Một đàn voi hoang dã đã đi lang thang từ Tây Song Bản Nạp đến vùng ngoại ô của thành phố Côn Minh, Trung Quốc. Chúng đi "phượt" 500 km từ năm ngoái tới nay.
15 chú voi hoang dã đã đến vùng ngoại ô của thành phố Côn Minh, Trung Quốc sau khi đi hơn 500 km từ nhà của chúng. Đàn voi "khủng" di chuyển khắp nơi gây bối rối cho các chuyên gia và các quan chức kiểm soát - những người đã cố gắng đưa chúng ra khỏi khu vực đông dân cư.
15 con voi châu Á - một số con đã trưởng thành và một số khác vẫn còn nhỏ - đã rời một khu bảo tồn thiên nhiên gần biên giới của Trung Quốc với Myanmar và Lào hơn một năm trước và đi về phía bắc.
Trên đường đi, chúng băng qua rừng, vượt suối, luồn lách qua các làng mạc và thị trấn, đột nhập vào các trang trại, cướp phá các cánh đồng hoa màu. Một con voi con thậm chí còn được cho là đã say rượu sau khi chộp được một đống ngũ cốc lên men dùng để nấu rượu.
Các nhà chức trách đang theo dõi 15 con voi châu Á hoang dã ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc khi đàn voi này di cư lên phía bắc.
Các nhà chức trách đã huy động hàng trăm người và triển khai máy bay không người lái để theo dõi nhóm voi "thích du lịch" này. Họ đã sử dụng trái cây và rau quả làm mồi nhử và dựng hàng rào để cố gắng ngăn voi xâm nhập vào các khu vực đông dân cư, bao gồm cả Côn Minh, nơi sinh sống của khoảng 7 triệu người.
George Wittemyer, một chuyên gia về voi tại đại học bang Colorado, Mỹ và là chủ tịch hội đồng khoa học của tổ chức xã hội Save The Elephant cho biết: "Voi di chuyển để tránh rủi ro cao hoặc để tránh các tình huống nguy hiểm. Chúng di chuyển để tìm nguồn thức ăn, dinh dưỡng và nước. Chúng di chuyển vì lý do xã hội và tìm kiếm cơ hội sinh sản".
Tại khu vực Tây Song Bản Nạp, nơi xuất phát của đàn voi này, số lượng voi đã tăng lên đáng kể từ khi chính phủ thành lập hai khu bảo tồn. Hiện có khoảng 280 con voi sống ở đó.
Wittemyer nghi ngờ một yếu tố khiến đàn voi 15 con đi chơi xa có thể là do mật độ voi ở Tây Song Bản Nạp quá đông. Ông nói: "Khi voi ở nơi quá đông đúc, chúng sẽ di chuyển và tìm kiếm điều kiện sống tốt hơn. Khi bạn sống với nhiều cá thể khác, sẽ có xu hướng cạnh tranh để giành được những nguồn tài nguyên tốt nhất".
Đàn voi đi bộ trên đường phố.
Theo Joshua Plotnik, chuyên gia về nhận thức và hành vi của loài voi châu Á tại đại học Hunter ở New York, sự phát triển của con người xâm phạm môi trường sống của voi có thể là một yếu tố lớn khác. Ông đã liên lạc với các nhà khoa học ở Trung Quốc để giải quyết vấn đề đàn voi lang thang.
"Bạn biết đấy, loài voi phát triển trong một môi trường sống cụ thể. Chúng phát triển cần những nguồn tài nguyên cụ thể. Trong một khoảng thời gian rất ngắn - 50 đến 100 năm - con người đã tác động tiêu cực đến những môi trường này khiến những con voi không còn có thể tồn tại. Vì thế, chúng di chuyển để tìm điều kiện sống tốt hơn".
Tại sao đàn voi lại lưu lạc lâu như vậy cũng là một bí ẩn. Có thể chúng chưa tìm được nơi thích hợp để "an cư lạc nghiệp". Cũng có thể vì chúng thường xuyên tìm được những món ăn vặt trên đường đi như dứa, chuối và ngô, đôi khi được đặt để dụ chúng tránh xa con người và do dân làng bày ra để cho voi ăn.
Hãng tin Caixin của Trung Quốc đưa tin rằng sự tương tác và xung đột giữa người và voi đang gia tăng. "Những con voi đã di chuyển ngày càng xa và ở lâu hơn bên ngoài khu bảo tồn. Hành vi của chúng ngày càng trở nên khó lường hơn", Li Zhongyuan, một nhân viên bảo vệ động vật hoang dã ở Tây Song Bản Nạp cho biết.
Ngoài việc gây ra một số thiệt hại về kinh tế, cho đến nay, chưa có bất kỳ xung đột lớn nào giữa bầy voi này và người dân. Nhưng khả năng này có thể sẽ tăng lên khi đàn voi tiếp tục đi sâu vào các khu vực đông dân cư.
Chen Mingyong, giáo sư sinh thái và môi trường thuộc đại học Vân Nam, nói với kênh truyền hình quốc gia rằng nếu đàn voi đi xa hơn về phía bắc, môi trường sống sẽ ngày càng trở nên không phù hợp và chúng sẽ không thể tồn tại lâu.
Trong khi đó, các nhà chức trách đã sơ tán một số cư dân và đưa ra cảnh báo để người dân tránh xa đàn voi. Các nhà khoa học đang cố gắng hiểu rõ hơn về động cơ di chuyển của đàn voi này. Họ cho rằng, những con voi cuối cùng có thể cần được đưa vào xe tải và di chuyển tới nơi hợp lý.
Joshua Plotnik, chuyên gia về nhận thức và hành vi của loài voi châu Á nói rằng, sẽ là một kết quả lý tưởng nếu đàn voi đến một nơi mà chúng có thể an toàn và tự do, nơi cả voi và người đều được bảo vệ. Ông nói: "Đưa chúng trở lại Tây Song Bản Nạp có thể là một lựa chọn nhưng chúng ta cần phải tìm hiểu lý do di chuyển của đàn voi trước. Nếu bạn đưa chúng trở lại nhưng bạn không giải quyết được lý do chúng rời đi ngay từ đầu, có thể đàn voi sẽ lại rời đi".
Vĩnh Ngọc/dantri.com.vn