Trong dòng chảy lịch sử của dân tộc, lớp lớp thế hệ cựu chiến binh (CCB) đã cống hiến không ngừng vì độc lập, tự do của Tổ quốc, khi trở về cuộc sống đời thường, phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ nhiều hội viên hội CCB trên cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) đã trở thành những hạt nhân tiêu biểu, là tấm gương sáng trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội và giáo dục thế hệ trẻ tại địa phương.
Cũng như bao thanh niên của huyện Đồng Văn, CCB Vàng Mí Chơ (sinh năm 1980), thôn Sà Phìn A, xã Sà Phìn lên đường nhập ngũ năm 2003 và đóng quân tại tỉnh Yên Bái. Sau 2 năm, anh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và trở về quê hương. Là người dân tộc Mông, sinh ra và lớn lên trong gia đình còn có hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn, khi trở về địa phương và lập gia đình anh luôn trăn trở làm thế nào để phát triển kinh tế, tạo thu nhập ổn định cho gia đình.
Trở về với cuộc sống đời thường các CCB của tỉnh Hà Giang luôn tích cực phát triển kinh tế. |
“Nhận thấy chăn nuôi bò vỗ béo phù hợp điều kiện thổ nhưỡng của địa phương và được họ hàng hỗ trợ cho vay vốn, tôi đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi bò vỗ béo. Với kinh nghiệm tích lũy được, đàn bò của gia đình phát triển, sinh trưởng tốt; qua đó mỗi năm gia đình cũng thu nhập được khoảng 100 triệu đồng”, CCB Vàng Mí Chơ chia sẻ.
Không chỉ đầu tư chăn nuôi bò vỗ béo, gia đình CCB Vàng Mí Chơ còn nuôi thêm gà đen bản địa để bán ra thị trường, phục vụ các nhà hàng, quán ăn trong huyện. Nhờ đó, giờ đây gia đình anh đã thoát nghèo, trở thành hộ có nguồn thu nhập khá ngay tại quê hương. Được biết, ngoài phát triển kinh tế cho gia đình, thời gian còn lại anh tích cực tham gia các hoạt động của thôn, xã phát động.
Còn đối với CCB Giàng Mí Chỏ (sinh năm 1971), thôn Thài Phìn Tủng, xã Thài Phìn Tủng lại lựa chọn mô hình nuôi ong bạc hà lấy mật để làm hướng đi phát triển kinh tế cho gia đình mình. Ban đầu CCB Chỏ chỉ nuôi hơn chục đàn ong để lấy mật phục vụ cho gia đình, tuy nhiên, nhận thấy thị trường mật ong bạc hà có giá trị cao, chất lượng, sản lượng mật trên vùng cao nguyên đá Đồng Văn khan hiếm và được nhiều du khách rất ưa chuộng vì có nhiều công dụng, anh đã mạnh dạn nhân rộng đàn ong. Hiện nay, gia đình ông có hơn 100 đàn ong lấy mật, sau khi trừ chi phí cho việc chăm sóc đàn ong gia đình thu về hơn 150 triệu đồng tiền lãi mỗi năm. Bên cạnh nuôi ong bạc hà lấy mật, hiện CCB Giàng Mí Chỏ còn nuôi thêm gà, lợn, dê và bò…, vừa để cung cấp thực phẩm phục vụ sinh hoạt hằng ngày và xuất ra thị trường để tiêu thụ.
CCB Giàng Mí Chỏ, thôn Thài Phìn Tủng, xã Thài Phìn Tủng, huyện Đồng Văn (Hà Giang) đang chăm sóc đàn bò của gia đình. |
Chia sẻ về kinh nghiệm làm kinh tế của bản thân, CCB Giàng Mí Chỏ chia sẻ: “Trên vùng cao mình còn nhiều khó khăn, chính vì vậy, để phát triển sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế, trước hết bản thân cần kiên trì, nỗ lực vượt qua khó khăn. Đồng thời, lựa chọn hướng chăn nuôi, cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng tại địa phương; tích cực tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm và mạnh dạn áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất”.
Sau khi rời quân ngũ trở về với cuộc sống đời thường, phần lớn hội viên CCB trên địa bàn huyện Đồng Văn đều có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Với phương châm “không ai hiểu nhau bằng người lính hiểu nhau”, những năm qua phong trào Hội CCB giúp nhau phát triển kinh tế, xây dựng nhà ở kiên cố đã được triển khai thực hiện có hiệu quả; từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều hội viên CCB có điều kiện vươn lên trong cuộc sống. Đơn cử như trường hợp CCB Lầu Mí Dình (sinh năm 1990), thôn Phà Nhìa Tủng, xã Hố Quáng Phìn, năm 2018 xuất ngũ trở về địa phương phải đối mặt với nhiều khó khăn từ kinh tế gia đình. Đặc biệt, gia đình anh sinh hoạt trong căn nhà truyền thống dân tộc Mông đã xuống cấp trầm trọng. Bằng sự nỗ lực của bản thân và sự chung tay giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền địa phương và các ban ngành, đoàn thể xã, đến nay anh Dình đã xây dựng được căn nhà mới khang trang, kiên cố.
Các CCB huyện Đồng Văn (Hà Giang) tham gia giúp gia đình CCB Lầu Mí Dình, thôn Phà Nhìa Tủng, xã Hố Quáng Phìn vận chuyển vật liệu xây dựng ngôi nhà mới. |
“Thấu hiểu sự khó khăn của gia đình anh Dình, trong ngày dựng nhà mới, những đồng đội là CCB các xã, thị trấn và lãnh đạo, cán bộ xã, Hội CCB xã đã trực tiếp hỗ trợ gia đình dựng nhà, vận chuyển vật liệu. Chúng tôi mỗi người một việc, không ai bảo ai chỉ với mong muốn căn nhà mới sẽ sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng, từ đó gia đình anh Dình có thể yên tâm tập trung phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo”, ông Thào Mí Lùng, Bí thư Đảng ủy xã Hố Quáng Phìn cho biết.
Theo ông Hoàng Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội CCB huyện Đồng Văn, hiện nay, Hội CCB huyện có 20 cơ sở Hội trực thuộc với 1.180 hội viên. Trong giai đoạn 2019-2024, Hội CCB huyện đã hỗ trợ trực tiếp bằng ngày công lao động, kinh phí để xây nhà cho các CCB có hoàn cảnh khó khăn; vận động hỗ trợ xây 1 ngôi nhà cho 1 hội viên CCB với tổng trị giá 50 triệu đồng; hỗ trợ hơn 1.000 ngày công, xóa nhà tạm, sửa nhà cho 21 hội viên nghèo, hội viên có hoàn cảnh khó khăn; phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện thực hiện tốt công tác vay ủy thác cho 2.130 hộ với số tiền hơn 97 tỷ đồng...
Những việc làm cụ thể, ý nghĩa của Hội CCB huyện Đồng Văn (Hà Giang) đã góp phần xây dựng quê hương, đất nước thêm giàu đẹp, văn minh. |
Trở về địa phương bắt đầu với cuộc sống thường ngày, những CCB không chỉ sẵn sàng cầm dao, cầm cuốc để giúp đỡ đồng đội, giúp đỡ nhân dân xóa đói, giảm nghèo thậm chí là làm giàu ngay trên quê hương. Với vai trò là những “nhân chứng sống” từng trải qua các cuộc chiến tranh, chiến đấu hết mình vì độc lập, tự do cho quê hương, đất nước; giờ đây, trong thời bình, những người lính lại đặt cho mình nhiệm vụ mới là tiếp lửa, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Những việc làm rất đỗi đời thường của các CCB nơi miền cao nguyên đá xám Hà Giang đã góp phần tô thắm hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong thời bình.
Theo qdnd.vn