Chủ trương của Đảng ta là xây dựng nền công nghiệp quốc phòng, an ninh tự lực, tự cường, lưỡng dụng, hiện đại để đáp ứng được yêu cầu trong huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu trong mọi tình huống.
Thực tiễn lịch sử mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước cho thấy, chỉ khi chúng ta tự lực, tự cường trong Quân đội, nhất là về vũ khí, trang bị kỹ thuật, thì mới bảo đảm giành thắng lợi. Mỗi khi lơi là trong việc phòng bị là lúc nước ta bị các thế lực ngoại bang dòm ngó, xâm chiếm.
Để xâm lược nước ta, các nước thực dân, đế quốc sử dụng ưu thế vượt trội về vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự hiện đại. Chỉ đến khi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh tìm ra con đường cách mạng cho dân tộc, xây dựng và rèn luyện Đảng ta lãnh đạo cuộc cách mạng trường kỳ của dân tộc, với chiến lược quan trọng về việc tự lực, tự cường phát triển ngành công nghiệp quốc phòng hiện đại, cách mạng của nước ta mới đi đến thắng lợi.
Ảnh minh họa: VGP |
Năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thuyết phục thành công người kỹ sư nổi tiếng ở Pháp và châu Âu là Phạm Quang Lễ trở về nước phục vụ quê hương, phục vụ cách mạng. Về nước, ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt bí danh là Trần Đại Nghĩa.
Trên cương vị Cục trưởng Cục Quân giới, Giáo sư Trần Đại Nghĩa đã nhanh chóng đặt những viên gạch đầu tiên cho việc kiến tạo ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam phát triển, góp phần quan trọng vào sự thành công trong các cuộc chiến tranh giành lại độc lập, tự do, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ cho nước ta.
Thực tiễn các cuộc chiến tranh trên thế giới cũng cho thấy, bất cứ quốc gia nào, lực lượng nào không tự lực, tự cường bảo đảm vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự hiện đại, mà chỉ dựa vào viện trợ từ nước ngoài thì rất khó tự bảo vệ mình trước sự tấn công của các nước khác.
Việt Nam chủ trương không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Chính sách quốc phòng của Việt Nam là hòa bình, tự vệ và vì nhân dân. Do vậy, Việt Nam phát triển công nghiệp quốc phòng không nhằm đe dọa tấn công nước nào, mà chỉ đơn giản để sẵn sàng tự vệ khi cần thiết.
Tuy thực hiện chính sách tự vệ, nhưng muốn giữ thế chủ động để bảo đảm thắng lợi trong mọi tình huống tự vệ, Việt Nam cần có nền công nghiệp quốc phòng tự lực, tự cường, lưỡng dụng, hiện đại. Trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, chưa thể đáp ứng được tất cả nhu cầu đầu tư của ngành công nghiệp quốc phòng, chúng ta nên thành lập Quỹ Công nghiệp quốc phòng, an ninh theo dạng quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách để hỗ trợ phát triển công nghiệp quốc phòng, nhất là trong việc thực hiện các nhiệm vụ cấp bách hoặc nghiên cứu, phát triển sản phẩm công nghiệp quốc phòng, an ninh mới.
Theo qdnd.vn