Một trong tứ đại danh lâu của đất nước tỷ dân, Hoàng Hạc Lâu nằm ở Vũ Hán, Hồ Bắc.
Sau khi dỡ lệnh phong tỏa vào ngày 8/4, thành phố Vũ Hán, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì Covid-19 ở Trung Quốc, đang trên đà hồi phục. Theo thời gian, du khách quốc tế sẽ bắt đầu quay lại thành phố hấp dẫn nằm ở miền trung Trung Quốc này, để thưởng thức những món ăn xay "xé lưỡi" hay chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên, tìm hiểu lịch sử vùng đất này.
Dưới đây là 6 lý do du khách nên khám phá lại Vũ Hán một lần nữa, theo gợi ý của Ronan O’Connell, du khách đến từ Australia.
Ẩm thực cay "xé lưỡi"
Sống ở Thái Lan nhiều năm đã giúp tôi quen dần với đồ ăn cay. Do đó, tôi từng nghĩ rằng khi tới Vũ Hán, các món ăn cay ở đây sẽ không làm khó mình. Nhưng rồi tôi đã nhầm. Ẩm thực thành phố bị ảnh hưởng khá nhiều từ ẩm thực cay từ tỉnh Tứ Xuyên gần đó, nên nhiều món ăn đều nấu cùng ớt khô và hạt tiêu, tạo nên vị cay "xé lưỡi".
Lẩu khô Vũ Hán, một phiên bản của món lẩu nhưng không có nước dùng. Nguyên liệu chính của nó là thịt, hải sản, đậu phụ, rau củ và ớt khô. Ảnh: Pinterest.
Ngay cả những du khách Singapore yêu thích đồ cay cũng có thể bị sốc khi thưởng thức ẩm thực ở nơi này, đặc biệt nếu họ gọi món lẩu nước và lẩu khô (phiên bản của món lẩu nhưng không có nước dùng). Tôi đã thử cả hai loại này và thấy chúng rất ngon, nhưng đặc biệt cay. Món ăn gồm đậu phụ, nấm, thịt bò thái lát, chả cá cùng ớt và hạt tiêu.
"Ốc đảo" giữa đô thị
Tôi yêu thích sự nhiệt huyết ở các thành phố của Trung Quốc bao nhiêu, thì càng bị mê hoặc bởi các công viên thanh bình của nó bấy nhiêu. Đây là nơi bạn có thể ẩn náu để thoát khỏi sự nhộn nhịp, hối hả không ngừng của cuộc sống ngoài kia. Tại thành phố hơn 8 triệu dân này, bạn có thể ghé thăm công viên Trung Sơn.
Các công viên đô thị ở đây cây cối luôn tươi tốt và được thiết kế, bài trí tỉ mỉ với lối kiến trúc truyền thống của Trung Quốc. Cá nhân tôi thấy những khu vực công cộng này rất đẹp, thư giãn... Tôi từng đi bộ dưới bóng râm của những tòa nhà chọc trời trên đại lộ Jiefang, con phố bận rộn nhất của Vũ Hán, khi cần được nghỉ ngơi đôi chút. Công viên Trung Sơn ở ngay đó, với diện tích rộng lớn. Điều này giúp bạn dễ dàng tìm kiếm một chỗ nghỉ ngơi ở một chỗ kín đáo. Tôi cũng từng ngồi trên một chiếc ghế dài dưới bóng râm của cây thủy sam, loài cây biểu tượng của Vũ Hán. Tôi cũng từng ngồi nhìn nhiều cặp đôi tạo dáng chụp ảnh trên cây cầu đá hình bán nguyệt bắc qua kênh đào xuyên Trung Sơn.
Hoàng Hạc lâu
Trong thành phố với hàng trăm tòa nhà chọc trời, bạn vẫn có thể tìm thấy không gian cổ kính, tịch mịch, gợi nhớ lại một Trung Quốc truyền thống, cổ xưa. Đó chính là Hoàng Hạc lâu, một trong tứ đại danh lâu nổi tiếng của Trung Quốc, với niên đại hơn 1.800 năm. Lầu Hoàng hạc nằm ở phía đông của sông Dương Tử, trên vực đá Hoàng Hạc của núi Xà Sơn và là biểu tượng nổi tiếng của thành phố.
Khi xe bắt đầu băng qua cầu trên sông, du khách có thể nhìn thấy đỉnh của tòa tháp 5 tầng tráng lệ, cao 51 m này. 3 ngọn tháp ngắm cảnh nổi tiếng còn lại là Nhạc Dương lầu ở Nhạ Dương, Đằng Vương các ở Nam Xương, Bồng Lai các ở Bồng Lai.
Cầu bắc qua sông Dương Tử
Khi rời Hoàng Hạc lâu, tôi quyết định quay lại đi bộ qua cầu sông Dương Tử Vũ Hán, tới trung tâm thành phố. Đó là cơ hội để tôi có thể tới gần và chiêm ngưỡng một trong những cây cầu nổi tiếng nhất đất nước này. Cầu bắc qua con sông dài nhất châu Á với 6.300 km. Cầu có hai tầng, tầng dưới bao gồm một tuyến đường sắt còn tầng trên với làn đường cao tốc, lối đi dành cho người đi bộ. Đứng trên cầu, bạn có thể phóng tầm mắt để nhìn cảnh sông nước trước mặt, cũng như thành phố Vũ Hán.
Được hoàn thành vào năm 1957, cầu sông Dương Tử Vũ Hán, được biết đến là cây cầu lớn đầu tiên được xây dựng bắc qua con sông này. Ảnh: Ronan O’Connell/Straitstimes.
Bảo tàng Hồ Bắc
Với những du khách đam mê lịch sử, Bảo tàng Hồ Bắc là một nơi hoàn hảo. Bảo tàng được xây dựng trên diện tích rộng 9.000 m2, là nơi trưng bày hơn 200.000 hiện vật. Nó được coi là một trong những bảo tàng quan trọng nhất của đất nước tỷ dân.
Tại đây, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những sản phẩm quý hiếm được làm từ ngọc, đồng, gốm, sứ... Đó là các đồ vật được khai quật từ các địa điểm khảo cổ trong tỉnh Hồ Bắc. Một số cổ vật có tuổi đời hơn 2.000 năm.
Đông Hồ
Khi đi lang thang trên những con đường ven Đông Hồ, tôi bắt gặp từng tốp, từng tốp người dân địa phương di chuyển. Họ đang quay lại nhịp sống thường ngày sau thời gian phong tỏa. Một số người vừa đi vừa lắc lư theo điệu nhạc truyền thống, một số người nhảy múa với các bản nhạc hiện đại. Một số ngồi chơi cờ, đá bóng, hoặc đơn giản chỉ là ngồi ngắm cảnh hồ.
Đông Hồ rộng lớn, có diện tích mặt nước 88 km vuông, được coi là hồ lớn nhất trong thành phố ở Trung Quốc. Điều khiến nơi đây hấp dẫn hơn là việc nó được bao quanh bởi những khu vườn, công viên, những con đường trải dài hay những cây cầu bắc ngang, cùng nhiều đền, chùa... Các khu vực tham quan quanh hồ đều rất đẹp. Tôi đã dành 3 giờ đồng hồ chỉ để lang thang ở nơi này. Trong suốt thời gian đó, tôi đã khám phá mọi thứ với sự say mê, hào hứng.
Anh Minh/vnexpress.net
https://vnexpress.net/6-ly-do-de-quay-lai-vu-han-4105253.html