Những năm gần đây, người dân Tây Ban Nha đi du lịch nước ngoài rất nhiều, chiếm một nửa dân số nước này, tuy nhiên, lượng khách Tây Ban Nha đến du lịch Việt Nam còn khiêm tốn, chưa được như mong đợi.
(Ảnh minh họa)
Hội thảo trực tuyến “Giải pháp thu hút khách du lịch Tây Ban Nha đến Việt Nam trong bối cảnh mới” đã diễn ra sáng 8/10 với sự tham gia qua mạng của nhiều đại biểu nhằm chia sẻ thông tin về thị trường khách mục tiêu của Việt Nam, nhất là sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát.
Hội thảo do Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức.
Các đại biểu tham dự đều cho rằng dù dịch Covid-19 gây thiệt hại nặng nề cho ngành du lịch không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn cầu, đây cũng chính là thời gian để các cơ quan quản lý nhà nước, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp đánh giá lại thực trạng đón khách Tây Ban Nha để nắm bắt xu hướng, có các sản phẩm, dịch vụ nhằm đón đầu, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của dòng khách này trong thời gian tới.
Tại hội thảo, bà Đỗ Thị Thanh Hoa, Phó Viện trưởng Nghiên cứu phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch) cho biết, những năm gần đây, người dân Tây Ban Nha đi du lịch nước ngoài rất nhiều với hơn 20 triệu người, chiếm một nửa dân số nước này.
Tuy nhiên, lượng khách Tây Ban Nha đến du lịch Việt Nam còn khiêm tốn, chưa được như mong muốn dù đã có gia tăng trong những năm gần đây. Cụ thể là từ năm 2016 - 2019, lượng khách Tây Ban Nha đến Việt Nam đạt khoảng 70.000 - 80.000 lượt.
Đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi xu hướng du lịch cũng như nhu cầu về sản phẩm, dịch vụ của du khách quốc tế, trong đó có khách Tây Ban Nha.
Hiện tại, tình hình dịch bệnh tại Tây Ban Nha cũng đã được kiểm soát, người dân được tạo thuận lợi trong hoạt động xuất, nhập cảnh.
Do đó, Tây Ban Nha vẫn sẽ là thị trường đích, thị trường mục tiêu của du lịch Việt Nam trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Trưởng phòng Nghiên cứu thị trường sản phẩm và quy hoạch du lịch (Viện Nghiên cứu phát triển du lịch), cho biết trong những năm tới để đạt được các mục tiêu tăng trưởng đề ra trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 thì ngoài việc phục hồi và tiếp tục khai thác hiệu quả các thị trường có nguồn khách lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc,... ngành du lịch cần chủ động nghiên cứu, xúc tiến và đẩy mạnh khai thác những thị trường quan trọng, giàu tiềm năng khác.
Trong đó, đối với ngành du lịch Việt Nam, Tây Ban Nha là một thị trường khách có khả năng chi tiêu cao, lưu trú dài ngày, có tốc độ tăng trưởng cao nhưng số lượng khách thu hút được hiện tại chưa nhiều.
Kể từ năm 2018, Việt Nam đã đơn phương miễn thị thực trong vòng 15 ngày cho khách du lịch đến từ một số nước Tây Âu, trong đó có Tây Ban Nha. Tháng 10/2018, Tổng cục Du lịch tổ chức chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại thủ đô Madrid, Tây Ban Nha. Điều này cho thấy ngành du lịch rất quan tâm tới thị trường khách du lịch Tây Ban Nha.
Mặt khác, những nghiên cứu về khách du lịch Tây Ban Nha đến Việt Nam còn rất ít. Người Tây Ban Nha còn ít biết đến Việt Nam như là một đất nước giàu tài nguyên du lịch, cảnh đẹp hấp dẫn, người dân thân thiện…, do vậy cần chú trọng nhiều hơn đến hoạt động quảng bá, xúc tiến tiếp cận thị trường khách này.
Do đó, để thu hút được thị trường khách tiềm năng này, ngành du lịch cần nghiên cứu đầy đủ về phân khúc thị trường này để hiểu rõ về các đặc điểm như nhu cầu, thị hiếu, mục đích chuyến đi, hình thức tham quan, mong muốn khám phá, trải nghiệm, mức chi tiêu, độ tuổi hay các xu hướng về tiêu dung trong du lịch…
Đặc biệt, cần nắm rõ những thay đổi trong xu hướng đi du lịch của khách Tây Ban Nha sau đại dịch Covid-19 để có giải pháp tăng cường và thu hút dòng khách đến Việt Nam có hiệu quả.
Theo Viện Nghiên cứu và phát triển du lịch, số lượng khách du lịch Tây Ban Nha đến Việt Nam tăng liên tục từ năm 2011 - 2019. Việt Nam đang ngày càng trở thành một điểm đến hấp dẫn đối với khách du lịch Tây Ban Nha, nhiều khách bỏ thói quen nghỉ hè trong nước để sang Việt Nam du lịch vì đây là quốc gia an toàn, có mặt bằng giá không cao và thú vị.
Người Tây Ban Nha thích các món ăn và đồ thủ công mỹ nghệ truyền thống của Việt Nam. Do vậy, chúng ta cần đa dạng hóa các sản phẩm thủ công truyền thống của từng địa phương Việt Nam hấp dẫn thị trường khách này.
Đồng thời, chúng ta cần có các chương trình, dự án đầu tư nghiêm túc nhằm khôi phục các làng nghề, đa dạng hóa và phát triển các sản phẩm thủ công truyền thống, tăng tính ứng dụng của sản phẩm trong đời sống thực tế...
Theo thống kê của Tổng cục Du lịch Việt Nam, hiện nay cả nước có khoảng 17.000 hướng dẫn viên du lịch quốc tế nhưng chỉ có 1,6% hướng dẫn viên tiếng Tây Ban Nha, chủ yếu tập trung ở các tỉnh, thành phố lớn.
Tình hình nêu trên đòi hỏi ngành du lịch Việt Nam cần sớm có định hướng dài hạn phù hợp để đào tạo, chuẩn bị nguồn nhân lực là hướng dẫn viên chuyên nghiệp nói tiếng Tây Ban Nha được cấp thẻ hành nghề đáp ứng nhu cầu phát triển của thị trường khách tiềm năng này.
Nhiều đại biểu cho rằng, cần gia tăng số ngày miễn visa cho du khách Tây Ban Nha đến Việt Nam từ 15 ngày lên 30 ngày bởi đây là dòng khách đi du lịch trong thời gian dài; đẩy mạnh tour du lịch về đêm để thu hút khách tăng chi tiêu cũng như thời gian lưu trú khi đến Việt Nam.
Theo nhandan.vn