Miễn visa cho công dân các nước an toàn trong Covid-19?

Thứ 2, 01.06.2020 | 07:24:59
556 lượt xem

Việt Nam cân nhắc miễn visa cho công dân các nước an toàn trong Covid-19, đây là vấn đề Hội đồng Tư vấn Du lịch đặt ra để đề xuất với Chính phủ.

VnExpress đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) về vấn đề miễn visa.

- Thưa ông, Việt Nam kiểm soát dịch bệnh tốt và gây được sự chú ý trên thế giới. Liệu du lịch Việt Nam có thể tận dụng thành công này để thực hiện một chiến lược marketing mới nhằm tiếp cận du khách quốc tế hiệu quả hơn sau Covid-19?

Đây là điều chắc chắn. Việc Việt Nam có thể khống chế được Covid-19 gây ngạc nhiên với nhiều nước trên thế giới, nhiều nhân vật nổi tiếng ca ngợi vấn đề này. Một bằng chứng gần đây nhất là từ khóa "du lịch Việt Nam" nằm trong top 3 tìm kiếm của khách Mỹ. Vậy suy ra, chỉ có nước nào an toàn dịch bệnh mới được tìm kiếm nhiều. Đồng thời, các doanh nhân cũng đang bắt đầu suy nghĩ về việc chuyển hướng đầu tư, đó cũng là tín hiệu đáng mừng của ngành du lịch.

Trong hoạt động marketing, quảng bá sắp tới, nước ta có thể tìm một khẩu hiệu như "Việt Nam - Điểm đến an toàn", bởi an toàn là điều làm khách du lịch cảm thấy yên tâm trong giai đoạn này. Tuy nhiên, để tìm ra được một slogan chuẩn cần có đội ngũ chuyên gia.

Việc quảng bá du lịch Việt Nam trong thời gian tới không nên chỉ chú trọng vào yếu tố an toàn, mà còn phải quảng bá rằng, du lịch Việt Nam đặc sắc, điều gì cũng có, không thua kém các nước. Khi cân nhắc kết hợp nhiều yếu tố như vậy, chúng ta mới có thể đưa ra một thương hiệu du lịch mới cho Việt Nam, ví dụ như thay đổi slogan Vietnam - Timeless Charm (Việt Nam - Vẻ đẹp tiềm ẩn). Trước đây Việt Nam nổi tiếng an toàn về an ninh, không có khủng bố, không có xung đột vũ trang nên khách du lịch rất thích. Bây giờ thêm yếu tố an toàn giữa dịch bệnh là điều Việt Nam nên khai thác.

Ông Hoàng Nhân Chính trong buổi báo cáo về kết quả khảo sát du khách nội địa hậu Covid-19 ngày 28/5. Ảnh: Ngân Dương. 

Ông Hoàng Nhân Chính trong buổi báo cáo về kết quả khảo sát du khách nội địa hậu Covid-19 ngày 28/5. Ảnh: Ngân Dương. 

- Chiến lược đó nên được xây dựng và thực hiện như thế nào, thời điểm nào là phù hợp, thưa ông?

Để xây dựng được một chiến lược về marketing, đầu tiên Bộ VHTTDL và Tổng cục Du lịch (TCDL) phải xây dựng được chiến lược phát triển du lịch cho Việt Nam. Covid-19 đã làm thay đổi mọi thứ, trước đây Việt Nam có thể tính tới những thị trường trọng điểm nhưng giờ cơ cấu thị trường đã thay đổi, sản phẩm du lịch, nhu cầu, hành vi của khách hàng cũng thay đổi, khiến cho cách giao dịch cũng thay đổi... Vì vậy, chiến lược du lịch Việt Nam cần thay đổi để phù hợp. Từ chiến lược phát triển ngành mới có thể tiếp tục xây dựng được chiến lược quảng bá.

Một trong những vấn đề quan trọng nhất cần tập trung là e-marketing. Bởi hiện nay tiếp thị truyền thống sẽ không thể hiệu quả được nữa. Sau Covid-19, e-marketing mới tiếp xúc với khách hàng hiệu quả. 

Với chiến lược tiếp thị mới, có thể nghĩ đến khi nào xây dựng chiến lược, xây dựng lại thương hiệu cho ngành du lịch Việt Nam. Nhưng tất cả việc này cần phải có công ty chuyên nghiệp để đánh giá, đưa ra những nhận định lâu dài, nếu chỉ có một vài người thì không có tầm nhìn xa.

Thời gian triển khai sẽ phụ thuộc nhiều yếu tố. Covid-19 đang làm thay đổi thế giới và thị trường còn chưa định hình. Thời điểm tốt nhất là làm trong năm nay, nhưng chúng ta vẫn phải tính lại sao cho phù hợp.

Theo khảo sát, sau giãn cách xã hội, nhu cầu du lịch biển của người Việt tăng cao (67%), tiếp theo là du lịch thiên nhiên với các khu nghỉ dưỡng trên núi và khu du lịch sinh thái. Ảnh:Igor Plotnikove/Shutterstock.

Việt Nam có lợi thế cảnh quang thiên nhiên được du khách công nhận. Vịnh Hạ Long luôn nằm trong nhóm những điểm đến đẹp của thế giới. Ảnh:Igor Plotnikove/Shutterstock.

- Theo nhìn nhận của ông, những thị trường khách quốc tế nào Việt Nam nên tập trung quảng bá trong giai đoạn sau Covid-19?

Việt Nam nên tập trung vào thị trường an toàn. Tiêu chí an toàn là một trong những tiêu chí rất quan trọng. Ví dụ hiện nay nếu chọn quảng bá xúc tiến du lịch ở những nước như Mỹ, Tây Ban Nha, Italy không phù hợp.

Nếu có mở cửa, Việt Nam chỉ mở với những nước đã an toàn về dịch bệnh. Tất nhiên các nước đó phải vừa an toàn trong Covid-19 và phải vừa có nhu cầu về du lịch, chứ có những đảo quốc an toàn trong dịch bệnh nhưng lại ít dân và chẳng mấy khi đến Việt Nam thì không cần marketing.

Việc chúng ta có thể mở cửa được với nước nào cũng phải được tính toán. Nguyên tắc trong du lịch: để quảng bá, xúc tiến du lịch đến một khách quốc tế, thông thường phải mất 6 tháng khách mới có thể hiểu, có cảm hứng với Việt Nam. Quá trình này cần thực hiện dài ngày, cung cấp nhiều hình ảnh, video, triển khai chiến dịch truyền thông bài bản... để thuyết phục khách. Tiếp tục mất khoảng 3 tháng sau khách mới đặt tour. Như vậy để thu hút được một khách quốc tế, chúng ta phải mất ít nhất 9 tháng.

Hiện nay chúng ta không đánh giá được khách nước nào sẽ đến. Vì vậy, cách quảng bá, xúc tiến hiện vẫn là "hâm nóng tình yêu Việt Nam" của tất cả du khách quốc tế với Việt Nam qua Internet. Nhưng để làm những chuyến đi như roadshow, hội chợ, famtrip, chúng ta phải đợi đến thời điểm nước đó an toàn. Vì vậy, quảng bá online thì lúc nào cũng phải làm, không đợi hết dịch, còn offline phải đợi khi tình hình nước đó có dấu hiệu có thể mở cửa.

- Ông đánh giá như thế nào về việc Việt Nam cấp visa điện tử cho công dân 80 nước kể từ 1/7? Việt Nam cần có chính sách nào tiếp theo để việc cấp visa kia trở thành một tiền đề quan trọng trong thu hút hiệu quả khách quốc tế ở giai đoạn sau Covid-19?

Theo tôi hiểu, đây là quyết định của Chính phủ đưa ra từ chương trình thí điểm trước do quốc hội đề cử. Khi đó chúng ta chưa có luật xuất nhập cảnh, chưa có một câu chữ nào về visa điện tử. Cho nên Chính phủ có xin phép quốc hội cho phép thử nghiệm chương trình thí điểm áp dụng visa điện tử. Nhưng sau khi có luật xuất nhập cảnh mới thì đã có một chương về visa điện tử. Vì thế Chính phủ đã ra nghị quyết mới để đáp ứng theo đúng luật định đó. Đây chỉ là hợp thức hóa chính sách thị thực điện tử.

Còn khi công dân các nước muốn xin visa vào Việt Nam vẫn có thể bị Chính phủ Việt Nam từ chối, nhất là hiện nay khi chúng ta chưa chấp nhận visa cho bất kỳ nước nào. Cho nên quy định "từ 1/7 áp dụng chính sách visa điện tử" chỉ là hợp thức hóa chính sách, không có nghĩa ai muốn xin visa cũng vào được Việt Nam.

Để thu hút được một khách quốc tế đến Việt Nam, phải mất trung bình 9 tháng.Trong hình, khách tây tham gia cuộc thi chạy đường mòn Vietnam Trail Marathon vào tháng 1/2020 tại Mộc Châu. Ảnh: Kiều Dương.

Để thu hút được một khách quốc tế đến Việt Nam, phải mất trung bình 9 tháng. Trong hình, khách tây tham gia cuộc thi chạy đường mòn Vietnam Trail Marathon vào tháng 1/2020 tại Mộc Châu. Ảnh: Kiều Dương.

Về các chính sách tiếp theo để thu hút du khách, trong cuộc họp tuần trước có nhiều đại biểu nói về vấn đề hậu Covid-19 cũng là cơ hội mở cửa đón khách quốc tế. Bởi hiện nay, Việt Nam đang là điểm sáng trong việc khống chế được dịch bệnh. Số nước được gọi là điểm sáng như Việt Nam không nhiều, chỉ có  5 - 7 nước. Có nhiều tiêu chí như số ngày không có ca bệnh mới lây nhiễm trong cộng đồng, số ca lây nhiễm tính trên triệu người dân...

Nếu tranh thủ được thời gian ta mở cửa được sớm, Việt Nam có thể thu hút được khách so với các nước lân cận, ví dụ như Thái Lan. Một số nước láng giềng không thể mở cửa cạnh tranh ở thời điểm hiện tại như Singapore, Indonesia...

Việt Nam cũng tính đến chuyện mở cửa nhưng quan trọng là mở cửa như thế nào. Trước khi mở cửa, nước ta cần có chính sách visa tốt hơn so với trước, ít nhất là những nước đã được miễn visa trước đây thì tiếp tục áp dụng, còn nếu có thể gia tăng thêm số nước được miễn. Thực tế thị trường khách du lịch sau Covid-19 có nhiều thay đổi, nên chúng ta phải tính toán lại chứ không thể dựa trên cảm tính.

Chẳng hạn, hiện nay những nước như New Zealand, Australia đang có khả năng an toàn trong đại dịch, và khách chi tiêu cao. Trước đây họ đến Indonesia, Singapore, Thái Lan nhiều, bây giờ Việt Nam mở cửa được sẽ thu hút nguồn khách này rất tốt. Nhưng ta chưa miễn visa cho công dân New Zealand, Australia. Nên chăng, Việt Nam cân nhắc miễn thị thực cho công dân các nước an toàn dịch bệnh như trên, đây là vấn đề phía TAB đang đặt ra để đề xuất với Chính phủ.

- Nhiều quốc gia trên thế giới tính toán đến việc tái cơ cấu thị trường khách quốc tế, có chọn lọc hơn, không đại trà. Việt Nam có cần tính toán đến vấn đề này không, thưa ông, để không phải quá phụ thuộc vào một nguồn khách nào đó, Trung Quốc chẳng hạn?

Vấn đề này, kể cả trước Covid-19 TAB đã đề xuất không nên phụ thuộc vào bất kỳ thị trường nào. Bởi thị trường chiếm quá 25% gọi là thị trường chi phối, và sẽ có nhiều rủi ro.

Tái cơ cấu thị trường là vấn đề đáng suy nghĩ. Cơ cấu thị trường có nhiều hướng. Thứ nhất, không để bất kì một thị trường nào là thị trường chi phối. Thứ hai, làm sao để tổng thu nhập từ du lịch tăng lên. Bởi nếu đã làm ngành kinh tế phải tính toán xem du lịch đóng bao nhiêu GDP cho đất nước. Chúng ta phải tìm cách làm sao để chi tiêu khách du lịch cao hơn để tăng thu nhập. Vậy nên tái cơ cấu thị trường sẽ cần được tính toán lại rất nhiều, Covid-19 cũng là thời cơ để chúng ta quyết liệt làm luôn.


Ngân Dương/vnexpress.net

https://vnexpress.net/mien-visa-cho-cong-dan-cac-nuoc-an-toan-trong-covid-19-4107419.html

  • Từ khóa