Đẩy nhanh tiêm chủng vaccine Covid-19, xây dựng lại niềm tin đi du lịch của du khách, phối hợp quốc tế là những yếu tố then chốt để đẩy nhanh sự phục hồi du lịch toàn cầu sau những tổn thất tàn khốc do đại dịch Covid-19 gây ra.
(Ảnh minh họa: AP)
Những nhận định này được đưa ra trong Báo cáo Xu hướng kinh tế của Hội đồng Lữ hành và Du lịch Thế giới (WTTC) công bố ngày 5/7. Báo cáo đã công bố tác động nặng nề toàn diện của các lệnh hạn chế đi lại để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 đối với nền kinh tế toàn cầu, các khu vực riêng lẻ và tình trạng mất việc làm trong ngành du lịch và lữ hành trên toàn thế giới.
Châu Á – Thái Bình Dương: tổn thất lớn nhất
Theo báo cáo này, ngành du lịch và lữ hành tại châu Á Thái - Bình Dương châu Á-Thái bình Dương chịu tác động nặng nề nhất, với mức đóng góp của du lịch cho GDP giảm 53,7%, trong khi mức đóng góp của du lịch vào nền kinh tế toàn cầu giảm 49,1%.
Lệnh đóng cửa biên giới ngăn chặn Covid-19 lây lan khiên chi tiêu của du khách quốc tế tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương giảm sâu 74,4%, chi tiêu du lịch nội địa sụt giảm thấp hơn như vẫn giảm tới 48,1%.
Lao động trong ngành du lịch và lữ hành tại khu vực này cũng giảm 18,4%, tương đương với việc mất 34,1 triệu việc làm.
Nhưng, bất chấp sự sụt giảm này, khu vực châu Á – Thái Bình Dương vẫn là khu vực có lao động trong ngành du lịch và lữ hành lớn nhất thế giới trong năm 2020, chiếm 55% (151 triệu việc làm) tổng số việc làm toàn cầu.
Trong khi đó, ngành du lịch và lữ hành châu Âu hứng chịu sự tổn thất kinh tế lớn thứ hai trong năm ngoái, giảm 51,4%.
Chi tiêu nội địa ở châu Âu giảm 48,4%, do phần nào được bù đắp bởi một số chuyến du lịch nội khối; chi tiêu quốc tế giảm với tốc độ thậm chí còn lớn hơn, ở mức 63,8%.
Mặc dù vậy, châu Âu vẫn là khu vực hàng đầu thế giới về chi tiêu của du khách quốc tế. Việc làm trong lĩnh vực du lịch và lữ hành vẫn bị ảnh hưởng trên toàn châu lục, giảm 9,3%, tương đương 3,6 triệu việc làm bị mất.
Mặc dù đóng góp của ngành du lịch và lữ hành cho GDP giảm 42,4% vào năm 2020, châu Mỹ vẫn là khu vực ít bị ảnh hưởng nhất trên thế giới. Chi tiêu nội địa giảm 38,9%, chi tiêu quốc tế giảm mạnh hơn đáng kể 72,1% do các quy định hạn chế nghiêm ngặt về du lịch đối với du khách trong nước.
Báo cáo nhận định, châu Mỹ vẫn là khu vực lớn nhất xét về tầm quan trọng kinh tế khi đóng góp trực tiếp 35% cho tổng thu của du lịch và lữ hành toàn cầu.
Phó Chủ tịch cấp cao của WTTC, bà Virginia Messina nói: “Các dữ liệu WTTC đã cho thấy tác động tàn khốc của đại dịch đối với Lữ hành và Du lịch trên toàn thế giới, khiến các nền kinh tế bị lao đao, hàng triệu người không có việc làm và nhiều người khác lo sợ cho tương lai của mình”.
Vaccine Covid-19, xây dựng lại niềm tin du lịch
Báo cáo Xu hướng Kinh tế của WTTC đã cho thấy cách ngành du lịch và lữ hành thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, tạo việc làm và tác động xã hội tích cực đáng kể, bao gồm cả việc cung cấp các cơ hội duy nhất cho phụ nữ, dân tộc thiểu số và thanh niên.
Theo WTTC, lĩnh vực này sẽ xoay trục và thích ứng để sau đó sẽ trở lại mạnh mẽ hơn hậu Covid-19, xác định các xu hướng đã đạt được động lực và khám phá những thay đổi cần thiết để duy trì du lịch và lữ hành trong tương lai.
Từ góc độ nhu cầu, WTTC nhận định, Covid-19 đang chuyển đổi khuynh hướng và hành vi của khách du lịch đối theo hướng lựa chọn điểm đến quen thuộc, có thể dự đoán được, đáng tin cậy và được coi là “rủi ro thấp”.
Về ngắn hạn, xu hướng chính sẽ là có nhiều ngày lễ trong khu vực hơn, du khách sẽ nghiên cứu và lập kỹ hoạch kỹ hơn, ưu tiên các hoạt động ngoài trời.
Bên cạnh tác động tiêu cực, Covid-19 được coi là “chất xúc tác” trong yêu cầu phải đổi mới và tích hợp các công nghệ mới như sinh trắc học trong lĩnh vực du lịch và lữ hành, giúp mang lại trải nghiệm không giới hạn hơn cho khách du lịch.
WTTC chỉ rõ, khi du lịch và lữ hành toàn cầu bắt đầu nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm và nỗ lực để đẩy nhanh việc nối lại an toàn các chuyến du lịch quốc tế, yếu tố then chốt là phải xây dựng lại niềm tin để du khách đi du lịch trở lại.
Trong khi nhu cầu bị dồn nén là đáng kể, những hạn chế về việc đi lại luôn thay đổi đã ảnh hưởng đến niềm tin đặt phòng của người tiêu dùng.
Do đó, bà Virginia Messina khuyến nghị: “WTTC tin rằng các chính phủ trên toàn thế giới nên tận dụng lợi thế của việc triển khai tiêm chủng vaccine Covid-19, điều này có thể giảm bớt đáng kể các hạn chế đi lại và giúp thúc đẩy sự phục hồi kinh tế toàn cầu rộng lớn hơn”.
WTTC ủng hộ sự cần thiết phải có một cách tiếp cận mang tính phối hợp quốc tế, nhất quán và minh bạch để cho phép du lịch an toàn.
Việc có các quy định rõ ràng và phối hợp về y tế sẽ hỗ trợ du lịch và lữ hành xây dựng lại niềm tin của khách du lịch, đồng thời cho phép các chuyến du lịch quốc tế tiếp tục và phục hồi nhanh chóng.
N.T/nhandan.vn
https://nhandan.vn/tin-tuc-du-lich/wttc-vaccine-covid-19-gop-phan-phuc-hoi-du-lich-toan-cau-654046/