Đầu tháng 11, một số địa phương tại khu vực miền trung như TP Đà Nẵng; các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Quảng Nam, Khánh Hòa… đã xây dựng kế hoạch khôi phục hoạt động du lịch, bắt đầu đón khách nội địa.
Du khách trải nghiệm ứng dụng VR360 “Một chạm tới Đà Nẵng”, một sản phẩm mới của du lịch Đà Nẵng.
Việc khởi động lại thị trường du lịch sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 đang đặt ra nhiều khó khăn buộc các địa phương phải chủ động lên phương án phù hợp và có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch hoạt động bảo đảm an toàn, hiệu quả.
Triển khai tour khép kín, đón khách trọn gói
Tỉnh Quảng Bình đã đón những đoàn, nhóm khách nội địa đầu tiên sau khi tình hình dịch bệnh tạm thời được kiểm soát. Phó Giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình Đặng Đông Hà cho biết, từ ngày 15/10, Quảng Bình đón khách du lịch là người đang sinh sống, làm việc trong tỉnh, các địa phương có cấp độ dịch 1, 2. Khách du lịch cần có chứng nhận tiêm đủ hai liều vắc-xin Covid-19, số lượng khách không quá 20 người/đoàn.
Tất cả du khách và nhân viên du lịch phải thực hiện nghiêm túc 5K. Qua làm việc trực tuyến với các doanh nghiệp lữ hành tại thành phố Hà Nội cho thấy, Quảng Bình là một trong những điểm đến được du khách Thủ đô Hà Nội lựa chọn, nhất là giới trẻ. Vì thế, Sở Du lịch hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện chương trình du lịch trọn gói, khép kín để bảo đảm an toàn.
Theo đại diện Công ty TNHH MTV Chua Me Đất (Oxalis), cuối tháng 10 đã đón bốn đoàn khách từ thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội đến du lịch Quảng Bình bằng đường hàng không và đường bộ “một cung đường, hai điểm đến”. Việc các đường bay thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội đến Quảng Bình được mở lại giúp cho khách du lịch thuận lợi khi di chuyển. Anh Thanh Bình đến từ Thủ đô Hà Nội cho biết, sau khi Thủ đô khống chế được dịch bệnh, anh và nhóm bạn vào Quảng Bình du lịch bằng đường bộ do Oxalis tổ chức trọn gói đón khách từ Hà Nội bằng xe giường nằm Hưng Long đến Tân Hóa, huyện Minh Hóa để tham quan hệ thống hang động Tú Làn.
“Tôi và nhóm bạn đều đã tiêm hai mũi vắc-xin và tour du lịch khép kín, gần như không tiếp xúc với ai ngoài các nhân viên du lịch và tuân thủ các quy định phòng dịch. Quảng Bình có mưa, tuy các hoạt động ngoài trời có bị ảnh hưởng nhưng đi bộ trong rừng, tham quan hang động ai cũng thấy rất thoải mái và tràn đầy năng lượng”, anh Bình chia sẻ.
Tại thành phố Đà Nẵng, việc đón khách nội địa cơ bản đã bắt đầu triển khai. Tuy nhiên các đơn vị còn dè dặt trong việc mở cửa trở lại do điều kiện thời tiết mưa bão, tâm lý khách chưa sẵn sàng để đi du lịch, trẻ em chưa tiêm vắc-xin. Ngoài một số khu, điểm do Nhà nước quản lý như danh thắng Ngũ Hành Sơn, Bảo tàng Đà Nẵng, Bảo tàng Mỹ thuật, Bảo tàng Điêu khắc Chăm đã mở cửa; Công viên nước Mikazuki cũng mở lại một số dịch vụ, còn lại phần lớn doanh nghiệp mới đang trong giai đoạn chuẩn bị. Hiện, Đà Nẵng đang tăng cường hút khách du lịch là người địa phương để từng bước khởi động lại hoạt động du lịch. Đối tượng đầu tiên các doanh nghiệp hướng tới là đội ngũ y bác sĩ. Theo đó, Khu du lịch Sun World Ba Na Hills tri ân đội ngũ tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19 bằng việc gửi tặng 1.000 vé cáp treo Bà Nà; Công viên Suối khoáng nóng Núi Thần Tài tặng đội ngũ tuyến đầu chống dịch tại Đà Nẵng 6.000 vé trị giá 3,3 tỷ đồng…
Giám đốc Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng, Trương Thị Hồng Hạnh thông tin: Đà Nẵng đã khởi động du lịch phục vụ người dân tại chỗ và đang phối hợp với một số địa phương như Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng để khai thác, trao đổi nguồn khách đi tour/combo trọn gói khép kín do công ty lữ hành tổ chức. Các cơ sở dịch vụ tham gia phục vụ tour trọn gói phải bảo đảm các điều kiện phòng, chống dịch, điều kiện cơ sở vật chất, nhân viên; xây dựng và công bố các chương trình du lịch/combo du lịch, tổ chức đón khách du lịch chuyến bay đầu tiên theo tour, đoàn khách, tổ chức chương trình đón khách dịp năm mới 2022 và đẩy mạnh quảng bá hoạt động du lịch trở lại với các thông điệp “Danang Now Open - Đà Nẵng đón bạn trở lại”, “Enjoy Danang - Tận hưởng Đà Nẵng”, giới thiệu VR360 du lịch Đà Nẵng…
Cùng quan điểm, Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa, Nguyễn Thị Lệ Thanh cho biết, ngành du lịch tỉnh chuẩn bị sẵn sàng cho mùa du lịch dịp lễ, Tết cuối năm 2021 và đầu năm 2022. Trước mắt, từ đầu tháng 11, Khánh Hòa liên kết với thành phố Hồ Chí Minh tổ chức đưa khách du lịch từ thành phố Hồ Chí Minh đến Nha Trang, Khánh Hòa. Hiện các doanh nghiệp du lịch lớn trên địa bàn tỉnh như Công ty cổ phần Vinpearl, Công ty cổ phần Hòn Tằm Biển Nha Trang, Công ty cổ phần Du lịch Long Phú, các khu du lịch cao cấp ở Bãi Dài… đang tích cực chuẩn bị để hoạt động trở lại; xây dựng các điểm đến, các tour “du lịch xanh”, “du lịch an toàn”. Rất nhiều doanh nghiệp đã hoàn thành việc xây dựng phương án phòng, chống dịch theo quy định để chuẩn bị đón khách trở lại.
Bảo đảm an toàn cho du khách
Trao đổi với phóng viên, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, Trần Phước Sơn khẳng định: Khôi phục và phát triển du lịch được xem là nhiệm vụ trọng tâm để giúp Đà Nẵng phục hồi kinh tế. Thành phố đang huy động vật lực, nhân lực từ tất cả ngành, đơn vị liên quan cùng Hiệp hội Du lịch và cộng đồng doanh nghiệp du lịch. Tập trung chỉ đạo các công tác phòng, chống dịch để tạo sự yên tâm cho du khách, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch trong việc tiêm vắc-xin sớm để bổ sung nguồn lao động lĩnh vực du lịch.
Thành phố Đà Nẵng yêu cầu các doanh nghiệp, cơ sở lưu trú, điểm du lịch… xây dựng và thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch, xây dựng phương án, kế hoạch phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới, bảo đảm hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật, máy quét QRcode, tuyển dụng bổ sung nhân sự; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng triển khai kế hoạch đón và phục vụ khách du lịch trong tình hình mới. Các doanh nghiệp chủ động liên kết, kết nối với các đối tác trong và ngoài nước để tìm kiếm nguồn khách, phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới. Nghiên cứu để có các chính sách hoàn hủy, hỗ trợ khách trong trường hợp không may gặp các sự cố phát sinh về y tế.
Khởi động lại du lịch đúng thời điểm miền trung đang vào mùa mưa bão, là mùa thấp điểm đối với ngành du lịch, các doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn, trong đó có vấn đề tăng chi phí cho phòng, chống dịch trong khi lượng khách trong tỉnh chưa nhiều. Các địa phương xác định đây là giai đoạn lấy đà để mở cửa đón khách du lịch nội địa trên toàn quốc. Tuy nhiên, cho tới nay, có rất ít doanh nghiệp mở cửa đón khách trở lại.
Tổng Giám đốc Công ty CP Hòn Tằm, Phạm Minh Nhựt cho biết: Việc mở cửa một khu du lịch lớn tốn rất nhiều chi phí, lượng khách ít sẽ không đủ chi phí để vận hành. Hệ thống dịch vụ ngừng hoạt động đã lâu, nay phải sửa sang, thay thế trang thiết bị và tuyển nhân viên. “Thực tế có một số khách nội tỉnh muốn đặt phòng nghỉ dưỡng nhưng khi biết có quy định khách chưa có thẻ vàng, thẻ xanh Covid phải có kết quả xét nghiệm RT-PCR âm tính thì họ ngại. Nhưng chúng tôi kiên quyết thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch, để bảo đảm an toàn cho cộng đồng”, ông Nhựt chia sẻ.
Dù dịch bệnh Covid-19 dần được kiểm soát nhưng theo nhận định của nhiều chuyên gia vẫn tiềm ẩn những nguy cơ khó lường, buộc ngành du lịch phải nghiên cứu các giải pháp phục hồi du lịch một cách thấu đáo, phù hợp. Trong đó, yếu tố an toàn phải đặt lên hàng đầu, đó là an toàn ở tuyến điểm, an toàn trong chuỗi dịch vụ, an toàn trong tổ chức điều hành tour và trong cả công tác kiểm soát.
ĐÀO GIANG NGUYÊN/nhandan.vn
https://nhandan.vn/tin-tuc-du-lich/khoi-dong-thi-truong-du-lich--672101/