Hồ Bán Nguyệt ở Đôn Hoàng, Trung Quốc được "vây quanh" bởi những cồn cát cao tới 250 m nhưng hồ chưa từng bị cát bao phủ.
Nằm cách thành phố Đôn Hoàng khoảng 6 km về phía nam ở tây bắc Trung Quốc có một hồ nước tuyệt đẹp tên là hồ Bán Nguyệt. Hồ nước nằm trong ốc đảo, được cho là đã tồn tại 2.000 năm. Ốc đảo đang bị thu hẹp do tình trạng sa mạc hóa ngày càng gia tăng trong khu vực.
Vào năm 1960, độ sâu trung bình của hồ là 4 đến 5 m, độ sâu tối đa là 7,5 m tuy nhiên gần đây, độ sâu của hồ liên tục giảm xuống. Vào đầu những năm 1990, diện tích của hồ chỉ còn 5.500 m2 với độ sâu trung bình là 0,9 m, tối đa 1,3 m. Năm 2006, chính quyền địa phương bắt đầu khôi phục độ sâu của hồ, độ sâu và kích thước của hồ đã tăng lên đáng kể từ đó. Hồ và vùng sa mạc xung quanh rất nổi tiếng với khách du lịch.
Nhìn từ trên đỉnh cồn cát xuống, bạn sẽ thấy hồ Bán Nguyệt trong xanh như ngọc bích, nước chảy êm đềm. Được bao quanh bởi các cồn cát, hồ có chiều dài 100m từ nam đến bắc và rộng 25m từ đông sang tây. Ban đầu hồ là một phần của sông Danghe nhưng đã biến thành một hồ riêng biệt khi sông Danghe đổi dòng.
Theo biên niên sử của huyện Đôn Hoàng, từ trước đến nay hồ chưa bao giờ bị cát bao phủ ngay cả khi gió mạnh. Các nhà khoa học giải thích rằng các dòng chảy ngầm của sông Danghe liên tục bổ sung nước vào hồ để giữ cân bằng nước.
Ngoài ra, nguyên nhân còn là do hồ nằm nép mình giữa các cồn cát với mặt phía Nam và phía Bắc cao hơn phía Đông và phía Tây. Vì thế mặt hồ luôn trong xanh với nhiều gợn sóng. Hồ không bao giờ tràn nước vào mùa mưa và cũng không khô cạn.
Hồ Bán Nguyệt ở Trung Quốc.
Gắn với hồ Bán Nguyệt còn có một truyền thuyết thú vị đó là vào thời Hán, một vị tướng tên là Lý Quảng cùng với một nhóm binh lính đã bắt được một con ngựa dũng mãnh và nhanh nhẹn từ Dawan. Khi vượt qua núi Echoing-Sand trở về, những người lính đã quá khát nước. Vì thế Tướng Lý Quảng rút kiếm đâm vào sườn núi khiến nước chảy ra và tạo thành hồ Bán Nguyệt ngày nay.
Hồ Bán Nguyệt nằm trong một ốc đảo được bao quanh bởi vô số cồn cát. Nhiều cồn cát cao tới 250 m. Dọc theo hồ Bán Nguyệt là một ngôi chùa xây theo kiến trúc truyền thống của người Hán.
Ở đây còn có một con phố với các quầy hàng lưu niệm xinh đẹp dẫn từ lối vào khu phức hợp. Nhiều du khách tới đây thích cưỡi lạc đà lên đỉnh của cồn cát. Thông thường, những con lạc đà được dẫn đường bởi một đoàn lạc đà địa phương hộ tống, bao gồm cả phụ nữ và đàn ông.
Tại các cồn cát, một hoạt động phổ biến đối với khách du lịch là đi xe trượt xuống các đồi cát, giống như trượt tuyết trong mùa đông ở các vùng ôn đới.
Theo ghi chép lịch sử, ngay cả trong những ngày đẹp trời khi gió không thổi và cát không di chuyển, vẫn có những giai điệu tuyệt đẹp phát ra từ các đụn cát như bản hòa tấu của các nhạc cụ dây và mộc truyền thống của Trung Quốc. Chính vì vậy chúng được gọi là đồi cát hát.
Hồ Bán Nguyệt đẹp lãng mạn.
Hồ Bán Nguyệt được bao quanh bởi những cồn cát uốn lượn như hình con rồng. Nước của hồ Bán Nguyệt rất tinh khiết và ngọt mát. Nhiều du khách tới đây còn thích thử uống nước từ hồ.
Vĩnh Ngọc/dantri.com.vn