Ngày 13-3-1954, quân ta nổ súng mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ, địch huy động máy bay trút hàng trăm tấn bom đạn xuống các khu vực như: Đèo Chẹn, phà Tạ Khoa, đèo Pha Đin...
Có ngày địch sử dụng hàng chục lượt máy bay các loại ném hơn 300 quả bom xuống khu vực ngã ba Cò Nòi. Quân ta càng đánh mạnh, càng siết chặt vòng vây cứ điểm Điện Biên Phủ thì địch càng đánh phá ác liệt các trọng điểm giao thông.
Ban đầu, do chưa có phương pháp phá các loại bom của địch nên ta bị tổn thất nhiều. Trước tình hình đó, các đội phá bom được thành lập và thực hiện nhiệm vụ dưới sự hướng dẫn của đội ngũ cán bộ công binh. Nhờ đó, các đội phá bom nhanh chóng nắm bắt kỹ thuật, tính năng của từng loại bom để khắc phục. Ngoài ra, đơn vị đặt các vọng gác “tiền tiêu” đếm bom địch thả xuống. Quả nào chưa nổ chấm lên sơ đồ kết hợp cắm tiêu trên thực địa để tổ phá bom đến thực hiện nhiệm vụ.
Thanh niên xung phong phá đá, mở rộng đường qua núi. Ảnh tư liệu: TTXVN |
Việc phá bom ở ngã ba Cò Nòi cũng như ở các trọng điểm khác vô cùng nguy hiểm, đòi hỏi tinh thần vượt khó khăn, gian khổ, sẵn sàng chấp nhận hy sinh của lực lượng thanh niên xung phong. Trước khi đi làm nhiệm vụ, những người phá bom được đơn vị tổ chức “lễ tế sống”. Với tinh thần xung kích, sáng tạo, tìm mọi cách để phá hủy các loại bom đạn của địch, các đội phá bom luôn sẵn sàng xông vào những nơi nguy hiểm nhất.
Với bom nổ chậm, nếu phá nổ theo cách thông thường, bom khoét một hố lớn, sâu, phải mất nhiều thời gian, công sức và cần nhiều khối lượng đất đá để lấp đầy. Vì vậy, ta dùng “bao ruột tượng” nhồi thuốc nổ, kíp nổ đặt ngang thân bom điều khiển dây cháy chậm cho nổ. Với phương pháp này, quả bom bị cắt đôi, do đó, việc san lấp hố bom dễ dàng hơn. Với bom bươm bướm, các chiến sĩ đứng dưới hố, dùng sào dài đẩy các quả bom vào một vị trí, sau đó sử dụng bộc phá cho bom nổ hàng loạt, vừa tiết kiệm được thời gian, vừa tránh được nguy hiểm.
Với tinh thần “địch phá, ta lấp ta đi; địch lại phá, ta lại lấp ta đi”, cứ sau mỗi lần địch đánh phá, các đội phá bom khẩn trương làm nhiệm vụ. Tháng ba, tháng tư là mùa mưa nên địch càng đánh phá dữ dội, diện tích chống lầy càng rộng, khối lượng đất đá phải giải quyết càng lớn, khó khăn lại chồng chất khó khăn.
Với khẩu hiệu “chống mưa là chống giặc, giao thông là mạch máu của cơ thể không bao giờ để tắc”, lực lượng thanh niên xung phong ngày đêm tham gia bảo đảm đường sá thông suốt, góp phần quan trọng vào thắng lợi của chiến dịch.
Theo qdnd.vn