Ông cha ta đánh giặc: Sáng tạo của bộ đội công binh trên chiến trường Lào

Chủ nhật, 03.11.2024 | 09:00:42
135 lượt xem

Tháng 4-1969, Trung đội 3, Đại đội 3, Tiểu đoàn Công binh 25 (Quân khu Tây Bắc) đang làm nhiệm vụ mở đường cơ giới từ sân bay Huội Mạ đi Pa Thí (tỉnh Sầm Nưa, Lào) thì được lệnh “lật cánh” xuống Xiengkhuang.

Ở mặt trận Cánh đồng Chum (Xiengkhuang), với ưu thế về binh, hỏa lực cùng thủ đoạn tinh vi, tàn bạo (nhất là chúng cho không quân đánh phá các trục đường giao thông ra vào Cánh đồng Chum, các cao điểm có giá trị khống chế; đổ bộ quân Thái Lan vào những vị trí nghi có đối phương và dùng quân đặc biệt của Vàng Pao luồn rừng, đánh vào bên sườn, phía sau của ta...), địch vừa gây ra sự tàn phá, hủy diệt khủng khiếp vừa tạo được thế cài răng lược, thực hiện bao vây, chặn bít, chia cắt lực lượng ta.

Trong hoàn cảnh đó, sau một thời gian kiên cường chiến đấu chặn địch, bảo vệ các vị trí, kho tàng, loại khoảng 2.000 tên địch, bạn Lào quyết định sơ tán toàn bộ cơ quan, LLVT ra phía Bản Ban, đưa nhân dân Xiengkhuang sang Việt Nam tạm cư dọc Đường 7, từ Mường Xén (Kỳ Sơn, Nghệ An) về Con Cuông (Nghệ An). Các đơn vị còn lại tổ chức gọn nhẹ, phối hợp với Quân tình nguyện Việt Nam chặn đánh, tiêu hao địch, bảo vệ lực lượng rút ra ngoài an toàn. Xuất phát từ yêu cầu thực tế chiến trường, Trung đội 3 được chuyển sang làm nhiệm vụ đưa, dẫn dân, chuyên gia dân sự và khiêng thương binh từ Đội điều trị 952 về phía sau theo đường bộ.

Ông cha ta đánh giặc: Sáng tạo của bộ đội công binh trên chiến trường Lào
Ảnh minh họa: TTXVN

Trong nhiệm vụ bảo đảm cho lực lượng ta về phía sau, khiêng thương binh là công việc cực kỳ vất vả và khó khăn. Thường ngày, chúng tôi xuất phát từ 14 giờ 30 phút, tới điểm vượt Đường 7 để vào địa điểm của Đội điều trị 952 mất khoảng 3 giờ. Lúc qua đường phải tổ chức cảnh giới cẩn thận vì bên kia đường là vùng địch chiếm, chúng chốt trên các điểm cao hai bên con đường mòn dẫn vào Đội điều trị, cho thám báo sục sạo ra xung quanh. 4 người một cáng, hai khiêng, hai phụ đẩy kéo lên, xuống dốc. Dù hết sức cố gắng nhưng chúng tôi cũng không tránh được trượt ngã, va đập.

Như một lẽ tự nhiên, việc gì cứ chuyên tâm ắt có sáng kiến. Chúng tôi làm một cây gậy chống thông thường, có thêm cái chạc chữ Y trên đầu, đơn giản thế nhưng rất lợi hại. Trước đây, mỗi lần đổi vai, phải nghiến răng nâng đòn khiêng qua đầu, nay chỉ cần đặt đòn khiêng lên chạc, đưa đầu qua nhẹ nhàng. Lúc nghỉ tạm, hai gậy, đòn khiêng, thân cây, vách đá bất kỳ bên đường tạo thành 3 điểm vững chắc để treo cáng, không cần hạ xuống đất như trước. Khi đi tiếp, chỉ cần ghé vai nâng lên là đi được ngay.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ đưa, dẫn nhân dân, cán bộ, thương binh về phía sau, chúng tôi đảm nhiệm việc tu sửa, bảo vệ đường cơ động để chuẩn bị mở các chiến dịch. Trên chiến trường Cánh đồng Chum, nơi địch tập trung cao độ về sức mạnh hỏa lực cả trên không và trên bộ, công tác bảo đảm giao thông không chỉ cần sự dẻo dai, sức chịu đựng mà còn cần sự linh hoạt, sáng tạo, nắm vững quy luật hoạt động của địch và điều kiện tự nhiên để có những quyết định, điều chỉnh kịp thời, chính xác.

Theo đó, trên một cung đường khoảng 20km được giao, trung đội giao cho mỗi tiểu đội phụ trách một đoạn đường. Mỗi tiểu đội lại chia thành hai tổ, mỗi tổ chịu trách nhiệm một quãng đường chừng một giờ đi bộ theo cả hai hướng đi ra, đi vào. Ban đầu, con đường như sợi chỉ chạy song song với Đường 7 bên rìa cánh đồng Mường Khăm (Bản Ban), qua những rừng tre dưới chân dãy Phu Tatving. Không quân Mỹ phát hiện, nhanh chóng cho máy bay đánh phá. Chúng tôi “nhấc” con đường lên một đoạn, trên sườn Phu Tatving, chúng lại đánh bom. Chúng tôi lại “nhấc” lên một đoạn nữa...

Cuối cùng, con đường chạy qua gần đỉnh dãy núi, xuyên qua những khu rừng già nguyên sinh cổ thụ gần như quanh năm chìm trong sương mù... Và lũ giặc lái máy bay Mỹ nản chí, phải bỏ cuộc.


Theo qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/nghe-thuat-quan-su-vn/ong-cha-ta-danh-giac-sang-tao-cua-bo-doi-cong-binh-tren-chien-truong-lao-801417

  • Từ khóa