Nỗ lực để Việt Nam không còn ô nhiễm bom, mìn

Thứ 7, 02.03.2024 | 15:08:16
668 lượt xem

Mặc dù chiến tranh đã qua đi vài chục năm nhưng hàng trăm nghìn tấn bom đạn, chất độc hóa học vẫn còn sót lại. Đại tá Lê Quang Hợp, Phó tổng giám đốc Trung tâm Hành động bom mìn Quốc gia Việt Nam (VNMAC) chia sẻ, nhiều năm qua, Việt Nam đã tích cực, chủ động trong công tác khắc phục hậu quả chiến tranh nói chung, ô nhiễm bom, mìn nói riêng, với mong muốn sớm đưa Việt Nam trở thành quốc gia không còn ô nhiễm bom, mìn.

Phóng viên (PV): Việt Nam hiện là một trong những quốc gia có tỷ lệ ô nhiễm bom, mìn cao trên thế giới. Đồng chí có thể nói rõ hơn về mức độ ô nhiễm do bom, mìn tại Việt Nam?

 Đại tá Lê Quang Hợp: Ước tính số bom đạn sau chiến tranh để lại ở Việt Nam khoảng 800.000 tấn, diện tích ô nhiễm và nghi ngờ ô nhiễm bom, mìn khoảng 6,1 triệu héc-ta, chiếm 18,82% tổng diện tích của cả nước. Số bom, mìn, vật liệu chưa nổ hiện còn nằm rải rác tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó tập trung nhiều tại các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ. Thống kê đến năm 2023, sau hàng chục năm tiến hành rà phá bom, mìn, hiện vẫn còn khoảng 5,6 triệu héc-ta, tương đương với 17,71% diện tích còn bị ô nhiễm. Con số này cho thấy còn cần rất nhiều thời gian và nguồn lực lớn để làm sạch hoàn toàn, đem lại màu xanh cho những vùng đất bị ô nhiễm và cuộc sống an toàn cho nhân dân.

 Đại tá Lê Quang Hợp.  Ảnh do VNMAC cung cấp

Hiện cả nước có hơn 7 triệu người khuyết tật, trong đó có hàng vạn người là nạn nhân của bom, mìn và bị phơi nhiễm chất độc hóa học da cam/dioxin. Từ năm 1975 đến nay, bom, mìn tồn sót đã làm hơn 40.000 người bị chết, 60.000 người bị thương, trong đó phần lớn là lao động chính trong gia đình và trẻ em. Tại một số tỉnh miền Trung như Quảng Bình, Bình Định, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Quảng Ngãi, có hơn 22.800 người là nạn nhân do vướng bom, mìn trong quá trình sinh hoạt, sản xuất, trong đó có 10.540 người chết và 12.260 người bị thương.

PV: Thưa đồng chí, trong 10 năm hoạt động, VNMAC đã có những hoạt động gì để hỗ trợ nạn nhân bị ảnh hưởng bởi bom, mìn?

Đại tá Lê Quang Hợp: Khắc phục hậu quả bom, mìn sau chiến tranh được Đảng, Nhà nước ta xác định là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách và lâu dài, nhằm bảo vệ an toàn cho nhân dân và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. 10 năm qua, VNMAC đã thực hiện tốt vai trò của Cơ quan điều phối quốc gia về hoạt động khắc phục hậu quả bom, mìn sau chiến tranh tại Việt Nam. VNMAC đã tham mưu với Bộ Quốc phòng thực hiện thành công Dự án “Điều tra, khảo sát lập bản đồ ô nhiễm bom, mìn, vật nổ trên phạm vi toàn quốc” tại 63/63 tỉnh, thành phố trên cả nước và tổ chức công bố vào tháng 3-2018; điều phối một số dự án lớn, góp phần cùng các lực lượng trên cả nước triển khai trong giai đoạn 2010-2023 khảo sát và rà phá bom, mìn, vật nổ được hơn 500.000ha... VNMAC cũng tham gia một số dự án tiêu biểu về vốn ODA viện trợ không hoàn lại của chính phủ các nước, như: Nhật Bản tài trợ 2 dự án rà phá bom, mìn tại Quảng Trị và Hà Tĩnh và đã khảo sát, rà phá được 3.240ha; Hàn Quốc tài trợ Dự án “Việt Nam-Hàn Quốc hợp tác khắc phục hậu quả bom, mìn sau chiến tranh” (KVMAP) với tổng kinh phí 33 triệu USD, trong đó vốn viện trợ không hoàn lại là 20 triệu USD, triển khai tại hai tỉnh Quảng Bình và Bình Định. Xây dựng cơ sở dữ liệu, triển khai các hoạt động giáo dục phòng tránh tai nạn bom, mìn với 4 chương trình và 292 sự kiện, hơn 6.000 người khuyết tật/nạn nhân bom, mìn nhận được các hình thức hỗ trợ khác nhau như kiểm tra sức khỏe, phục hồi chức năng, đào tạo nghề, hỗ trợ sinh kế và đặc biệt là đã tổ chức khảo sát kỹ thuật, rà phá bom, mìn được hơn 16.800ha.

Rà phá bom, mìn tại thôn Tân Hải, xã Ngư Thủy Bắc, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Ảnh do VNMAC cung cấp

VNMAC đã phối hợp triển khai các hoạt động hỗ trợ nạn nhân bom, mìn từ Dự án KVMAP, thống kê được tổng số nạn nhân bom, mìn tại hai tỉnh Quảng Bình và Bình Định là gần 47.000 người. Năm 2020, VNMAC xây dựng và đưa trang thông tin điện tử vào hoạt động phục vụ công tác truyền thông, vận động tài trợ quốc tế, qua đó trực tiếp phổ biến kiến thức phòng tránh tai nạn bom, mìn cho hơn 3 triệu người dân, nhất là các đối tượng dễ bị tổn thương do bom, mìn như trẻ em và người nông dân lao động trên ruộng đồng, nương rẫy.

PV: Thời gian tới, VNMAC sẽ triển khai những hoạt động gì để đẩy nhanh tốc độ khắc phục hậu quả bom, mìn, đưa Việt Nam sớm trở thành quốc gia không còn ô nhiễm bom, mìn?

Đại tá Lê Quang Hợp: Thời gian tới, VNMAC tiếp tục tham mưu với Bộ Quốc phòng trình Chính phủ, Quốc hội việc xây dựng Pháp lệnh Khắc phục hậu quả bom, mìn sau chiến tranh; tổ chức tổng kết Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom, mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010-2025 và đề xuất Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom, mìn giai đoạn mới; đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu phát triển, nhất là xây dựng các quy trình, quy chuẩn, hợp tác quốc tế trong khảo sát và rà phá bom, mìn, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia, từ đó góp phần đẩy nhanh tiến độ khắc phục hậu quả bom, mìn. Triển khai thành công Dự án “Hành động bom, mìn vì Làng Hòa Bình Việt Nam-Hàn Quốc” do Chính phủ Hàn Quốc viện trợ tại 3 tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Bình Định và các dự án khác do chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ tài trợ...


Theo qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/no-luc-de-viet-nam-khong-con-o-nhiem-bom-min-766956

  • Từ khóa