Sekong không đơn thuần là mốc giới dẫn đường, giới thiệu với khách phương xa về mảnh đất hiền hòa bên bờ sông thơ mộng, mà đó còn là niềm tự hào về sự phát triển của một nơi từng là tỉnh nghèo nhất của Lào.
Từ Attapeu, vượt gần 100km chỉ trong 1 tiếng rưỡi đồng hồ, chúng tôi đến Sekong, tỉnh cuối cùng trong hành trình khám phá Nam Lào. Thành lập năm 1983 sau khi tách ra từ 3 huyện của tỉnh Saravan và nhận thêm huyện Thà tèng của tỉnh Champasak. Ra đời muộn, lại xa trung ương, điều kiện hạ tầng còn nhiều khó khăn, Sekong là tỉnh nghèo nhất của Lào, mặc dù, tiềm năng phát triển không hề nhỏ. Nhất là khi Sekong nằm trên tuyến Hành lang kinh tế Đông – Tây thứ hai, nối các tỉnh miền Trung Việt Nam với các tỉnh Nam Lào và Đông Bắc Thái Lan.
Thác Huakhon - Sekong.
Trở lại Sekong sau 14 năm kể từ ngày vượt quốc lộ 14D từ Quảng Nam sang huyện Dakchueng đưa tin Lễ khởi công xây dựng Nhà máy thủy điện Sekaman3 – Dự án mở đầu cho chương trình hợp tác năng lượng giữa hai chính phủ Việt Nam - Lào. Nhà máy do doanh nghiệp Việt Nam đầu tư theo hình thức BOT, thời gian hoạt động 25 năm, gồm 2 tổ máy, tổng công suất 250 MW, vốn đầu tư gần 312 triệu USD.
Vì ý nghĩa đó mà Phó thủ tướng Lào khi ấy là ông Thongloun Sisulith đã đi trực thăng từ Vientiane về dự lễ. Còn Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch tỉnh Quảng Nam Nguyễn Xuân Phúc thì cũng không e ngại khi phải ngồi ô tô vượt trăm rưỡi kilomet đường miền núi, qua cửa khẩu Nam Giang – Dak-ta-ook vào tận rừng Dakchueng để chứng kiến sự kiện quan trọng này.
Giờ thì đường từ cửa khẩu về đến huyện Dakchueng đã được nâng cấp mở rộng. Những dãy nhà làm việc ở trung tâm huyện mái tôn vách ván mịt mù bụi đất của Dakchueng 14 năm trước cũng đã được thay thế bằng những tòa nhà khang trang hai ba tầng cùng các cơ quan, trường học, bệnh viện, nhà dân xây dựng san sát hai bên đường, làm nên dáng vẻ của một phố huyện.
Không chỉ Dakchueng, mà tỉnh Sekong bây giờ cũng đã đổi thay nhiều. Vì thế mà chắc không phải ngẫu nhiên, ông chủ của một nhà hàng nhỏ ven đường dẫn vào tỉnh lỵ Sekong đã đặt tên nhà hàng của mình là “Tới rồi Sekong!”. Cái tên không đơn thuần là mốc giới dẫn đường, giới thiệu với khách phương xa về mảnh đất hiền hòa bên bờ sông Sekong thơ mộng, mà đó còn là niềm tự hào về sự phát triển của một nơi từng là tỉnh nghèo nhất của Lào. Đó còn là lời khẳng định về thời cơ phát triển đang đến với vùng đất lắm khó khăn này khi Quốc lộ L 14D của Việt Nam đã nối liền với Quốc lộ 16B, kết nối Đà Nẵng - Quảng Nam với các tỉnh Sekong- Champasak của Lào và sang tận các tỉnh Đông bắc Thái Lan, qua cặp cửa khẩu Nam Giang- Đak-Ta-ook, để ý tưởng “một ngày ăn cơm ba nước: sáng Thái, trưa Lào, chiều Việt”, để du khách được thưởng thức đặc sản biển Đà Nẵng, đêm tản bộ ngắm đèn hoa lung linh bên sông Hoài phố Hội không còn là câu chuyện phiếm của những người thích mộng mơ.
Trang trại khoai tây của Cong ty SAM Vietnam.
Một vùng đất giàu tiềm năng bắt đầu được khai phá
Nằm ở phía đông nam của Lào, giáp với các tỉnh Quảng Nam ở phía đông, với Salavan ở phía Bắc, Attapeu ở phía nam và giáp Champasak về phía tây, phần lớn diện tích của tỉnh Sekong nằm trên cao nguyên Boloven và thuộc khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam. Hành lang kinh tế Đông - Tây thứ 2 chạy qua Sekong sẽ giúp rút ngắn khoảng cách giữa cao nguyên Boloven giàu tiềm năng về khoáng sản, năng lượng, nông nghiệp, lâm nghiệp.... với cửa ngõ ra đại dương thông qua hệ thống cảng biển Đà Nẵng, Kỳ Hà, Dung Quất của miền Trung Việt Nam.
Nhờ nỗ lực kết nối, xúc tiến mời gọi mà đến nay, Sekong đã thu hút hơn 100 dự án đầu tư, tổng vốn 2,1 tỷ USD. Trong số 38 dự án do nước ngoài do Việt Nam, Nga, Trung Quốc và Thái Lan đầu tư thì các doanh nghiệp Việt Nam đang dẫn đầu với 24 dự án, tổng vốn 1,6 tỷ USD, chiếm gần 33%, chủ yếu là các dự án thăm dò khai thác vàng, boxit, sắt ; các dự án trồng cao su, mía, nuôi bò thịt. Trong đó, dự án khai thác và chế biến quặng boxit của Tập đoàn Việt Phương tại huyện Dakchueng vốn đầu tư 650 triệu USD là dự khai thác khoáng sản lớn nhất từ trước đến nay tại Lào.
Sekong cũng là tỉnh giàu tiềm năng về phát triển năng lượng. Nhà máy Thủy điện Sekaman3 sau 7 năm xây dựng, đã đi vào hoạt động từ cuối năm 2013. Chỉ 2 năm khai thác, nhà máy đã sản xuất sản lượng điện trị giá 2.000 tỉ đồng. Hôm chúng tôi đến thăm, đúng lúc anh em kỹ sư, công nhân đang bảo dưỡng Ro-tơ phát điện trong khi chờ khắc phục sự cố đường ống áp lực để sớm đưa nhà máy trở lại khai thác, sau mấy năm phải dừng hoạt động.
“Tiếc lắm. Với dung tích hơn 141 triệu m3 nước, trong đó dung tích hữu ích 108,5 triệu m3, tiềm năng phát điện của nhà máy là tối đa. Cứ mỗi ngày không hoạt động, chúng tôi mất đứt 6 tỉ đồng” – Giám đốc Đỗ Văn Phúc nói với chúng tôi giọng đầy tiếc nuối. Hiện Nhà máy đang tập trung nhân lực, thiết bị khắc phục những hỏng hóc ở hạn mục đường ống áp lực, hy vọng quý 4 năm sau, Thủy điện Sekaman3 sẽ hoạt động trở lại.
Mới đây, một hợp đồng giữa các doanh nghiệp Lào và Việt Nam đã được ký kết để triển khai dự án điện mặt trời trên diện tích 720 ha tại huyện La-mam, tổng công suất lắp đặt 500 MW, sản lượng điện dự kiến gần 740 triệu KWh/năm, vốn đầu tư hơn 330 triệu USD.
Rau hoa xứ lạnh tìm đường về với ra biển lớn
Từ thành phố Pakse tỉnh Champasak về đến Sekong đường sá khá tốt. Hơn 130km của Quốc lộ 16B, ô tô chỉ chạy hơn 2 tiếng là đến nơi. Con đường xuyên qua nhiều cánh rừng nguyên sinh của huyện Thateng, cảnh sắc thiên nhiên thật là hùng vĩ với nhiều thác nước đẹp như Tad Hua Khon (thác đầu người), Tad Hia, Tad Faek, hay Tad Nam Tok Katamtok nổi tiếng trên cao nguyên Boloven rộng lớn, cộng với sự đa dạng về văn hóa của 14 tộc người với bản sắc đặc trưng, Sekong đủ điều kiện để phát triển du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng và du lịch mạo hiểm.
Thác Huakhon - Sekong.
Cùng một vùng khí hậu mát mẻ quanh năm như thị trấn Paksong của Champasak (được ví như Đà Lạt - Việt Nam), nhờ ở độ cao 1.200m so với mực nước biển của cao nguyên Boloven, huyện Thateng đã được nhiều doanh nghiệp du lịch bỏ vốn đầu tư như Khu vườn sinh thái Café Sinouk của một Lào kiều từ Pháp; hay Khu du lịch trải nghiệm nghỉ dưỡng kết hợp sản xuất nông nghiệp hữu cơ Thateng Farm Resort do một nhà đầu tư từ thủ đô Vientaine xây dựng... Nơi đây có thể phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng, thu hút mạnh nguồn khách từ các tỉnh đông bắc Thái Lan trong phạm vi vài ba trăm kilomet trở lại, đến nghỉ dưỡng cuối tuần, tham quan khám phá thiên nhiên hoang dã.
“Nếu như phía Tây có Thateng mát mẻ quanh năm để hình thành nên các trang trại cà phê, các khu nghỉ dưỡng hấp dẫn thì vùng đất Dakchueng phía đông của tỉnh lại phù hợp cho việc phát triển nông nghiệp với các trang trại nuôi bò thịt, bò sữa, các loại hoa, rau quả xứ lạnh như khoai tây, bắp cải, su su, cà rốt. Đâu chỉ có sâm, Dakchueng sẽ là vùng xuất khẩu nông sản sạch của tỉnh Sekong”- Ông Sompha Keolavong, Phó giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Sekong đã nói chắc nịch như vậy trong buổi làm việc với chúng tôi.
Huyện Dakchueng cách trung tâm Sekong 90 km trên đường về cửa khẩu Dak-Taook. Nơi đây nổi tiếng với loại sâm dây tự nhiên thường được dùng để ngâm rượu hoặc hầm với thịt gà làm món ăn bổ dưỡng sức khỏe. Chợ Dakchueng sâm bán quanh năm. Những người phụ nữ Lào bán sâm và nấm lim xanh, mật ong, nghệ rừng ở chợ Dakchueng trông chả khác mấy so với người Cơ - tu ở Quảng Nam; cũng nói được bập bẹ năm ba câu tiếng Việt mời khách mua hàng.
Tuy không thể sánh với sâm Ngọc Linh hay sâm Hàn Quốc, nhưng rượu sâm Dakchueng có màu vàng đậm như hổ phách, mùi thơm dễ chịu, mới nhìn đã muốn nếm thử vài ly. Đêm ở lại Dakchueng, trong cái se lạnh của miền sơn cước, lai rai đĩa thịt nướng, nhấp mấy ngụm rượu sâm thơm nồng, thật không còn gì lý thú hơn. Sáng ra mua chục cân sâm về làm quà cho bạn bè, thế là đã có kỷ niệm đáng nhớ cho một chuyến đi.
Sâm, nấm lim xanh, mật ong - đặc sản lấy từ rừng Dakchueng 2.
Cùng với sự hình thành tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia, cặp cửa khẩu Nam Giang – Dak Taook được nâng cấp thành cửa khẩu quốc tế, Quốc lộ 16 B đã thông suốt sẽ giúp hình thành một Hành lang kinh tế Đông – Tây mới, kết nối Đà Nẵng, Quảng Nam và các tỉnh miền Trung của Việt Nam với khu vực Nam Lào và vùng Đông bắc Thái Lan thành một hành lang kinh tế năng động.
Tiềm năng đã sẵn, quyết tâm đã có. Dẫu vẫn còn không ít khó khăn nhưng đường ra đã mở. Một con đường của những thác nước kỳ vĩ, những khu nghỉ dưỡng ấn tượng ẩn mình trong bầu không khí mát mẻ, trong lành của những cánh rừng nhiệt đới; Quốc lộ 16 B sẽ là con đường để Sekong không còn mang mặc cảm đói nghèo, mà là một cánh cửa để vùng nông nghiệp trù phú với cà phê, cao su, mía đường, rau quả đặc sản trên cao nguyên Boloven của Lào được về với biển, để Sekong thực sự là cầu nối cho Việt Nam – Lào- Thái Lan hiện thực hóa khát vọng xuyên Á./.
Vân Thiêng-Đặng Thùy/VOV.VN
https://vov.vn/du-lich/sekong-va-khat-vong-xuyen-a-785410.vov