Nhiều du khách nước ngoài đến Việt Nam bất ngờ và tiếc nuối khi phải rời khỏi quán trước 24h hoặc trước 2h sáng trong 3 tối cuối tuần.
Quy định này được áp dụng từ tháng 9/2016 đến nay. Sau khi rời khỏi quán, người nước ngoài vẫn ra đường tụ tập, nói chuyện, vui chơi đến khi họ muốn về nghỉ. Du khách cho biết tour du lịch đưa họ đến các tỉnh và trở về Hà Nội khi đã tối muộn. Họ muốn đi mua sắm, sử dụng các dịch vụ tại quán bar, pub rất khó vì gần giờ đóng cửa.
Theo bà Trần Thị Nga, Chủ tịch UBND phường Hàng Buồm, sản phẩm du lịch từ 18 - 3h sáng mang lại doanh thu 70% dịch vụ, cần được phát triển để kích cầu du lịch. Tại tham luận ngày 29/5 về đề án thí điểm phát triển kinh tế đêm, trong chương trình hành động phục hồi, thúc đẩy du lịch quận Hoàn Kiếm, bà cho rằng, nếu thiếu các sản phẩm du lịch ban đêm sẽ khó giữ chân được du khách, đặc biệt khách quốc tế. Như vậy sẽ không thêm được nguồn thu cho người địa phương và đóng góp cho ngân sách của nhà nước.
Việt Nam nói chung và thủ đô Hà Nội nói riêng đang tập trung phát triển các sản phẩm du lịch trong thời gian từ 7 - 17h, chỉ mang lại 30% doanh thu dịch vụ. Trong đó các sản phẩm mang lại nhiều nguồn thu nhất, diễn ra từ 18 - 3h sáng chưa được phát triển. Hoạt động kinh tế đã và đang diễn ra trên địa bàn quận nhưng chưa phát huy được hiệu quả như mong đợi.
Bà Nga đề xuất nên đa dạng hóa các ngành nghề kinh tế ban đêm như phố đêm, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, câu lạc bộ, hộp đêm, các buổi biểu diễn đêm nhạc sống, văn hóa nghệ thuật, hình thức giải trí văn hóa về đêm. Các chợ đêm cần chuẩn hóa mặt hàng, thay vì hàng Trung Quốc bán tràn lan, nên thay bằng sản phẩm mang tính chất vùng miền, dân tộc để giới thiệu, phát huy văn hóa. "Đồng thời cần nâng cao chất lượng phục vụ, văn minh thương mại. Không nên giới hạn thời gian hoạt động về đêm và tổ chức tất cả các ngày trong tuần. Không nên thấy khó khăn trong quản lý thì cấm đoán hoặc giới hạn", bà nhấn mạnh.
Quận Hoàn Kiếm nói chung và phường Hàng Buồm nói riêng có tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội thuận lợi để phát triển kinh tế ban đêm. Đặc biệt, trên địa bàn phường có nhiều cơ sở văn hóa, di tích lịch sử, trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ, nhiều điểm vui chơi giải trí, hộ kinh doanh buôn bán ẩm thực, dịch vụ lưu trú.
Tạ Hiện, Lương Ngọc Quyến là một trong những điểm vui chơi, giải trí về đêm lớn nhất trong thành phố. Ảnh: Lamle.
Sau khi thành phố cho phép mở rộng không gian đi bộ tại hồ Hoàn Kiếm và phụ cận vào tháng 9/2016, ngân sách thu gần 17,4 tỉ đồng, tăng gần gấp đôi so với khi chưa tổ chức 6 tuyến phố đi bộ vào 3 tối cuối tuần trên địa bàn phường.
Đề án thí điểm phát triển kinh tế ban đêm là một trong những hoạt động kích cầu du lịch trên địa bàn quận Hoàn Kiếm. Ông Dương Đức Tuấn, Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm cho biết, cần nghiên cứu, xây dựng và triển khai đề án theo hướng nâng cao hoạt động đã thực hiện. Trong đó gồm không gian đi bộ, không gian chợ đêm. Ngoài ra mở rộng phát triển kinh tế đêm tới các không gian văn hóa, nghệ thuật, sinh hoạt cộng đồng mới trên địa bàn. Hoạt động kinh tế đêm được phân loại thành không gian xuyên đêm trong nhà và không gian ngoài nhà, công cộng, thay vì khái niệm 0h, 2h, 4h như trước kia.
Chủ tịch Câu lạc bộ Du lịch thủ đô, ông Nguyễn Hồng Đài (APT Travel) cho biết, quận Hoàn Kiếm có nhiều thế mạnh phát triển kinh tế đêm như không gian đi bộ, không gian phố cổ, cơ sở hạ tầng và an ninh trật tự. Du khách trong và ngoài nước du lịch Hà Nội, không chỉ lưu trú mà trải nghiệm giá trị văn hóa, đặc biệt là ẩm thực, nét nên thơ của phố phường ở quận Hoàn Kiếm. Kinh tế đêm là giải pháp "cứu cánh" cho các doanh nghiệp, giúp mang lại lợi nhuận, doanh thu khi hoạt động kinh doanh ban ngày còn nhiều khó khăn.
Lan Hương/vnexpress.net