Dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 năm nay diễn ra trong bối cảnh giá vé máy bay nội địa tăng cao, lại ngay sát kỳ thi cuối năm của học sinh cả nước, nên từng được dự đoán sẽ không quá sôi động dù được nghỉ dài ngày. Tuy nhiên, kết quả thu về đã khiến nhiều người bất ngờ với sự tăng trưởng về lượng khách.
(Ảnh minh họa: Khách du lịch tắm biển tại Bãi Sau, thành phố Vũng Tàu đợt nghỉ Lễ từ 27/4 đến 1/5/2024)
Theo số liệu từ Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, trong 5 ngày nghỉ Lễ (từ 27/4 đến 1/5/2024), bất chấp nắng nóng gay gắt, ngành du lịch nước ta vẫn phục vụ được khoảng 8 triệu lượt khách, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó có 3,6 triệu lượt khách lưu trú, mang lại doanh thu lên tới hàng nghìn tỷ đồng cho nhiều địa phương, tiêu biểu như: Thanh Hóa, Quảng Ninh, Khánh Hòa, Hồ Chí Minh, Hà Nội, Nghệ An…
Ðiều này cho thấy, trước guồng quay hối hả của cuộc sống hiện đại, nhu cầu được xê dịch để thư giãn, cân bằng cảm xúc của người dân là rất lớn. Ðáng chú ý, kết quả kinh doanh dịp nghỉ lễ vừa qua cũng mở ra nhiều dự báo cho các công ty du lịch trước thềm cao điểm du lịch hè.
Trong bối cảnh giá vé máy bay tăng cao, phần lớn du khách đã chuyển sang di chuyển bằng tàu hỏa, ô-tô. Các số liệu thống kê về lượng khách tại các điểm đến đều cho thấy sự lên ngôi của du lịch đường bộ, đường sắt, trong đó chiếm số lượng không nhỏ là đối tượng khách lẻ, đi theo gia đình hoặc nhóm nhỏ từ 3-5 người bằng phương tiện xe tự lái.
Do thời tiết nắng nóng, du khách có xu hướng tìm đến những điểm du lịch biển hay khu du lịch văn hóa, sinh thái có khoảng cách gần.
Những điểm đến chung quanh các thành phố lớn như từ Hà Nội đi Quảng Ninh, Ninh Bình, Thanh Hóa, Mộc Châu, Sa Pa… hoặc từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Vũng Tàu, Nha Trang, Ninh Thuận, Cần Thơ… bằng đường bộ thu hút khá đông du khách.
Ðiều này cũng lý giải tại sao những điểm đến phụ thuộc nhiều vào lượng khách hàng không như Phú Quốc, Ðà Nẵng, Quảng Nam, Côn Ðảo… có số lượng khách nội địa thấp hơn so với các năm trước.
Ngoài ra, do ảnh hưởng giá vé máy bay nội địa tăng cao, một bộ phận du khách cũng đang có xu hướng lựa chọn du lịch nước ngoài.
Dịp nghỉ lễ vừa qua, các điểm đến có mức giá trung bình, ổn định, tương đối gần như Thái Lan, Malaysia, Singapore, Trung Quốc, Hàn Quốc... được du khách Việt lựa chọn nhiều nhất.
Theo ghi nhận tại một số hãng lữ hành, doanh số bán tour nước ngoài trong dịp lễ vừa qua cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm phần áp đảo so với tour nội địa.
Thực trạng này đòi hỏi ngành du lịch cần sớm có những giải pháp để thu hút trở lại lượng khách trong nước bằng những sản phẩm hấp dẫn và cạnh tranh.
Theo các chuyên gia, trước tình hình suy thoái kinh tế kéo dài, chi tiêu dành cho du lịch của khách hàng sẽ ngày càng được cân nhắc kỹ hơn. Khi giá vé máy bay chưa thể hạ nhiệt, ngành du lịch cần quan tâm nhiều hơn tới xu hướng du lịch đường bộ, đường sắt, đường thủy.
Vừa qua, một số doanh nghiệp du lịch đã tỏ ra khá nhạy bén khi tìm cách đa dạng hóa loại hình tour theo hướng tăng cường xe ô-tô chất lượng cao ở các chặng ngắn, kết hợp các phương tiện ô-tô, tàu hỏa, đường thủy ở những chặng xa để giảm giá thành tour và gia tăng trải nghiệm cho du khách.
Ðây là hướng đi cần được nghiên cứu kỹ lưỡng hơn để có thêm nhiều sản phẩm du lịch đặc sắc, đáp ứng được nhu cầu của du khách.
Ðể mở rộng tệp khách du lịch, những điểm đến vốn phụ thuộc nhiều vào lượng khách đường hàng không cũng cần tính toán để có những sản phẩm hút khách bằng các phương tiện khác.
Chẳng hạn, Phú Quốc có thể đẩy mạnh khai thác khách từ các tỉnh miền tây và Tây Nguyên, Ðông Nam Bộ cho mùa cao điểm du lịch hè sắp tới. Ðể ra đảo, khách có thể đi bằng tàu thủy từ Hà Tiên hoặc Rạch Giá (Kiên Giang)…
Bên cạnh đó, với sự xuất hiện của xu hướng du lịch tự túc, đi theo nhóm nhỏ tới các điểm đến gần để tăng tính chủ động trong hành trình, các địa phương, công ty du lịch nên chú trọng nhiều hơn trong liên kết để hình thành những tour, tuyến mới hấp dẫn trong nội vùng, nội đô.
Thời gian qua, một số sản phẩm nội đô tại các địa phương đã trở thành “đặc sản” thu hút chính những người dân đang sinh sống tại đó và các tỉnh lân cận.
Tiêu biểu như Thành phố Hồ Chí Minh với các tour trải nghiệm xe buýt hai tầng tham quan thành phố, xem pháo hoa trên sông Sài Gòn, Ký ức Biệt động Sài Gòn, Cần Giờ lắng nghe hơi thở của rừng…; hay Hà Nội với các tour đêm khám phá Hoàng thành Thăng Long, Nhà tù Hỏa Lò, Văn Miếu-Quốc Tử Giám…, góp phần tạo nên những sắc mầu, dấu ấn mới cho điểm đến và kéo dài hơn thời gian lưu trú của du khách.
Sự tăng trưởng mạnh mẽ về lượng khách dịp 30/4-1/5 vừa qua có thể xem là bước khởi động thành công, mở ra kỳ vọng phát triển cho mùa du lịch hè năm nay cũng như cả năm 2024.
Rõ ràng, so với những năm trước, lựa chọn du lịch của người dân đã có nhiều sự khác biệt, đòi hỏi những người làm du lịch càng cần linh hoạt và sáng tạo trong triển khai xây dựng sản phẩm, kích cầu du lịch cũng như lựa chọn phương thức xúc tiến, quảng bá phù hợp để tiếp tục thúc đẩy được hoạt động du lịch trong bối cảnh thị trường nhiều biến động.
Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/chu-dong-nam-bat-xu-huong-du-lich-he-post807905.html