Cuộc sống ở nơi duy nhất "vắng bóng" Covid-19 tại Việt Nam

Chủ nhật, 05.09.2021 | 14:55:36
491 lượt xem

Phan Quốc đến du lịch Cao Bằng và không thể trở về TPHCM vì dịch bất ngờ, hơn hai tháng ở lại mảnh đất này anh cũng quen dần với nhịp sống nơi đây.

Anh Phan Quốc (sinh năm 1992) đã tới Cao Bằng được hơn 2 tháng. Vốn dự định tới Cao Bằng du lịch trong một tháng để ghi lại hình ảnh mùa nước đổ, làm video giới thiệu về cảnh đẹp vùng Đông Bắc, song do dịch Covid-19, Quốc quyết định không trở về TPHCM mà ở lại tiếp tục trải nghiệm tường tận hơn cuộc sống, văn hóa của người dân Trùng Khánh (Cao Bằng) và đợi mùa lúa chín.

"Do dịch bệnh mà mình đã quyết định ở lại Cao Bằng dài hơn rất nhiều so với dự kiến, nhưng đó cũng không hẳn là điều không may. Những ngày qua, mình được sống chậm rãi hơn, có thời gian để tìm hiểu thật kĩ, sâu sắc về phong tục tập quán, cảnh đẹp ở đây", Quốc chia sẻ.

Cuộc sống ở nơi duy nhất vắng bóng Covid-19 tại Việt Nam - 1

Cánh đồng lúa ở Phong Nậm, gần nơi Quốc ở 2 tháng nay.

Cuộc sống ở nơi duy nhất vắng bóng Covid-19 tại Việt Nam - 2

Hình ảnh Thác Bản Giốc được Quốc ghi lại với dòng nước xanh trong.

Theo Quốc, những địa điểm nổi tiếng với khách du lịch như Thác Bản Giốc, Di tích Pác Bó - Suối Lê Nin, Núi Mắt Thần (núi Thủng)... hiện tại đều rất vắng vẻ.

Ở thành phố Cao Bằng khoảng nửa tháng, anh chuyển tới ở nhà sàn của người địa phương tại homestay Giốc Rùng, được bao quanh bởi núi đồi, trong xã Ngọc Khê (huyện Trùng Khánh), tiếp giáp xã Phong Nậm.

Nhịp sống ở đây chậm rãi, bình yên, mọi người dựa vào thiên nhiên để sống, làm nông, trồng lúa và chăn nuôi. Đa phần người dân không quá lo lắng về dịch bệnh vì chủ yếu họ sống tự cung tự cấp. 

Cuộc sống ở nơi duy nhất vắng bóng Covid-19 tại Việt Nam - 3

Đèo Mẻ Pia dưới góc nhìn của Quốc.

Hiện tại Cao Bằng là tỉnh duy nhất ở Việt Nam chưa có ca mắc Covid-19. Các công ty lữ hành trên địa bàn tỉnh đã tạm dừng đón khách du lịch từ các tỉnh, thành khác đến Cao Bằng từ ngày 24/7 tới nay. Trong thời gian này Quốc vẫn có thể đến tham quan một số địa điểm nếu đảm bảo các quy định phòng chống dịch. 

"Hiện tại các khu du lịch vắng khách hơn rất nhiều so với trước, nhiều điểm du lịch yêu cầu phải chứng minh bạn là người Cao Bằng mới được phép vào. Như ở Thác Bản Giốc phải chứng minh là người Cao Bằng hoặc đã ở và làm việc ở tỉnh mới được phép vào. Ở khu du lịch Pắc Bó phải có chứng minh thư và hộ khẩu Cao Bằng mới được vào tham quan", anh Quốc cho hay.

Cuộc sống ở nơi duy nhất vắng bóng Covid-19 tại Việt Nam - 4

 Núi Mắt Thần (núi Thủng) nơi anh đến nhiều lần để tìm những hình ảnh đẹp nhất ở nơi đây.

Quốc chia sẻ rằng, anh đã đến Thác Bản Giốc nhiều lần nhưng chưa khi nào thấy vắng vẻ như lần này. Các địa điểm khác cũng vậy.

"Các dịch vụ ở Cao Bằng cũng gần như ngưng trệ. Các nhà hàng không nấu đủ bữa hay hàng ngày nữa, đa phần chỉ nấu vào những ngày cuối tuần. Do đó, hầu hết mình ăn cùng gia đình chủ homestay luôn. Ở đây mình được cùng gia đình nấu ăn, làm việc đồng áng, chăm vườn…", anh Quốc cho hay.

Hàng ngày xung quanh homestay là tiếng gà, vịt; tối đến là tiếng dế, ếch kêu. Đặc biệt do ở vùng núi và xung quanh không có đèn điện, những tối trời quang, anh có thể ngắm dải ngân hà, điều không thể tìm thấy ở các thành phố hay thị trấn ngày nay.

Cuộc sống ở nơi duy nhất vắng bóng Covid-19 tại Việt Nam - 5

Bầu trời đêm nhìn từ nhà sàn anh ở.

Cuộc sống ở nơi duy nhất vắng bóng Covid-19 tại Việt Nam - 6

Quốc chơi đùa cùng một con ngựa trong đàn.

Ở tại nhà sàn, Quốc được thưởng thức những món ăn địa phương do bà chủ lớn tuổi nấu hàng ngày, với nguyên liệu sạch từ khu vườn. Với anh, 2 tháng qua là thời gian lý tưởng để anh trải nghiệm sự yên bình, sống gần với thiên nhiên hơn.

Quốc chia sẻ, chi phí ở lại Cao Bằng không cao. Tiền ở homestay là 200.000 đồng/ngày, chi phí thuê xe 1,5 triệu đồng/tháng. Sau khi dịch bệnh được kiểm soát anh sẽ tới Mù Cang Chải (Yên Bái) để tiếp tục săn lúa chín, sau đó rong ruổi các tỉnh Tây Bắc.


Toàn Vũ/dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/du-lich/cuoc-song-o-noi-duy-nhat-vang-bong-covid19-tai-viet-nam-20210903163621886.htm

  • Từ khóa