Thi đua càng phải thực chất hơn

Thứ 2, 02.12.2024 | 14:36:35
61 lượt xem

Có thể khẳng định, thi đua đã trở thành phong trào rộng khắp, tạo khí thế, quyết tâm, động lực lớn để cán bộ, chiến sĩ toàn quân vượt khó, hăng hái lập nhiều chiến công, thành tích trong thực hiện nhiệm vụ.

Tuy nhiên, có những nơi, việc chưa thực hiện tốt phong trào thi đua, chưa kịp thời động viên, khen thưởng, đãi ngộ, đề bạt, bổ nhiệm đối với cá nhân đạt thành tích cao đã phần nào làm ảnh hưởng đến chất lượng thi đua, chưa khuyến khích sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, người lao động thực hiện nhiệm vụ với nỗ lực, quyết tâm cao nhất. Đây cũng là một trong nhiều nguyên nhân của tình trạng “nhường” thi đua. Cùng với đó là tình trạng phát động thi đua rầm rộ, nội dung na ná nhau, ký kết hoành tráng nhưng thực chất thì “phát nhưng không động”, hình thức, nửa vời vẫn tồn tại ở không ít cơ quan, đơn vị, gây lãng phí tiền của, thời gian, dẫn đến phản tác dụng thi đua. Cá biệt có cơ quan, đơn vị xác định chỉ tiêu, nội dung thi đua rập khuôn, máy móc, không sát với nhiệm vụ và khả năng thực hiện... đã hạ thấp vị trí, vai trò công tác thi đua và khen thưởng; làm giảm động lực, ý chí phấn đấu của cán bộ, chiến sĩ.

Thi đua càng phải thực chất hơn
Cán bộ, nhân viên Trạm Chỉ huy chiến đấu, Lữ đoàn 682, Vùng 4 Hải quân tiến hành bảo dưỡng, sửa chữa xe. Ảnh: THANH VŨ 

Việc Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư số 95/2024/TT-BQP hướng dẫn thực hiện chế độ tiền thưởng đối với các đối tượng hưởng lương từ ngân sách nhà nước thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng cùng mức thưởng lớn đối với cá nhân đạt kết quả cao trong năm chắc chắn sẽ là cú hích lớn tạo động lực thi đua. Sự quan tâm thiết thực, mang nhiều ý nghĩa này cũng đặt ra yêu cầu và đòi hỏi nội dung, kết quả thi đua càng phải thực chất hơn nữa, cụ thể là hiệu quả có thể đo đếm được. Muốn thế, trước hết, cần triệt để khắc phục những bất cập, hạn chế như đã nêu ở trên.

Các phong trào thi đua phải luôn bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn đơn vị; chỉ tiêu thi đua phải cụ thể, có tính khả thi cao; mục tiêu thi đua phải có tính toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, xác định đột phá vào những khâu yếu, việc khó; hình thức và biện pháp thi đua phải đa dạng, phong phú, linh hoạt. Chú trọng thực hiện công tác kiểm tra, đôn đốc, sơ kết, tổng kết công tác thi đua, khen thưởng để kịp thời phát hiện, khắc phục những hạn chế, bất cập, chống bệnh thành tích, bệnh hình thức, kém hiệu quả. Công tác khen thưởng phải được tiến hành công tâm, minh bạch, đúng người, đúng việc, kịp thời, tránh chạy theo số lượng; kiên quyết chống các biểu hiện tiêu cực trong công tác khen thưởng. Đồng thời, trên từng cương vị, chức trách được giao, mỗi cá nhân cần xác định rõ mục tiêu phấn đấu, thi đua đúng đắn. Đừng nghĩ thi đua chỉ vì khen thưởng mà hãy coi đó là mục đích, lẽ sống hằng ngày.


Theo qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/thi-dua-cang-phai-thuc-chat-hon-805331

  • Từ khóa