Khám phá Đà Lạt, Phú Điền với 600.000 đồng

Thứ 7, 13.06.2020 | 14:03:31
746 lượt xem

Trong chuyến đi 3 ngày 2 đêm bằng xe máy, nhóm của Hải Luân đã thăm đồi chè Cầu Đất và cắm trại ở núi Đại Bình.

Sau giãn cách xã hội, Nguyễn Hải Luân, đến từ TP HCM, cùng gia đình và nhóm bạn du lịch Đà Lạt, Bảo Lộc (Lâm Đồng) và Phú Điền (Đồng Nai) bằng xe máy. Chi phí chuyến du lịch 3 ngày 2 đêm là 600.000 đồng một người. 

Từ 5h sáng, nhóm 6 người của anh Luân có mặt tại điểm tập trung khởi hành đi Đà Lạt, theo QL20, với quãng đường 310 km. Di chuyển bằng xe máy, cả nhóm mất 10 tiếng tới nơi. Trên đường đi, họ dừng lại ăn sáng tại một quán ở Đồng Nai.

Vợ chồng anh Luân và chị Tuyết chụp ảnh cùng con gái bên đồi chè. Ảnh: NVCC.

Vợ chồng anh Luân và chị Tuyết chụp ảnh cùng con gái bên đồi chè. Ảnh: NVCC.

Sau 2 tiếng tham quan đồi chè Cầu Đất, cả nhóm tiến về homestay trên đường Đặng Thái Thân, Đà Lạt, có giá phòng 500.000 đồng một đêm. Anh Luân và vợ, Tuyết Anh rất thích nơi này vì cách phục vụ chu đáo, cà phê ngon, không gian ấm cúng và có tầm nhìn ra rừng thông xanh tươi phía trước.

Sau khi nhận phòng, 6 người đi dạo chợ Đà Lạt, thưởng thức các món ăn vặt. Ngày hôm sau, họ di chuyển từ Đạt Lạt xuống Bảo Lộc, thành phố nằm trên cao nguyên Di Linh, với dân số gần 200.000 người.

Trên đường đi, nhóm dừng lại ở chùa Di Đà, thuộc buôn Đăng Đừng, xã Đạ Tồn, huyện Bảo Lâm, cách thành phố khoảng 30 km. Chùa được xây từ năm 2005 trên diện tích 13 ha. Đây là nơi tu học, hành trì của đạo tràng phật tử với quần thể kiến trúc độc đáo, kết hợp hài hòa của phong cách kiến trúc Phật giáo, châu Mạ và Tây Nguyên.

Hình ảnh đầu tiên thu hút nhóm khi đặt chân vào chùa là những đồi chè xanh bạt ngàn bao phủ xung quanh. Từ cổng chính của chùa là bậc thang đi xuống với hai bên là những thửa ruộng chè xanh, hai hàng cau xếp thẳng tắp tạo thành thế đối xứng trông đẹp mắt. 

Đi sâu vào bên trong, ngay bên trái là điện thờ nằm giữa hồ lớn có lối đi bộ sang làm mọi người liên tưởng tới chùa Một Cột ở Hà Nội. Chùa có sân để xe khá rộng, lối đi lên chánh điện hai bên là tượng hai con voi lớn nằm quay mặt vào nhau uy nghiêm.

Ngoài ra, cả nhóm dừng chân tham quan nhà thờ Thánh Mẫu, TP Bảo Lộc. Nhìn từ bên ngoài, nơi này có nét giống với nhà thờ Đức Bà ở quận 1. Càng quan sát, nhóm phát hiện ra điểm khác biệt của giáo xứ Thánh Mẫu chính là những ô cửa có phần chóp nhọn về phía trên, chứ không hình mái vòm, nhìn rất tinh tế.

Do các thành viên trong nhóm phải chờ nhau và mất thời gian đi chợ, đến tận 16h họ mới xuất phát đi núi Đại Bình. Từ chân núi lên đến khu vực cắm trại, cao chừng 300 m so với mực nước biển là quãng đường hẹp, dốc thoải. Đèn đường không có, đường rất tối, nguy hiểm nếu không mang theo đèn led hay đèn pin. Con gái anh, Di, 3,5 tuổi, phải đi bộ cùng mẹ lên sau vì anh không thể đèo cả ba trong lúc này, thêm nữa anh phải chở đồ cắm trại cồng kềnh. Sau khoảng 40 phút vất vả, tất cả mới đến được chỗ cắm trại. Một số thành viên đi quá phải tìm đường quay lại.

Vì không có đèn đường tại một khu vực đồi núi rộng lớn, Minh Toản, một thành viên trong nhóm, phải dùng flycam để định hướng đường đi cho cả nhóm. Thành viên khác dựng đèn led bên trong khung lều để lấy ánh sáng. Bù lại, vì đồ ăn tại chợ địa phương rất rẻ, cả nhóm đông người chỉ tốn khoảng 800.000 đồng khi mua đồ làm tiệc nướng ngoài trời. Ảnh: NVCC.

Vì không có đèn đường tại khu vực đồi núi rộng lớn, Minh Toản, thành viên trong nhóm, phải dùng flycam để định hướng đường đi cho cả nhóm. Thành viên khác dựng đèn led bên trong khung lều để lấy ánh sáng. Bù lại, vì đồ ăn tại chợ địa phương rất rẻ, cả nhóm đông người chỉ tốn khoảng 800.000 đồng khi mua đồ làm tiệc nướng ngoài trời. Ảnh: NVCC.

Núi Đại Bình cao hơn 1.000 m, nằm sát thành phố Bảo Lộc, Lâm Đồng, cách Sài Gòn khoảng 190 km. Dưới chân núi có dòng sông Đạ Bin uốn lượn khiến Đại Bình vừa hùng vĩ, vừa nên thơ.

Theo tìm hiểu của anh Luân, thông thường, du khách sẽ chọn cung đường trekking với tổng chiều dài khoảng 12 km băng qua nhiều địa hình: dốc cao, rừng rậm với đa dạng thảm thực vật như vườn chè, cà phê, thảm cỏ lau, đồi thông đến những cánh rừng nhiệt đới với nhiều dây leo và loài nấm lạ. Trải nghiệm thích nhất khi đến đây là săn mây sau cơn mưa và ngắm sao, học được cách xác định phương hướng bằng chòm sao trên trời từ các hướng đạo sinh.

Ngày thứ 3 của chuyến đi, cả nhóm nhổ trại, xuất phát về lại TP HCM lúc 7h. Trên đường về, cả nhóm ghé vào tham quan đá chữ Thập, xã Phú Điền, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai. Đây là một khối đá lớn, giống chữ thập vì bị chia cắt thành 4 cạnh rất tự nhiên, nên người dân địa phương lấy đó làm tên gọi.

Để đến được đây, các bạn nên đi theo hướng núi đá ba chồng huyện Định Quán, sau đó rẽ vào con đường có cổng chào của xã Phú Lợi, chạy thẳng chừng 8km sẽ thấy cổng chào xã Phú Hòa, và hỏi người dân địa phương đường vào đá chữ Thập. Lưu ý, đường vào khối núi này là đường đất, dễ bị bùn lầy vào mùa mưa, anh Luân chia sẻ. 

Tương tự ngày lên Đà Lạt, để tiết kiệm tiền, cả nhóm dừng chân tại một quán ven đường để dùng bữa trưa, sau đó thẳng tiến về thành phố lúc 18h. 


Thanh Thu/vnexpress.net

https://vnexpress.net/kham-pha-da-lat-phu-dien-voi-600-000-dong-4104687.html

  • Từ khóa