chủ nhật, 30.07.2023 | 08:42:48
187 lượt xem

Những năm qua, với việc chú trọng xây dựng, phát huy đội ngũ cán bộ, nhà khoa học Viện Công nghệ, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng (CNQP) đã nghiên cứu, chế tạo nhiều sản phẩm vũ khí, trang bị kỹ thuật phục vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu cho các đơn vị, góp phần nâng cao tính chủ động của CNQP trong nước, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu vũ khí, vật tư, linh kiện từ nước ngoài.

Mô hình “nhóm ý tưởng, tổ chuyên gia”

Sáng kiến “Nâng cấp, số hóa kính hiển vi đo lường phục vụ kiểm tra các chi tiết vũ khí có yêu cầu độ chính xác cao” do Trung tá, TS Lê Xuân Cam, Phó giám đốc Trung tâm Đo lường (Viện Công nghệ) làm chủ nhiệm được ứng dụng hiệu quả tại nhiều nhà máy thuộc Tổng cục CNQP và một số đơn vị trong toàn quân.

Nói về quá trình nghiên cứu sáng kiến này, Trung tá, TS Lê Xuân Cam cho biết, kính hiển vi đo lường là thiết bị đo lường theo nguyên lý đo không tiếp xúc có độ chính xác cao cỡ µm, được ứng dụng tại nhiều đơn vị sản xuất cơ khí chính xác. Tuy nhiên, thiết bị này chủ yếu do các nước viện trợ, sử dụng hàng chục năm nên đã xuống cấp (hệ quang học mờ mốc, hệ cơ khí bị mòn, dơ, kẹt, cơ cấu đọc tọa độ X, Y sai lệch...); kết quả đo phụ thuộc nhiều vào người đo; một số kích thước khó đo hoặc không thực hiện được (tâm ảo, đo đường kính, đo khoảng cách tâm, biên dạng phức tạp...); kết quả đo và hình ảnh đo không được lưu lại để kiểm tra đối chứng. Ở một số đơn vị, kính hiển vi đo lường được trang bị theo dự án mới, có khả năng tự động hóa cao nhưng sau một thời gian sử dụng đã bị lỗi ở thước quang, camera, phần mềm đo, sai số lớn...

 Cán bộ, kỹ sư Viện Công nghệ (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng) trao đổi về các sản phẩm khoa học.

 Cán bộ, kỹ sư Viện Công nghệ (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng) trao đổi về các sản phẩm khoa học.

“Trước thực trạng trên, chúng tôi đề xuất ý tưởng nâng cấp, số hóa kính hiển vi đo lường phục vụ kiểm tra các chi tiết vũ khí có yêu cầu độ chính xác cao. Sau khi chỉ huy Trung tâm đóng góp ý kiến, nhóm sáng kiến đề nghị tổ chuyên gia của Viện tư vấn về kỹ thuật, công nghệ, vật tư, phối hợp, thử nghiệm... Điểm nổi bật của sáng kiến sử dụng các cảm biến đo lường mới nhằm số hóa hệ thống dịch chuyển trục X, Y; đọc giá trị đo trực tiếp bằng bộ hiển thị điện tử. Dữ liệu và hình ảnh đo được lưu trữ trên máy tính. Sáng kiến có thể áp dụng đối với tất cả cơ sở chế tạo cơ khí chính xác trong và ngoài Quân đội”, TS Lê Xuân Cam cho biết.

Theo Đại tá Lê Anh Tuấn, Chính trị viên Viện Công nghệ, mô hình “Nhóm ý tưởng, tổ chuyên gia” ban đầu hoạt động tự phát, qua thực tiễn mang lại hiệu quả thiết thực nên được chỉ huy Viện tổ chức hoạt động bài bản, tạo môi trường để cán bộ, nhân viên nghiên cứu khoa học. Mô hình này đã phát huy trí tuệ của các nhà khoa học, nhất là đội ngũ cán bộ khoa học trẻ trong chủ động tìm tòi cái mới, sáng tạo về lĩnh vực công nghệ. Với việc tư vấn của các chuyên gia, gần như tất cả đề tài, sáng kiến được triển khai sát với yêu cầu, nhiệm vụ.

Chủ động tạo nguồn nhân lực

Công tác quy hoạch, tạo nguồn, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác khoa học luôn được Đảng ủy Viện Công nghệ đặc biệt quan tâm. Thiếu tá Đặng Xuân Dũng, Trợ lý nghiên cứu, Phòng Công nghệ Tên lửa là cán bộ trẻ có nhiều thành tích trong nghiên cứu khoa học, với nhiều đề tài, sáng kiến được ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn, từng đoạt Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo trong Quân đội. Để những sản phẩm khoa học có chất lượng ra đời, ngoài việc được đào tạo bài bản ở nước ngoài, Đặng Xuân Dũng được chỉ huy Viện cử đến các nhà máy để trải nghiệm thực tế, học hỏi kinh nghiệm, kiến thức từ thực tiễn.

Theo Đại tá Lê Anh Tuấn, lựa chọn cán bộ trẻ cử đi thực tế tại các nhà máy ngoài việc rèn luyện bản lĩnh, nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ, đồng thời còn là cơ sở để Viện đánh giá năng lực từng người, nhất là khả năng nghiên cứu khoa học; qua đó định hướng đào tạo, bồi dưỡng và bố trí, sử dụng cán bộ. Bên cạnh đó, nhiều cán bộ trẻ được giao nhiệm vụ chủ trì các đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ Quốc phòng, cấp tổng cục; tham gia triển khai các dự án trọng điểm của trên sẽ từng bước nâng cao trình độ, kiến thức, kỹ năng công tác.

Với những giải pháp khoa học trong đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, sử dụng nguồn nhân lực, đến nay, 100% cán bộ của Viện có trình độ đại học trở lên, trong đó hơn 72% có trình độ sau đại học (tiến sĩ 19,5%). Đội ngũ cán bộ khoa học được nâng cao số lượng, chất lượng, phát huy các nhóm nghiên cứu mạnh trên một số lĩnh vực, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Hiện nay, cán bộ, kỹ sư của Viện Công nghệ bước đầu nghiên cứu, chế tạo và làm chủ công nghệ từng phần các loại vũ khí công nghệ cao, vũ khí cơ động, tích hợp hệ thống, như: Tên lửa phòng không tầm thấp, robot chiến đấu và trinh sát, xe chiến đấu bộ binh, pháo tự hành; cơ bản làm chủ thiết kế và công nghệ chế tạo hầu hết loại đạn lục quân, đạn phòng không và một số loại đạn hải quân, chế tạo các loại đạn pháo, nòng pháo, giàn phóng bom chống ngầm, một số mác hợp kim đặc biệt...


SƠN BÌNH

https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/tao-nguon-nhan-luc-nang-cao-chat-luong-nghien-cuu-khoa-hoc-736694

  • Từ khóa