Thời gian gần đây, khu vực lòng hồ thủy điện thác Xăng (xã Bắc La, huyện Văn Lãng) là điểm đến hấp dẫn của khách du lịch trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, du lịch nơi đây vẫn mang tính tự phát và chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức.
Hồ thủy điện Thác Xăng thuộc địa bàn xã Hùng Việt, huyện Tràng Định; xã Bắc La, huyện Văn Lãng và xã Hồng Phong, huyện Bình Gia với diện tích lòng hồ khoảng 300 ha. Thủy điện Thác Xăng có công suất lắp máy 16 MW với 2 tổ máy, khởi công tháng 4/2008, hoàn thành năm 2016. Đặc biệt, nằm trong khu vực của hồ thủy điện có danh thắng Thác Mây nằm trên địa bàn xã Bắc La (huyện Văn Lãng) với cảnh quan hoang sơ, hùng vĩ. Đời sống văn hóa, phong tục, tập quán ở xã Bắc La cũng đặc sắc với các điệu hát then, đàn tính, hát sli, lượn của người dân tộc Tày, Nùng.
Một góc hồ thủy điện Thác Xăng
Khoảng 2 năm trở lại đây, nhiều du khách đã đến trải nghiệm, khám phá những vẻ đẹp của lòng hồ thủy điện Thác Xăng và Thác Mây. Ông Vy Văn Quyết, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Bắc La cho biết: Để khai thác tiềm năng du lịch nơi đây, cấp ủy, chính quyền xã đã tuyên truyền, vận động người dân gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; khuyến khích tổ chức, hộ dân nuôi cá lồng và kinh doanh các dịch vụ trên lòng hồ; sửa chữa mặt đường từ trung tâm xã đến vùng hồ…
Người dân cũng đã chủ động khai thác phát triển du lịch. Từ đầu năm 2018 đến nay, 3 hộ dân tại thôn Nà Sòm, xã Bắc La đã đầu tư xuồng máy để chở khách tham quan và phục vụ dịch vụ ăn uống trên hồ, mang lại thu nhập đáng kể. Anh Hứa Văn Đoàn, thôn Nà Sòm cho biết: “Từ tháng 10/2019, gia đình tôi đã đầu tư 3 xuồng máy và lắp nhà hàng nổi để phục vụ du khách. Đến đây, .du khách có thể đi xuồng máy tham quan nhà máy, đập thủy điện Thác Xăng, trải nghiệm mô hình nuôi cá lồng; di chuyển tới Thác Mây để bơi, tắm, picnic, câu cá; đi dọc lòng hồ đến chợ Văn Mịch, huyện Bình Gia”.
Được biết, vào các ngày lễ, kỳ nghỉ, hồ thủy điện Thác Xăng thu hút khoảng hơn 200 lượt khách/ngày. Anh Nguyễn Nam Sơn, đến từ thị trấn Cao Lộc, huyện Cao Lộc cho biết: “Tôi rất thích vẻ đẹp hoang sơ và hùng vĩ của vùng lòng hồ thủy điện Thác Xăng, đồ ăn cũng rất ngon, nhưng tôi thấy hơi tiếc là ở đây các phương tiện phục vụ còn ít quá, dịch vụ chưa đa dạng, đường vào hồ thủy điện rất khó khăn”.
Có thể thấy, mặc dù khu vực hồ thủy điện Thác Xăng sở hữu nhiều tài nguyên du lịch sinh thái có sức hấp dẫn nhưng việc phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ du lịch chưa tương xứng nên chưa thu hút đông đảo du khách. Để khơi dậy tiềm năng, thế mạnh của vùng lòng hồ thủy điện Thác Xăng, từ năm 2019, huyện Văn Lãng đã phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) khảo sát tiềm năng du lịch xã Bắc La và đưa nội dung này vào Đề án phát triển du lịch huyện Văn Lãng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đề án đề ra các giải pháp cụ thể cho việc phát triển du lịch vùng lòng hồ thủy điện Thác Xăng nói riêng và du lịch Văn Lãng nói chung.
Ông Hoàng Thế Vinh, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL cho biết: Để khai thác tiềm năng du lịch hồ thủy điện Thác Xăng, sở sẽ tham mưu UBND tỉnh có định hướng và giải pháp cụ thể như: tập trung nguồn lực xây dựng và phát triển du lịch nơi đây, đưa du lịch lòng hồ trở thành thương hiệu du lịch của tỉnh. Gắn với đó là quy hoạch, khai thác tài nguyên du lịch vùng lòng hồ và các vùng phụ cận một cách thống nhất và khoa học; sớm hoàn thành đề án phát triển du lịch huyện Văn Lãng để từ đó có cơ sở đầu tư và thu hút đầu tư thành điểm du lịch có cơ sở hạ tầng đồng bộ, liên kết với các vùng khác trong tỉnh.
Từ thực tế cho thấy, khu vực lòng hồ Thủy điện Thác Xăng rất cần các nhà đầu tư chiến lược nghiên cứu, xây dựng, triển khai các dự án về khai thác tiềm năng. Để làm được việc này cần sự vào cuộc của các cấp, ngành, doanh nghiệp ở trong và ngoài tỉnh.
“Tôi rất thích vẻ đẹp hoang sơ và hùng vĩ của vùng lòng hồ thủy điện Thác Xăng, đồ ăn nơi đây cũng rất ngon, nhưng tiếc là dịch vụ chưa đa dạng, đường vào khó khăn…” Anh Nguyễn Nam Sơn, thị trấn Cao Lộc, huyện Cao Lộc |
TUYẾT MAI/baolangson
http://baolangson.vn/du-lich/303083-ho-thuy-dien-thac-xang-tiem-nang-du-lich-can-duoc-danh-thuc.html