Không còn khách quốc tế nhập cảnh, HDV phải ngồi nhà vài tháng, chấp nhận tạm thời bỏ nghề.
Đã hơn 4 tháng kể từ ngày Covid-19 bùng phát tại Việt Nam, biên giới đóng cửa, toàn bộ đường bay quốc tế dừng hoạt động. Tháng 7, Việt Nam có 13.900 lượt khách quốc tế nhập cảnh - chủ yếu là chuyên gia, lao động kỹ thuật cao, giảm 99% so với cùng kỳ năm ngoái. Vậy cuộc sống của hướng dẫn viên (HDV) tại Việt Nam ra sao khi không thể dẫn các đoàn khách nước ngoài?
Từ tháng 3 đến nay, cuộc sống của Trần Quang Anh, hướng dẫn viên tiếng Đức kỳ cựu, có những thay đổi lớn. Lần đầu tiên anh ở trong tình thế phải chấp nhận dừng hẳn công việc mình gắn bó gần 20 năm.
Khoảng gần 2 tháng chỉ ngồi chơi và hy vọng bệnh dịch chấm dứt, Quang Anh đánh giá đại dịch có thể còn kéo dài. Anh quyết định làm thêm gì đó, và ưu tiên những công việc mình cũng yêu thích. Một hồi cân đo đong đếm, HDV này nghĩ đến nghề huấn luyện viên thể hình.
"Có lần tôi đã cân nhắc đến nghề này, nhưng chỉ khi tình thế bắt buộc mới thay đổi được. Và may mắn tôi đã kịp thời hoàn thành chứng chỉ huấn luyện viên thể hình do Liên đoàn thể thao cấp vào đầu tháng 6", anh Quang Anh bày tỏ. Hiện tại HDV này là huấn luyện viên thể hình cho một phòng gym và mở lớp Tour Guide Home Fitness tại nhà để kèm thêm học viên.
Trần Quang Anh (trái) hướng dẫn học viên tại một CLB Gym tại Tây Hồ. Anh rất thích không gian trong phòng gym, bởi khi còn là hướng dẫn viên, phòng tập cũng là nơi anh hay lui tới để rèn luyện sức khỏe vào những mùa thấp điểm hay ngày nghỉ. Ảnh: NVCC.
"So với HDV nội địa, HDV quốc tế giai đoạn này thực sự khó khăn, bởi nguồn khách chính từ nước ngoài không còn. Không phải hướng dẫn viên quốc tế nào cũng có thể nhảy nhanh qua phục vụ khách nội địa, bởi đặc thù công việc khác nhau và cần thời gian để thay đổi", anh Quang Anh lý giải vì sao mình không chuyển sang làm HDV cho khách nội địa.
Thu nhập hiện nay của HDV Quang Anh chỉ ở mức "tạm đủ chi tiêu", khác biệt lớn nếu so với công việc cũ anh vốn dày dặn kinh nghiệm. "Mình sẽ thành nhân viên mới, cần học thêm và tuổi tác cũng phần nào là rào cản trong nghề huấn luyện viên thể thao", anh bày tỏ.
Bắt đầu một con đường mới, anh phải học và đọc thêm rất nhiều. "Khó khăn tôi nghĩ ai cũng gặp phải khi bắt đầu. Nhưng tôi luôn nhìn nó tích cực", anh lạc quan. Gia đình luôn ủng hộ anh dù đi theo con đường nào: một nghề đưa kiến thức về văn hoá lịch sử đất nước đến với du khách, còn một nghề hiện tại giúp người khác giữ gìn sức khỏe - cả 2 đều có mục đích tốt và đem lại thu nhập.
Anh cảm thấy mình còn rất may mắn: "Đại dịch lần này có mức tàn phá vượt quá sức tưởng tượng đối với ngành du lịch. Hiện nay ngoài tôi, vô số đồng nghiệp là HDV, người làm trong các ngành nghề liên quan trực tiếp như nhà hàng, khách sạn đều có chung một nỗi buồn khi phải ngồi một chỗ chờ đợi".
Tương tự, chị Trần Ánh, một hướng dẫn viên, không có việc làm kể từ khi khách quốc tế về nước. Thời gian đầu ở nhà, chị vẫn nhận lương cơ bản từ công ty. Tuy nhiên, với khoản tiền ấy chị không thể lo cho con ăn học nên phải nghĩ tới một công việc mới.
"Ban đầu tôi thử đi dẫn khách nội địa. Tuy nhiên, tôi cảm thấy không hợp vì dòng khách nội địa và khách quốc tế có những đặc thù và đòi hỏi khác nhau", chị bày tỏ. Đúng lúc tưởng chừng như bế tắc, giám đốc một công ty dịch thuật mời chị hợp tác trong một dự án dịch từ tiếng Anh sang tiếng Đức. Song dự án chỉ kéo dài 4 - 5 tháng, sau thời gian này chị Ánh sẽ phải tiếp tục tìm kiếm công việc khác.
HDV này phải rất cố gắng mới thích nghi được với môi trường mới vì không quen ngồi văn phòng. "Lần đầu tiên tôi ngồi máy tính nhiều thế, buổi chiều tôi phải đi rửa mặt suốt cho tỉnh ngủ. Bản thân cũng lớn tuổi, tôi không muốn người khác phải nói gì về mình nên chỉ biết cố gắng chăm chỉ, dù không nhanh bằng các bạn trẻ", chị Ánh tâm sự.
"Tôi cảm thấy có việc làm trong giai đoạn này đã là may mắn lắm rồi, và cũng xác định thu nhập sẽ không thể cao như trước. Tôi chứng kiến nhiều đồng nghiệp phải chuyển tới những thành phố khác mới có được công việc trong dịch này", chị Ánh cho hay.
Đại dịch không chỉ thách thức thế hệ HDV kỳ cựu từng trải qua bao thăng trầm của nghề, mà còn đẩy những HDV thế hệ mới - vốn nhanh nhạy với thời cuộc, rành công nghệ - vào cảnh chật vật. Bùi Danh Hiển, HDV 26 tuổi, phải ở nhà hơn 2 tháng vì thất nghiệp, cuộc sống càng khó khăn hơn. "Ban đầu tôi loay hoay mãi không biết phải chuyển sang công việc gì", Hiển nói về khoảng thời gian ở nhà 24/7.
"Hướng dẫn viên quốc tế đã quen với môi trường, tác phong, tư tưởng khi làm việc cùng khách nước ngoài nên khó lòng rẽ ngang sang dẫn khách nội địa. Chưa kể, lượng hướng dẫn viên nội địa vốn đã khá đông, nên nếu chuyển qua mảng này, tôi sẽ có ít cơ hội hơn", Hiển lý giải.
Bùi Danh Hiển (trái) là hướng dẫn viên tiếng Đức và tiếng Anh. Ảnh: NVCC.
HDV này ứng tuyển vị trí nhân viên kinh doanh cho một trung tâm tiếng Anh. 3 tuần đi làm, anh cảm thấy công việc không phù hợp với mình, và khoảng cách di chuyển quá xa nên không tiếp tục. Hiện tại Hiển đang làm giảng viên cho một trung tâm tiếng Anh khác. Đây là công việc anh đã từng làm thời sinh viên nên cũng không quá lạ lẫm hay gặp nhiều khó khăn.
Hiển gửi lời động viên tới các đồng nghiệp: "Hiện tại công việc của hướng dẫn viên cực kỳ bấp bênh. Điều này cũng thể hiện rõ sự dễ dàng bị tác động bởi các điều kiện ngoại cảnh của nghề. Mong mọi người vững vàng vượt qua thời điểm khó khăn".
Cùng nỗi lòng như Hiển, anh Quang Anh trăn trở không biết tới lúc này bao nhiêu đồng nghiệp đã có công việc mới, bởi các ngành nghề liên quan tới du lịch đều đóng băng, chưa có lịch hoạt động trở lại. "Nếu có thể chia sẻ lời nói nào đó tới anh chị em đồng nghiệp, tôi mong mọi người cứ nghĩ tích cực, giữ mình trong trạng thái động. Trong lúc khó khăn này mình chỉ cần sức khoẻ và mọi thứ sẽ trở lại", anh nói.
Thảo Nguyễn/vnexpress.net
https://vnexpress.net/huong-dan-vien-lam-gi-khi-khong-co-khach-4139955.html