Huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) có bờ biển dài 34km, với 13 xã, thị trấn, trong đó có 4 xã và một thị trấn ven biển. Thực hiện mô hình điểm "Trung đội Dân quân biển ở các xã, thị trấn ven biển", từ năm 2021 đến nay, Ban CHQS huyện Trần Văn Thời đã tích cực, chủ động, phát huy tốt vai trò tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn ven biển xây dựng lực lượng dân quân biển đủ về số lượng, bảo đảm chất lượng...
Tìm hiểu chúng tôi được biết, trên cơ sở tàu, tổ, đội đánh bắt hải sản của ngư dân, Ban CHQS huyện Trần Văn Thời đã xây dựng kế hoạch, tổ chức biên chế, bố trí phù hợp. Việc tuyển chọn xây dựng lực lượng dân quân biển được chú trọng, trước hết là chất lượng chính trị, thuyền viên các tàu, thuyền, gắn với từng đội tàu hoạt động trên cùng ngư trường khai thác.
Để nâng cao chất lượng và khả năng cơ động sẵn sàng chiến đấu của lực lượng này, Ban CHQS huyện thường xuyên quan tâm giáo dục, định hướng chính trị, nâng cao nhận thức về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương; nắm chắc âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch và tình hình an ninh tuyến biển, các văn bản pháp luật về biển.
Dân quân biển huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) huấn luyện bắn súng tiểu liên AK. |
Công tác huấn luyện bám sát phương châm “cơ bản, thiết thực, hiệu quả”, tập trung vào các nội dung: Bắn đạn thật trên biển; phòng, chống cháy; chống chìm tàu; lai kéo tàu, thuyền trên biển; sử dụng các phương tiện thông tin liên lạc trên biển, vệ tinh định vị; quan sát, phát hiện tàu lạ và chế độ báo cáo, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên biển... Qua kiểm tra huấn luyện hằng năm, kết quả 100% đạt yêu cầu, trong đó có 75% khá, giỏi trở lên; bảo đảm an toàn tuyệt đối về người, vũ khí trang bị và phương tiện.
Theo Thượng tá Huỳnh Văn Thoàn, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Trần Văn Thời, cùng với huấn luyện chiến đấu, bảo vệ vùng biển, lực lượng dân quân biển còn thường xuyên phối hợp với Bộ đội Biên phòng tổ chức tuần tra ven bờ và trên biển, kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm. Đặc biệt, công tác cứu hộ, cứu nạn được các đơn vị chú trọng, tổ chức luyện tập thường xuyên, nghiêm túc, sát với những tình huống xảy ra; đồng thời nắm chắc tình hình trên biển, phối hợp quản lý chặt chẽ theo chức trách, nhiệm vụ được giao...
Ngoài ra, lực lượng dân quân biển còn thường xuyên thông báo cho nhau về sản lượng khai thác hằng ngày, ngư trường hoạt động và thông tin về thiên tai để các phương tiện trợ giúp lẫn nhau khi có tình huống xấu. Không chỉ bám biển khai thác hải sản, tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh trên biển, lực lượng dân quân biển còn tổ chức tuyên truyền, vận động ngư dân chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, làm chỗ dựa vững chắc, tin cậy cho ngư dân khi đánh bắt trên biển. Từ đó, bà con ngư dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, gắn lao động sản xuất, phát triển kinh tế với giữ vững an ninh trật tự trên biển.
Đồng chí Lê Quốc Khởi, Trung đội trưởng Dân quân biển thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, cho biết: “Chúng tôi thường xuyên tuyên truyền, vận động bà con ngư dân không sang vùng biển nước ngoài khai thác hải sản, không chở hàng lậu, hàng gian; khi khai thác, đánh bắt phải chấp hành nghiêm quy định của pháp luật. Thời gian qua, ngư dân địa phương rất ít vi phạm các quy định”.
Bên cạnh những kết quả đạt được, khó khăn trong hoạt động của lực lượng dân quân biển là một số người đi làm ăn xa, việc phối hợp giữa các lực lượng hoạt động trên biển có lúc chưa chặt chẽ, các trang thiết bị và công cụ hỗ trợ cho lực lượng này còn hạn chế.
“Để tiếp tục phát huy hiệu quả của lực lượng dân quân biển, thời gian tới chúng tôi sẽ tập trung vào một số biện pháp, như: Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương; kiện toàn tổ chức biên chế và đầu tư phương tiện, cơ sở vật chất, trang thiết bị; đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện và công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho lực lượng dân quân biển; bảo đảm tốt các chế độ, chính sách và công cụ hỗ trợ”, Thượng tá Huỳnh Văn Thoàn khẳng định.
Theo qdnd.vn