Dấu ấn trí thức trẻ tình nguyện vùng cao

Chủ nhật, 13.10.2024 | 10:11:48
369 lượt xem

Trong những năm qua, lực lượng trí thức trẻ tình nguyện Nông-Lâm trường 196 (Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 338, Quân khu 1), đã rất nhiệt tình, sáng tạo trong công việc, giúp bà con dân tộc thiểu số nâng cao đời sống, phát triển kinh tế-xã hội.

Trò chuyện với chúng tôi, Thượng tá Phạm Quốc Tuấn, Giám đốc Nông-Lâm trường 196 cho biết, nhiệm vụ của đội trí thức trẻ tình nguyện là đồng hành cùng cán bộ, nhân viên Nông-Lâm trường 196 và chính quyền địa phương, tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, phát triển văn hóa, xóa bỏ hủ tục lạc hậu. Đồng thời, lực lượng trí thức trẻ còn hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt và hỗ trợ người dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để phát triển kinh tế hộ gia đình…

Quá trình làm việc tại vùng cao biên giới, đội trí thức trẻ gặp nhiều khó khăn như địa hình rừng núi hiểm trở, điều kiện kinh tế-xã hội kém phát triển, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, một số hủ tục lạc hậu vẫn tồn tại. Tuy nhiên, lực lượng trí thức trẻ luôn kiên trì, sáng tạo, xung kích hỗ trợ chính quyền và người dân địa phương.

Dấu ấn trí thức trẻ tình nguyện vùng cao
 Cán bộ, nhân viên và các trí thức trẻ tình nguyện Nông-Lâm trường 196 trò chuyện với người dân trên địa bàn.

Là một trí thức trẻ tình nguyện thuộc Đội 5, Nông-Lâm trường 196, anh Nguyễn Hữu Khang, sinh năm 2000, ở xã Đồng Tâm, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn đã tốt nghiệp Trường Đại học Xây dựng. Sau khi nộp đơn dự tuyển tham gia lực lượng trí thức trẻ tình nguyện, anh Khang được phân về Nông-Lâm trường 196 công tác.

Những ngày đầu nhận công tác, anh Khang gặp khá nhiều khó khăn, bỡ ngỡ. Do địa hình đường đèo, dốc quanh co, anh phải đi bộ mười mấy cây số để kiểm tra đường ống nước. Vào mùa mưa bão, đường núi trở nên trơn trượt hay những đợt không khí lạnh khiến nhiệt độ vùng cao xuống thấp, trời rét buốt. Ở một số khu vực không có sóng điện thoại khiến cho việc liên lạc với chỉ huy để báo cáo tình hình hay gọi điện cho người thân cũng là một thách thức lớn đối với lực lượng trí thức trẻ.

Dấu ấn trí thức trẻ tình nguyện vùng cao
 Anh Nguyễn Hữu Khang, trí thức trẻ tình nguyện ở Đội 5, Nông-Lâm trường 196.

Theo anh Khang, do phần lớn người dân ở đây là đồng bào dân tộc thiểu số nên quá trình giao tiếp gặp nhiều hạn chế. Bởi muốn tuyên truyền cho bà con thì phải biết tiếng nói, am hiểu phong tục tập quán của địa phương. Tuy nhiên, anh và các đội viên trí thức trẻ vẫn kiên trì đến từng hộ gia đình, tỉ mỉ hướng dẫn bà con cách chăm sóc cây trồng, vật nuôi và giúp dân phát triển sản xuất, biết trồng cây gì cho năng suất, biết chọn giống cây nào cho phù hợp.

Cũng như anh Khang, chị Chu Thị Tới, sinh năm 1998, quê ở xã Thiện Long, huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn cũng tình nguyện tham gia lực lượng trí thức trẻ xây dựng kinh tế-xã hội ở vùng cao sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Y Dược Thái Bình để phục vụ bà con. Chị cùng tổ quân y thường xuyên khám, chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí và tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh, giúp bà con nâng cao sức khỏe.

Dấu ấn trí thức trẻ tình nguyện vùng cao
 Chị Chu Thị Tới, trí thức trẻ tình nguyện của Nông-Lâm trường 196 cùng với cán bộ quân y khám chữa bệnh cho người dân.

Nói về lực lượng trí thức trẻ, Thượng tá Phạm Quốc Tuấn cho biết: "Đội viên trí thức trẻ tình nguyện là những hạt nhân phong trào tại cơ sở, từ việc gây dựng, củng cố các tổ chức đoàn thể cho tới hướng dẫn người dân phát triển sản xuất, tham gia bảo vệ an ninh trật tự vùng biên giới. Dù trải qua nhiều khó khăn, vất vả nhưng những người như anh Khang, chị Tới và đại bộ phận lực lượng trí thức trẻ tình nguyện vẫn luôn sáng tạo, chủ động trong công việc, tỉ mỉ hướng dẫn để bà con dễ hiểu, dễ nhớ và làm theo. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, nơi nào đồng bào cần là các tri thức trẻ có mặt".

Theo Thượng tá Phạm Quốc Tuấn, trong 2 năm qua, nhờ sự hỗ trợ của đội ngũ trí thức trẻ, Nông-Lâm trường 196 đã giúp cho gần 60 hộ gia đình thoát nghèo, hàng trăm con giống đã được trao đến tay bà con, nhiều người dân đã có thêm kiến thức về chăn nuôi, trồng trọt và được khám, chữa bệnh miễn phí. Các hoạt động văn hóa, thể thao cũng được tổ chức giúp nâng cao đời sống tinh thần cho thanh, thiếu niên và người dân địa phương, tạo không khí sôi nổi, gắn kết tình cảm giữa cán bộ, đội viên nông-lâm trường với bà con, xây dựng niềm tin và tình yêu đối với quê hương, đất nước.


Theo qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/dau-an-tri-thuc-tre-tinh-nguyen-vung-cao-798353

  • Từ khóa