10 năm trôi qua nhưng nỗi đau dường như vẫn còn đó. Và nhiều người dân ở đây vẫn giữ thói quen gọi điện cho người thân đã khuất của mình qua chiếc bốt điện thoại đặc biệt.
Nằm ẩn giữa những lùm cây xanh mướt trên đồi, dưới tán cây anh đào rộng lớn là một chiếc bốt điện thoại màu trắng lấp lánh đứng trong nắng đầu xuân.
Bên trong bốt, ông Kazuyoshi Sasaki cẩn thận quay số điện thoại di động của người vợ quá cố - bà Miwalo. Trận động đất sóng thần kinh hoàng cách đây 10 năm được coi là thảm họa kép ập tới Nhật Bản đã khiến ông mất đi người vợ của mình. Khi đó, ông đã tới tất cả các trung tâm sơ tán cũng như nhà xác để tìm bà, nhưng rồi phải trở về căn nhà đổ nát của họ một mình.
Ông Sasaki gọi điện cho người vợ đã khuất của mình. (Ảnh Reuters)
"Tất cả chỉ xảy ra trong tích tắc, nhưng đến giờ tôi vẫn không quên nổi. Tôi đã gửi cho bà ấy một tin nhắn để biết mình đang ở đâu, nhưng bà ấy không bao giờ đọc được", ông Sasaki bật khóc.
"Khi về nhà và nhìn lên bầu trời, có hàng ngàn ngôi sao như đang nhìn vào hộp ngọc. Tôi đã khóc khi biết chắc chắn rất nhiều người đã chết sau thảm họa", người đàn ông 67 tuổi nói.
Vợ ông Sasaki là một trong số gần 20.000 nạn nhân ở vùng đông bắc Nhật Bản đã thiệt mạng khi thảm họa kép động đất - sóng thần đồng loạt ập tới vào ngày 11/3/2011. 10 năm trôi qua, nỗi đau dường như còn hiện hữu trong lòng nhiều người ở lại.
Chiếc bốt điện thoại cũ này là nơi người sống tìm đến, quay số người thân đã khuất và trò chuyện với họ. (Ảnh Internet)
Sau thảm họa, thị trấn Otsuchi ven biển chỉ còn đống đổ nát. Họ tìm cách đối phó với nỗi đau theo kiểu riêng biệt. Đó là một bốt điện thoại được đặt trên đồi.
Trong bốt là một chiếc điện thoại màu đen cũ đã bị ngắt kết nối. Nơi này đã trở thành điểm đến quen thuộc của những người chưa thể nguôi ngoai nỗi đau mất người thân. Bên ngoài là khung cảnh thiên nhiên khoáng đạt, hướng nhìn về phía biển Thái Bình Dương.
Những người ở lại cho biết, đây là cách họ kết nối với người đã khuất. Qua đó mang lại chút an ủi tinh thần nhỏ bé khi người sống vẫn phải vật lộn cùng nỗi đau.
"Tôi cô đơn vô cùng"
Vào một ngày của tháng 3, bà Sachiko Okawa gọi cho Toichiro - người chồng quá cố của mình. Họ đã bên nhau suốt 44 năm trước khi ông thiệt mạng khi sóng thần ập tới. Trong chiếc bốt điện thoại quen thuộc, bà hỏi ông đã làm gì, sống ra sao suốt một thập kỷ qua.
Bà Okawa đưa cả hai cháu trai tới gọi điện cho ông nội. (Ảnh Reuters)
"Tôi cô đơn vô cùng. Tạm biệt ông, tôi sẽ quay lại sớm thôi", đây là câu nói cuối cùng của bà Okawa trước khi gác máy. Giọng bà cũng run lên vì nghẹn ngào. Okawa nói, đôi khi bà cảm thấy như thể nghe thấy tiếng ông Toichiro ở đầu dây bên kia vậy.
"Mỗi lần được nói chuyện thế này, tôi cảm thấy ổn hơn đôi chút", bà tâm sự.
Đã thành thói quen, cụ bà 76 tuổi này lại đưa hai cháu trai tới đây để nói chuyện cùng ông nội.
"Ông ơi, đã 10 năm rồi và cháu sắp vào cấp 2 đấy. Hiện tại có một loại virus mới đang giết rất nhiều người nên chúng cháu phải đeo khẩu trang kín khi tới đây. Nhưng ông đừng lo nhé, bọn cháu và bà đều đang khỏe mạnh", cậu bé Daina, cháu trai 12 tuổi của bà Okawa nhắn nhủ qua điện thoại với người ông đã khuất.
Bốt điện thoại của gió
Chiếc bốt điện thoại màu trắng này vẫn được người dân trong vùng gọi là "Bốt điện thoại của gió". Khoảng 1 năm trước khi thảm họa xảy ra, Itaru Sasaki, một người dân địa phương đã tự mình lắp nó.
Mục đích của ông muốn được hàng ngày trò chuyện với người em họ đã mất. "Chúng tôi không thể nói chuyện như trước nữa. Tôi muốn nhờ gió gửi lời tâm sự đến em", ông Sasaki tâm sự.
Nhiều người còn mang theo ảnh của người thân đã khuất. (Ảnh Reuters)
Suốt 10 năm qua, chiếc điện thoại cũ quen thuộc này đã thu hút hàng chục nghìn lượt khách trên khắp Nhật Bản ghé thăm. Không chỉ những người mất người thân sau trận động đất sóng thần, nhiều người không còn gia đình vì bệnh tật hoặc tự tử cũng ghé thăm nơi này.
Bên trong "bốt điện thoại của gió". (Ảnh Internet)
Một số người tới để gọi những cuộc điện thoại đặc biệt, số khác thường xuyên đến để quay số người thân đã chết rồi viết cảm xúc lên quyển sổ trên mặt bàn. Và gần đây nhất, nó đã trở thành nguồn cảm hứng cho một bộ phim.
Quốc Việt/Dantri.com.vn