Phóng viên VOV.VN trao đổi với ông Lý Đình Quân – Giám đốc Trung tâm Ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn về những thách thức, cơ hội để doanh nghiệp du lịch chuyển đổi, sáng tạo và triển khai mô hình kinh doanh mới trong giai đoạn hậu Covid-19.
Đổi mới tạo 'đòn bẩy' cho ngành du lịch
PV: Thưa ông Lý Đình Quân, hiện nay chúng ta nhắc nhiều đến những vấn đề, khó khăn và câu chuyện tái cấu trúc ngành du lịch. Theo ông những vấn đề đó là gì và đổi mới, sáng tạo có mang tới những giải pháp?
Ông Lý Đình Quân: Trên thực tế, trước khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát thì du lịch Việt Nam cũng đã tồn tại nhiều mặt hạn chế. Ngành du lịch thiếu chiến lược đồng bộ cả về vĩ mô lẫn vi mô để phát triển du lịch bền vững, hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường, sản phẩm du lịch, dịch vụ đơn điệu, chậm đổi mới và sáng tạo, thiếu các sản phẩm bản địa đặc trưng, chưa hình thành được dịch vụ văn hóa đặc thù, vai trò của cơ quan quản lý nhà nước còn yếu, xúc tiến quảng bá du lịch, nghiên cứu thị trường còn hạn chế, thị động, liên kết vùng chưa đủ mạnh…
Sau Covid-19, ngành du lịch phải giải quyết nhiều vấn đề lớn hơn về thị trường, doanh nghiệp khó khăn hàng loạt. Điều này đòi hỏi những định hướng mới như du lịch bền vững, du lịch an toàn, du lịch thông minh, du lịch bản địa với những mô hình mới, được thúc đẩy mạnh mẽ dựa trên chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.
Đổi mới sáng tạo sẽ thúc đẩy quá trình thay đổi tư duy, tái cấu trúc ngành du lịch. Trong đó thay đổi các phương thức nghiên cứu, tiếp cận thị trường, vận hành doanh nghiệp, liên kết các chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng dựa trên các nền tảng công nghệ và văn hóa đổi mới sáng tạo.
Tạo điều kiện phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo ngành du lịch, dịch vụ và ẩm thực với các mô hình kinh doanh mới, tạo các sản phẩm và dịch vụ mới, cùng với các sản phẩm truyền thống sẽ tăng được năng lực cạnh tranh quốc gia.
Chắc chắn công nghệ, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp là đòn bẩy hiệu quả để cấu trúc lại ngành du lịch sau Covid-19, thúc đẩy các liên kết hợp tác ngành, liên kết đa ngành, đa nguồn lực để tạo vị thế mới cạnh tranh ngành cho Việt Nam với khu vực và quốc tế.
Ông Lý Đình Quân – Giám đốc Trung tâm Ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn
PV: Vậy theo ông, các doanh nghiệp du lịch phải chuyển đổi như thế nào?
Ông Lý Đình Quân: Khi thị trường và khách hàng thay đổi, với xu hướng phát triển mới ngành du lịch, doanh nghiệp tùy theo năng lực, nguồn lực, vị thế của mình cần có sự thay đổi căn cơ dựa trên năng lực cạnh tranh của từng doanh nghiệp mà có cách chuyển đổi phù hợp.
Việc phát triển kinh doanh theo các mô hình truyền thống như dựa vào tài sản vật lý, các quan hệ nội bộ, thông tin… sẽ không phải lợi thế chính nữa, mà cần tập trung hơn trong việc nâng cao năng lực con người, xây dựng hệ thống quản trị tiên tiến, khả năng áp dụng công nghệ để tự động hóa quy trình kinh doanh, năng lực vận hành và thực thi các sản phẩm dịch vụ, văn hóa hợp tác và liên kết, xây dựng sản phẩm, dịch vụ tiêu chuẩn có chất lượng đi kèm với phát triển thương hiệu tạo uy tín và gắn kết với thị trường, khách hàng.
Để thực hiện việc chuyển đổi này, trước hết cần sự quyết tâm, ý chí của lãnh đạo và đội ngũ nhân sự của doanh nghiệp trong việc tìm kiếm, khám phá các định hướng mới; cần các tổ chức tư vấn, chuyên gia hỗ trợ trong việc điều chỉnh mô hình kinh doanh mới; cần một môi trường tốt cho đổi mới sáng tạo phát triển để các nguồn lực chất lượng, hợp tác và hỗ trợ nâng cao năng lực doanh nghiệp bắt kịp sự phát triển của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và các mô hình kinh doanh mới.
PV: Các doanh nghiệp du lịch sẽ được hưởng lợi gì từ đổi mới, chuyển đổi số thưa ông?
Ông Lý Đình Quân: Khi tiếp cận với nền tảng khoa học và công nghệ, tiếp cận với văn hóa đổi mới sáng tạo sẽ tạo ra nhiều lợi ích về năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp du lịch, đặc biệt tư duy, nhận thức, kỹ năng, hệ thống quản trị và một môi trường kinh doanh lành mạnh, phát triển bền vững cho doanh nghiệp lâu dài.
Với xu hướng phát triển mạnh mẽ hiện nay, nhiều giải pháp công nghệ đã ra đời và áp dụng rộng rãi cho cộng đồng và doanh nghiệp, chi phí công nghệ cho doanh nghiệp ngày càng rẻ, vấn đề chi phí cho công nghệ không còn là rào cản. Ví dụ: một nền tảng (platform) cho một công ty lữ hành với mức thuê từ 2 - 10 triệu đồng/tháng, các platform quy mô lớn đầu tư chỉ 1 tỷ đồng/platform, nhiều giải pháp quản lý nhà hàng, khách sạn thậm chí cho miễn phí để nhà cung cấp lấy dữ liệu cho phát triển thị trường lớn.
Thách thức lớn nhất lại nằm chính ở lãnh đạo và doanh nghiệp, cần phải thay đổi chính mình để tiếp cận với năng lực mới về tri thức và kỹ năng công nghệ, dựa trên tư duy nhận thức về đổi mới sáng tạo, chấp nhận văn hóa sáng tạo, văn hóa hợp tác và liên kết thì mới có cơ hội để nâng cao năng lực, từ đó xây dựng một mô hình kinh doanh có năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững.
'Cơ hội vàng' để khởi nghiệp, sáng tạo
PV: Xu hướng khởi nghiệp du lịch trên thế giới đang diễn ra như thế nào, thưa ông?
Ông Lý Đình Quân: Khủng hoảng đại dịch Covid-19 đã thay đổi thói quen và hành vi du khách, cũng như định hướng vĩ mô của các quốc gia phát triển du lịch, trong đó phát triển du lịch xanh, du lịch bền vững dựa trên các nền tảng du lịch thông minh sẽ trở nên quan trọng. Du lịch nghỉ dưỡng, du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch trải nghiệm văn hóa, giá trị bản địa, du lịch tôn giáo, tín ngưỡng có nhiều cơ hội phát triển.
Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã tác động mạnh mẽ đến phương thức quản lý và phát triển kinh doanh du lịch, trong đó du lịch thông minh tạo nền tảng phát triển, cùng với nhiều mô hình kinh doanh du lịch mới ra đời, như các phương thức xúc tiến du lịch, truyền thông, kinh doanh trên nền tảng số, các trang thương mại điện tử về dịch vụ du lịch sẽ có cơ hội bùng nổ, việc liên kết các chuỗi du lịch, dịch vụ ngày càng năng động hơn.
Cùng với đó là việc phát triển các quy chuẩn, tiêu chuẩn ngành cho du lịch mới, phát triển sở hữu trí tuệ, phát triển thương hiệu địa phương, các giải pháp kinh doanh số, kết nối mạng lưới toàn cầu,... sẽ có cơ hội để phát triển mạnh mẽ thời kỳ hậu Covid-19.
Từ “bệ phóng” của các trung tâm ươm tạo, nhiều dự án khởi nghiệp du lịch đã gặt hái thành công như Liberzy, Hue Lotus, Người Giữ Rừng,…
PV: Vậy ở Việt Nam, theo ông lúc này có phải thời điểm thuận lợi để khởi nghiệp du lịch?
Ông Lý Đình Quân: Đại dịch Covid-19 làm thị trường du lịch Việt Nam gặp khủng hoảng, nhiều doanh nghiệp du lịch không có doanh thu. Rất nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư và doanh nghiệp khởi nghiệp. Tuy nhiên, khủng hoảng đôi khi lại là cơ hội lớn cho những doanh nghiệp có bản lĩnh trưởng thành và phát triển.
Khởi nghiệp là một hành trình dài gắn với khát vọng và ước mơ của người sáng lập. Mặc khác, công nghệ và đổi mới sáng tạo là xu hướng mới, mở ra thị trường vô cùng lớn; vậy nên những nhà khởi nghiệp với tư duy dài hạn, với khát vọng, ý chí và tâm huyết cho doanh nghiệp của mình đều có thể khởi nghiệp trong bối cảnh hiện tại.
Trong lĩnh vực du lịch, Covid-19 kéo theo nhiều thách thức nhưng vì thế mà hoạt động du lịch phát sinh thêm những yêu cầu mới, giá trị mới. Khi du lịch phục hồi trở lại, chắc chắn nhu cầu du lịch sẽ rất lớn và các doanh nghiệp cần phải đón đầu làn sóng này. Các start-up nên có tầm nhìn dài hạn, áp dụng các giải pháp công nghệ và đổi mới sáng tạo để nắm bắt "cơ hội vàng" khởi nghiệp du lịch. Hiện nay, các dự án khởi nghiệp nhận được nhiều hỗ trợ từ phía Nhà nước và các tổ chức, quỹ tư nhân. Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam đã phát triển cơ bản và năng động, nên rất nhiều tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, vườm ươm, các quỹ đầu tư đều có thể chung tay hỗ trợ các dự án khởi nghiệp.
PV: Cụ thể các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp hay vườn ươm sẽ hỗ trợ các start-up du lịch như thế nào, thưa ông?
Ông Lý Đình Quân: Các thách thức của doanh nghiệp khởi nghiệp là rất lớn. Các trung tâm ươm tạo khởi nghiệp, hay còn gọi là vườn ươm, bằng năng lực mạng lưới hệ sinh thái, mạng lưới chuyên gia và các nguồn lực sẵn có khác sẽ mang tới sự hỗ trợ hiệu quả; từ việc định vị sản phẩm và dịch vụ phù hợp với thị trường, cho đến xác định mô hình kinh doanh, nâng cao năng lực đội ngũ, hỗ trợ phát triển vận hành doanh nghiệp, kết nối cung cấp và kết nối vốn đầu tư… Các vườn ươm - cung cấp rất nhiều hoạt động để ươm tạo nên những doanh nghiệp mới, có hàm lượng công nghệ và đổi mới sáng tạo đảm bản năng lực cạnh tranh cho thị trường.
Từ “bệ phóng” của các trung tâm ươm tạo, nhiều dự án khởi nghiệp du lịch đã gặt hái thành công, dù khi đến với vườn ươm mới chỉ là những ý tưởng sơ khởi như dự án Liberzy, Hue Lotus, Người Giữ Rừng,… Trong 4 năm qua, chỉ tính riêng Trung tâm Ươm tạo khởi nghiệp Sông cũng đã ươm tạo và tăng tốc hơn 62 dự án khởi nghiệp du lịch, dịch vụ khác.
Các trung tâm ươm tạo sẽ góp phần xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo ngành du lịch, thúc đẩy hoạt động du lịch thông minh cho các địa phương, kết nối các start-up du lịch với doanh nghiệp, nhà đầu tư và đào tạo mạng lưới giảng viên, chuyên gia trong ngành.
PV: Xin cảm ơn ông./.
Hải Nam/VOV.VN
https://vov.vn/du-lich/nam-2021-co-hoi-vang-de-nganh-du-lich-doi-moi-sang-tao-836899.vov