Bộ đội Cụ Hồ - Một biểu trưng văn hóa

Chủ nhật, 24.12.2023 | 14:07:34
866 lượt xem

Văn hóa Bộ đội Cụ Hồ cũng là chuẩn mực, truyền thống của Quân đội được thể hiện trong lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.

“Mãi mãi là sao sáng dẫn đường”

Ngược thời gian, ngày 22-12-1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân-tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay-được thành lập theo chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh. Gần 80 năm trôi qua nhưng ngắm bức ảnh tư liệu Ngày thành lập Đội vẫn thấy không phôi pha thần thái ngời ánh thép của những chiến sĩ cách mạng anh dũng, kiên cường. Đội quân cách mạng ấy đã nhanh chóng trưởng thành, tiến kịp thời đại, trở thành hình tượng thời đại, hiện lên trong tư thế mới, tạo tác nên “dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ”.

Luận về văn hóa quân sự, văn hóa Bộ đội Cụ Hồ, văn học-nghệ thuật Việt Nam gần 80 năm qua đã tạo tác những tượng đài nghệ thuật bất hủ về Bộ đội Cụ Hồ, như trong “Tây Tiến” của Quang Dũng, “Dáng đứng Việt Nam” của Lê Anh Xuân, “Bài ca chim chrao” của Thu Bồn, “Sư đoàn” của Nguyễn Đức Mậu...

Văn hóa Bộ đội Cụ Hồ cũng là chuẩn mực, truyền thống của Quân đội được thể hiện trong lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.

Khi đất nước giặc giã: “Người lính già tóc bạc/ Kể mãi chuyện Nguyên Phong” (thơ Trần Nhân Tông). Phẩm chất, bản lĩnh của người chiến sĩ trong chiến tranh, với những hy sinh, gian khó đã góp phần làm nên thắng lợi cuối cùng của cuộc cách mạng. Điều đó sẽ không cần bàn thêm, bởi thực tiễn lịch sử đã là minh chứng thuyết phục nhất. Quân đội nhân dân Việt Nam còn là một đội quân văn hóa trong ý nghĩa sâu xa nhất của thực tiễn hình thành, xây dựng và phát triển gần 80 năm qua. Quân đội cũng thực sự là môi trường văn hóa thúc đẩy, giúp ươm mầm nhiều tài năng, mà trong đó, người chiến sĩ là nguồn cảm hứng bất tận để cho ra đời những tác phẩm văn học-nghệ thuật chất lượng, khắc họa nên những biểu trưng văn hóa của thời đại.

Chỉ riêng trong lĩnh vực văn học, sách “Nhà văn Việt Nam hiện đại” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, năm 2020) ghi nhận có 1.623 nhà văn, trong đó có gần 400 nhà văn-chiến sĩ thuộc các thế hệ nhà văn chống Pháp, chống Mỹ, kể cả hai cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Trong đó, nhiều nhà văn-chiến sĩ đã ngã xuống trên chiến trường, tên được khắc trên bảng vàng lịch sử dân tộc, như: Trần Đăng, Thâm Tâm, Thôi Hữu, Hoàng Lộc, Nguyễn Thi, Lê Anh Xuân, Lê Vĩnh Hòa, Chu Cẩm Phong, Nguyễn Trọng Định, Bùi Nguyên Khiết, Vũ Đình Văn... Trong số 47 nhà văn vinh dự nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học và nghệ thuật trên cả nước, có gần 1/3 là nhà văn-chiến sĩ: Chính Hữu, Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Thi, Phan Tứ, Thu Bồn, Phạm Tiến Duật, Hữu Thỉnh, Hồ Phương, Đỗ Chu, Lê Văn Thảo, Xuân Thiều, Hữu Mai, Xuân Đức... Trên đây chỉ là một trong rất nhiều “con số biết nói” khi nhắc tới lực lượng nhà văn Quân đội mà thôi.

Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng kiểm tra, động viên các lực lượng Quân đoàn 12 tham gia diễn tập. Ảnh: TRỌNG HẢI 

Nhân vật trung tâm thời đại

Tôi từng bị hấp dẫn bởi cuốn tiểu thuyết nhan đề “Mạnh hơn nguyên tử” của một nhà văn Xô viết, một tác phẩm gợi mở cho chúng ta thông điệp có tính triết học-văn hóa-nhân sinh-nhân văn hữu ích. Trong đó, nhà văn đã dùng phép “khuếch đại thẩm mỹ” để viết nên tác phẩm văn chương thú vị. Hình ảnh những chiến sĩ Hồng quân Liên Xô làm chủ các phương tiện kỹ thuật chiến tranh hiện đại khiến thế hệ chúng tôi “tâm phục khẩu phục” về một quân đội anh em hùng mạnh. Giờ đây, chúng ta sẽ không cần tưởng tượng qua tiểu thuyết nữa khi được chứng kiến chính Quân đội ta đang từng bước lớn mạnh, phát triển theo phương châm tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Trong đó, ngoài yếu tố chuyên môn kỹ thuật, huấn luyện, thì văn hóa quân sự, văn hóa Bộ đội Cụ Hồ vẫn là yếu tố gốc, xuyên suốt, được mỗi người lính không ngừng bồi đắp và phát huy.

Có người đặt câu hỏi: “Bộ đội Cụ Hồ trong cơ chế thị trường sẽ thế nào?”. Tưởng khó hóa ra không khó trả lời. Vì, trước hết, anh là con người bình thường, bằng xương bằng thịt nên nói như C.Mác: “Tất cả những gì gần gũi với con người đều không xa lạ với tôi”. Tuy nhiên, Bộ đội Cụ Hồ hôm nay được tiếp nối, bồi đắp những giá trị để hội tụ trong mình các phẩm chất tuyệt vời của truyền thống dân tộc và Quân đội, bản sắc văn hóa quân sự và tinh thần, tố chất, sắc màu thời đại, bản lĩnh, trí tuệ, làm chủ khoa học kỹ thuật tối tân.

Trong Nghị quyết số 847-NQ/QUTW ngày 28-12-2021 của Quân ủy Trung ương về “Phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới” đã khái quát 5 đặc trưng cơ bản của phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ thời kỳ mới. Trong đó nhấn mạnh tới nhiều yếu tố, mà trước hết là tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân, có ý chí quyết tâm chiến đấu cao, chấp nhận hy sinh, vượt qua khó khăn, gian khổ, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao; về đạo đức cách mạng; huấn luyện, học tập, nghiên cứu nâng cao trình độ mọi mặt và đấu tranh chống biểu hiện tiêu cực; tinh thần đoàn kết tập thể, gắn bó máu thịt với nhân dân; tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, dám đương đầu với khó khăn, thử thách...

Những đặc trưng cơ bản được khái quát đã làm sâu sắc hơn những phẩm chất vốn có của Bộ đội Cụ Hồ, đồng thời từ thực tiễn và yêu cầu cách mạng đúc rút nên những đặc trưng mới, có tính thời sự và cấp thiết, chẳng hạn như: “Tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung”, “kiên quyết đấu tranh với các biểu hiện suy thoái, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí”... Điều này cũng cho thấy, những đòi hỏi, yêu cầu ngày càng cao cũng như vị trí, vai trò của cán bộ, chiến sĩ trong tu dưỡng, rèn luyện và gìn giữ, phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trong tình hình mới-vấn đề được Đảng ta quan tâm.

Nhà văn Nguyễn Minh Châu đã viết: “Con người ta phải biết sống như một người anh hùng và biết sống như một con người bình thường”. Đó cũng chính là hai mặt của một tờ giấy-bản lĩnh và nhân cách của con người chân chính nói chung, người chiến sĩ nói riêng. Anh có thể là một người anh hùng trong chiến trận, chiến thắng kẻ thù nơi chiến trường và trước sau vẫn là người dám đương đầu với những khó khăn, thử thách gay cấn nhất trong cuộc sống đương đại.

Nhiều người vẫn tranh luận sôi nổi và thú vị về “nhân vật trung tâm thời đại” trong văn học-nghệ thuật. Thiết nghĩ, nhân vật nào biểu trưng được các giá trị nhân cách, văn hóa Việt nam thì đó là điểm độc sáng, phát sáng của tấm gương nghệ thuật có khả năng phản chiếu xã hội đang đổi mới và phát triển dưới ánh sáng của “văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Hình tượng người chiến sĩ với bản lĩnh, đức hy sinh đã là biểu trưng của con người văn hóa Việt Nam trong quá khứ. Bản lĩnh và nhân cách Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới vẫn đang là chủ đề trung tâm của sáng tác văn học-nghệ thuật hiện tại và chắc chắn cả trong tương lai.


Theo qdnd.vn

https://ct.qdnd.vn/van-hoa-xa-hoi/bo-doi-cu-ho-mot-bieu-trung-van-hoa-529598

  • Từ khóa