Nghệ thuật truy kích địch trong Chiến dịch Tây Nguyên

Chủ nhật, 10.03.2024 | 09:22:19
533 lượt xem

Ngày 11-3-1975, thị xã Buôn Ma Thuột bị quân ta đánh chiếm. 3 ngày sau, Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh bỏ Pleiku và Kon Tum về chốt giữ duyên hải miền Trung.

Trước tình hình đó, Sư đoàn 320 cùng các đơn vị đã thần tốc truy kích, phối hợp với LLVT địa phương tiêu diệt lực lượng lớn quân địch. Đây là một trong những chiến thắng quan trọng, tạo thời cơ chiến lược mới để Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương mở Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975.

Để giữ bí mật cuộc rút chạy, Bộ tư lệnh Quân đoàn 2-Quân khu 2 của địch chọn Đường số 7, bởi chúng cho rằng do mặt đường xấu, ít người qua lại nên sẽ tạo yếu tố bất ngờ. Tuy nhiên, cuộc rút chạy không qua mắt được quân và dân ta. Chiều 15-3, ta phát hiện địch rút chạy khỏi Tây Nguyên, Bộ tư lệnh Chiến dịch sử dụng Sư đoàn 320 được tăng cường Trung đoàn 95B, 1 tiểu đoàn xe tăng và một bộ phận pháo binh của Trung đoàn 675 truy kích địch rút chạy trên Đường số 7 đoạn từ Cheo Reo đến Củng Sơn; đồng thời, đề nghị Quân khu 5 cho LLVT Phú Yên kịp thời tổ chức chặn địch ở Củng Sơn.

Nhận được lệnh, Sư đoàn 320 tổ chức Tiểu đoàn 9 (Trung đoàn 64) ngay trong đêm cơ động lực lượng ra chặn địch ở Nam Cheo Reo; Trung đoàn 48 (thiếu) được tăng cường một tiểu đoàn xe tăng cơ động áp sát chuẩn bị tiến công Cheo Reo; Trung đoàn 9 nhanh chóng chiếm vị trí Kênh Săn, rồi phát triển lên quận lỵ Phú Nhơn, khu vực Mỹ Thạch, sau đó, hình thành một mũi theo Đường số 7 từ hướng Tây Bắc qua Phú Thiện đánh xuống Cheo Reo; Trung đoàn 95B ở Tây Nam Thuần Mẫn làm lực lượng dự bị. Đồng thời, Sư đoàn 320 nhanh chóng huy động lực lượng xuất phát từ Chư Phao, Đạt Lý đến Cẩm Ga về hướng Cheo Reo khoảng 50km, bất ngờ tiêu diệt địch. Sư đoàn 320 huy động toàn bộ các loại xe, kể cả xe con, xe kéo pháo của Sư đoàn và Trung đoàn Pháo cao xạ 593 lên đón Trung đoàn 64 đang đánh địch ở hướng Phước An, nhanh chóng cơ động toàn bộ lực lượng tới Nam Cheo Reo. 

Thảm kịch của ngụy quân Sài Gòn trên Đường số 7 khi bị quân ta bao vây chặn đánh (tháng 3-1975). Ảnh tư liệu 

Ngay sau khi nhận lệnh, Tiểu đoàn 9 (Trung đoàn 64) tổ chức hành quân thần tốc, chạy đua với cơ giới địch, có đoạn bộ đội phải cắt đường xuyên rừng tiến về Nam Cheo Reo. 13 giờ ngày 17-3, Tiểu đoàn 9 triển khai đội hình chiến đấu sát Đường số 7 cách phía Đông Cheo Reo khoảng 4km. Đến 16 giờ 35 phút cùng ngày, đoàn xe địch lọt vào trận địa của Tiểu đoàn 9. Ta nổ súng tiêu diệt gọn tốp xe đi đầu làm đội hình phía sau phải lùi lại. Đường số 7 bị ta chặn đánh, ngay lập tức gây tắc nghẽn, Cheo Reo nhỏ hẹp lúc này trở thành tụ điểm của hàng vạn binh lính địch với hơn 2.000 xe các loại bị chặn trên đường. 

Trước nguy cơ bị tiêu diệt, địch tập trung lực lượng quyết mở đường máu về phía Củng Sơn. Sáng 18-3, chúng sử dụng 21 xe tăng, xe bọc thép, 25 xe chở bộ binh và 24 xe kéo pháo đánh tràn vào trận địa chốt và trận địa phía sau của Tiểu đoàn 9. Sau một ngày chiến đấu, Tiểu đoàn 9 đã bẻ gãy 3 lần phản kích của địch, diệt và bắt sống hàng trăm tên, trong đó có tên Trung tá, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 23 biệt động quân; thu và phá hủy hàng chục xe tăng, xe bọc thép, 200 khẩu súng, giữ vững chốt, cắt triệt Đường số 7, phá vỡ ý đồ dùng xe tăng, bộ binh mở đường của địch. 

Trước tình hình trên, ngụy quân chuyển sang đánh đêm, sử dụng máy bay C130 và trực thăng bắn dọc hai bên Đường số 7 và chiếu đèn cho xe tăng bí mật đến sát trận địa chốt của ta, rồi tất cả các xe bất ngờ bật đèn pha vừa bắn xối xả vừa chạy hết tốc độ lao qua. Nhưng thủ đoạn mở đường máu của địch bị Trung đoàn 64 đánh bại, diệt và bắt gần 2.000 tên địch, phá hủy và tịch thu hơn 100 xe tăng, xe bọc thép, ô tô và hàng nghìn khẩu súng, bắn cháy một máy bay trực thăng. Trong khi các trận đánh của Tiểu đoàn 9 trên Đường số 7 đang diễn ra quyết liệt, các lực lượng còn lại của Trung đoàn 64 và 48 cùng lực lượng tăng cường tiếp tục cơ động đến Cheo Reo. 

Trước sự hỗn loạn của quân địch, Sư đoàn 320 hình thành thế chặn trước, đuổi sau, chia cắt, bao vây chặt quân địch, không cho chúng co cụm lớn. Trong thực hành tiến công, ta kiên quyết ngăn chặn địch, tạo điều kiện cho chủ lực cơ động đến hình thành bao vây, tiến công tiêu diệt chúng mãnh liệt, triệt để. Sau hơn một tuần tiến hành truy kích, quân ta đã diệt gọn toàn bộ quân địch, loại khỏi vòng chiến đấu 6 liên đoàn biệt động quân, 4 thiết đoàn, 1 liên đoàn công binh, 20 tiểu đoàn bảo an, cảnh sát dã chiến và một bộ phận cơ quan Quân khu 2, bắt 8.000 tù binh, phá hủy 1.400 xe các loại, trong đó có 90 xe tăng và 25 xe thiết giáp M113... 

Thắng lợi của cuộc truy kích ngụy quân rút chạy khỏi Tây Nguyên tháng 3-1975 cho thấy, việc nhạy bén trong nắm bắt và tận dụng triệt để thời cơ, nhanh chóng điều động và cơ động lực lượng chốt chặn các vị trí, hình thành thế chặn đầu, khóa đuôi để tiến công lực lượng địch di tản. Đây được xem là một điển hình về nghệ thuật chỉ huy tình huống trong tác chiến chiến dịch và cần được vận dụng sáng tạo trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu giai đoạn hiện nay.


Theo qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/nghe-thuat-quan-su-vn/nghe-thuat-truy-kich-dich-trong-chien-dich-tay-nguyen-767998

  • Từ khóa