Đất đai nhỏ lẻ là nút thắt lớn nhất cản dòng đầu tư vào nông nghiệp

Thứ 4, 08.08.2018 | 08:00:00
699 lượt xem

Đất đai manh mún, lực lượng sản xuất thiếu chuyên nghiệp, thiếu chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp… đó là những rào cản đầu tư vào nông nghiệp.

Đất đai manh mún, lực lượng sản xuất thiếu chuyên nghiệp, thiếu chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp… đó là những rào cản đầu tư vào nông nghiệp.


Tại Hội nghị thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp vừa diễn ra cuối tháng 7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc “đặt hàng” ngành nông nghiệp trong 10 năm nữa phải ở top 15 quốc gia phát triển nhất, riêng lĩnh vực chế biến nông sản phải vào top 10. Để đạt được mục tiêu này, bên cạnh những nỗ lực nội tại của ngành nông nghiệp còn cần đến những chính sách hỗ trợ gỡ nhiều “nút thắt” đang là lực cản trong thu hút đầu tư vào nông nghiệp.

Ruộng nhỏ lẻ cản trở sản xuất lớn

Nước ta có gần 14 triệu hộ nông dân đang sở hữu 78 triệu mảng ruộng nhỏ lẻ, đây là khó khăn cho sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, chất lượng cao và là cản trở khi doanh nghiệp muốn đầu tư vào nông nghiệp.
 

Thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện có 27,2 triệu ha đất nông nghiệp, chiếm 82,3% tổng diện tích đất tự nhiên cả nước. Hộ gia đình cá thể đang quản lý sử dụng 15 triệu ha đất nông nghiệp, chiếm 55% đất nông nghiệp của cả nước, tổ chức kinh tế đang sử dụng 2,7 triệu ha đất nông nghiệp, chiếm 10% đất nông nghiệp của cả nước.
 

 

dat dai nho le la nut that lon nhat can dong dau tu vao nong nghiep hinh 1
78 triệu mảnh ruộng nhỏ lẻ, cản trở nền sản xuất nông nghiệp.


Mô hình kinh tế hộ gia đình với việc quản lý sử dụng đất manh mún, nhỏ lẻ khó phù hợp với điều kiện phát triển nền nông nghiệp quy mô lớn và chất lượng cao. Nếu không tháo gỡ được rào cản về đất đai, không có một quy mô tập trung nhất định thì không thể tổ chức sản xuất một cách hiệu quả theo chuỗi giá trị. Tái cơ cấu nông nghiệp đầu tiên là phải hướng đến tích tụ ruộng đất.
 

Ông Nguyễn Văn Cường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và ứng dụng nông nghiệp hữu cơ cho biết, với một số lĩnh vực dịch vụ thì chỉ cần thuê đất 1-2 năm là hoàn vốn nhưng với nông nghiệp phải là 5-10 năm và lâu hơn nữa mới có thể tổ chức sản xuất và thu hồi vốn đầu tư. Đây là khó khăn trong sản xuất nông nghiệp mà cần có chiến lược cụ thể hoạch định lại toàn bộ đất đai với chiến lược dài hạn để hướng đến một nền nông nghiệp phát triển.
 

“Nhiều doanh nghiệp phải đi thuê từng thửa ruộng của nông dân gom lại, có những khu vực doanh nghiệp đã thuê được cả ha ruộng nhưng kẹt ở giữa là một khu ruộng mà người chủ dứt khoát không cho thuê. Máy móc chạy trên một cánh đồng lớn nếu chạy một vệt rất nhanh, nhưng với thửa ruộng nhỏ lẻ thì sẽ giảm nhiều hiệu quả và năng suất lao động” – ông Cường nói.
 

“Nút thắt” đất đai là nút thắt đầu tiên nhưng cũng là quyết định trong việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.
 

Doanh nghiệp nhỏ, chế biến nông sản còn yếu

Bên cạnh câu chuyện về đất, hiện nay chế biến nông sản Việt Nam còn rất yếu. Theo Công ty CEL Consulting - Tư vấn quản lý chuỗi cung ứng và điều hành sản xuất tại các thị trường kinh tế mới nổi, tỷ lệ thất thoát thực phẩm sau thu hoạch ở Việt Nam (năm 2018) rất cao: rau quả là 32%, thịt là 14% và thủy sản là 12%. Điều này cũng phản ánh rõ năng lực chế biến nông sản hiện nay của nước ta.
 

 

dat dai nho le la nut that lon nhat can dong dau tu vao nong nghiep hinh 2
Chế biến nông sản của nước ta của nước ta còn yếu.


Ông Giáp Văn Triệu, Giám đốc Công ty TNHH Triệu Biển (huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang) cho rằng nếu có thể chế biến, bảo quản được thì nông sản Việt Nam giá trị còn cao hơn nhiều. Như vụ vải thiều năm nay tại Bắc Giang, giá vải lúc cao điểm đạt 40.000 đồng/kg, nhưng giá liên tục giảm khi vào vụ lúc người dân thu hoạch, có thời điểm còn rất thấp. Giá vải bình quân toàn vụ đạt 16.000đồng/kg.
 

“Lúc cao điểm thu hoạch vải thiều tại Lục Ngạn thì những vật liệu sơ chế để bảo quản vải thiều là thùng xốp và đá cây còn cháy hàng, giá tăng liên tục theo ngày. Đây chỉ là sơ chế đã thiếu vật tư, chế biến thì là một câu chuyện dài” – ông Triệu cho biết.
 

Tình trạng được mùa mất giá, khủng hoảng thừa trong nông nghiệp như nuôi heo ở Đồng Nai, Bình Dương, Hà Nam, trồng dưa chuột, dưa hấu ở Quảng Ngãi, trồng nghệ ở Tây Nguyên… vẫn cứ diễn ra. Nguyên nhân một phần do chế biến nông sản của nước ta còn thiếu, nông sản thì thu hoạch trong một thời điểm ồ ạt, không được chế biến, bảo quản để điều tiết nguồn cung.
 

Mới đây, Nghị định 57 của Chính phủ ngày 17/4/2018 có quy định điều kiện ưu đãi hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến nông sản. Tuy nhiên, vẫn còn những vấn đề bất cập khi quy định sấy nông sản phải có công suất 100 tấn sản phẩm/ngày thì mới được hỗ trợ. Mức năng suất này là quá cao, trong khi doanh nghiệp nông nghiệp hầu hết là vừa và nhỏ, rất ít doanh nghiệp đáp ứng được để hưởng sự hỗ trợ từ ngân sách./.

  • Từ khóa