Núi Ngũ Chỉ Sơn cao 2858 m, được xem là đệ nhất hùng sơn của Tây Bắc, nằm ở xã Tả Giàng Phình, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai.
Nhìn từ xa, 5 ngọn núi nằm sát nhau như năm ngón tay xòe thẳng lên trời trông sừng sững, hùng vĩ và bí ẩn.
Đường chinh phục núi Ngũ Chỉ Sơn. (Ảnh: Mạnh Chiến).
Theo anh Mạnh Chiến, quản trị viên Diễn đàn Hội những người đam mê leo núi, các dãy núi đá đẹp, vách đá dựng đứng cùng thảm thực vật phong phú đã đem đến vẻ đẹp kiêu sa và hùng vĩ cho Ngũ Chỉ Sơn, khiến nó được mệnh danh là đệ nhất hùng sơn Tây Bắc.
Chúng tôi đi xe khách giường nằm vào buổi tối muộn từ Hà Nội và lên tới Sa Pa lúc 5 giờ sáng. Từ Sa Pa chúng tôi thuê xe 16 chỗ chở đến điểm tập kết ở bản Suối Thầu 2, nằm cách Sa Pa 25 km, để gặp gỡ những người dẫn đường và gùi đồ (porters) dân địa phương.
Xuất phát từ dưới chân núi lúc 10 giờ sáng, sau hai tiếng leo liên tục qua khu vực đồi trọc và khu rừng thưa, đoàn 6 người với những đôi chân kinh nghiệm leo núi dừng nghỉ ăn trưa trong khu rừng già ở độ cao 2400 m.
Ở độ cao này khí hậu và thảm thực vật thay đổi. Trời lạnh và ẩm hơn, mù và mây giăng khắp lối.
Thảm thực vật trên đường chinh phục ngọn núi khá đa dạng, phong phú (Ảnh: Đức Hùng).
Khung cảnh bảng lảng mây đẹp như tranh (Ảnh: Mạnh Chiến).
Sau một tiếng nghỉ ăn trưa nạp năng lượng, chúng tôi tiếp tục lên đường. Từ đây, chúng tôi bắt đầu vào khu rừng cây gỗ lớn và phải vượt qua các dốc gắt liên tục. Sau hai tiếng leo, chúng tôi đến được lán nghỉ vào lúc 15 giờ.
Theo anh Cứ A Chỏ, người dẫn đường người dân tộc Mông, đoàn chúng tôi leo đều và khỏe, nhanh hơn các đoàn khác từ 2-3 tiếng.
Lán nghỉ chứa được khoảng 20-25 người được anh Cứ A Chỏ cùng một số người bạn trong bản dựng ở độ cao 2600m cách đây 2 năm. Trước đó, du khách phải dựng lều để ngủ. Quanh khu vực đặt lán nghỉ không có suối nên nước dùng cho sinh hoạt được các porters lấy và gùi lên từ khe nước ở phía dưới lưng chừng dãy núi.
Lán nghỉ chứa được khoảng 20-25 người được anh Cứ A Chỏ cùng một số người bạn trong bản dựng ở độ cao 2600m cách đây 2 năm (Ảnh: Đức Hùng).
Sau khi tới lán, một nửa thành viên trong đoàn ở lại nghỉ ngơi giữ sức để sáng hôm sau lên đỉnh ngắm bình minh, một nửa còn lại quyết định lên đỉnh ngắm hoàng hôn.
Sau khoảng một tiếng leo liên tục qua một con dốc gần như dựng đứng và một khe núi gió lộng hun hút, nhóm chúng tôi lên đến đỉnh Ngũ Chỉ Sơn, đỉnh núi cao thứ 15 Việt Nam nhưng đứng vào nhóm đầu về độ khó leo.
(Ảnh: Anh Xuân).
Đỉnh cao nhất trong 5 đỉnh của Ngũ Chỉ Sơn mới được người dân địa phương mở đường lên vào cuối năm 2017 bằng cách lắp một số cầu thang gỗ và dây để giúp du khách có thể lên được đây một cách an toàn. Chóp inox trên đỉnh cũng mới được cắm vào cuối 2018.
"Dù rất tiện đường do gần Sapa, đi lại dễ và tổng quãng đường của cung leo ngắn, chỉ khoảng 15 km nhưng Ngũ Chỉ Sơn là một cung leo khó. Con dốc đoạn lên gần lán và con dốc ở phía gần đỉnh khiến rất nhiều du khách muốn chinh phục mà không thành", anh Nguyễn Anh Xuân, thành viên của đoàn, người đã từng leo Ngũ Chỉ Sơn năm ngoái chia sẻ. Anh cũng là một trong số không nhiều người đã chinh phục hết 15 đỉnh núi cao nhất Việt Nam.
Biển mây tuyệt đẹp trên đỉnh Ngũ Chỉ Sơn (Ảnh: Xuân Anh).
Biển mây bồng bềnh đã chào đón chúng tôi ở trên đỉnh Ngũ Chỉ Sơn. Trước đó dù đã chinh phục nhiều ngọn núi cao nhất Tây Bắc nhưng chưa một lần chứng kiến biển mây bồng bềnh đẹp đến vậy nên chúng tôi rất thích thú.
Trên đỉnh Ngũ Chỉ Sơn không có cây cao nên có thể phóng tầm nhìn ra xung quanh rất xa. Từ đây có thể nhìn thấy rõ đỉnh Fansipan, Nhìu Cồ San, Bạch Mộc và Lảo Thẩn. Cảnh tượng ở trên đỉnh rất đẹp, như lạc vào chốn thần tiên, khó có thể tả bằng lời hay bằng hình ảnh.
17h chiều trên đỉnh Ngũ Chỉ Sơn. (Ảnh: Đức Hùng).
Trên đỉnh Ngũ Chỉ Sơn (Ảnh: Mạnh Chiến).
Chúng tôi muốn ở lại càng lâu càng tốt để chiêm ngưỡng cảnh đẹp và tận hưởng từng giây phút ở đó. Tuy nhiên sợ trời tối và lạnh (nhiệt độ lúc này chỉ khoảng 5 độ C), chúng tôi rời đỉnh lúc 16h30. Trên đường xuống lán nghỉ, chúng tôi vừa đi vừa ngắm biển mây và hoàng hôn đang dần tắt ở phía xa chân trời. Chúng tôi về tới lán nghỉ lúc 17h30.
Hoàng hôn trên đường từ đỉnh xuống lán nghỉ (Ảnh: Đức Hùng).
17h30, hoàng hôn trước khu vực lán nghỉ (Ảnh: Xuân Anh).
Sau khi ăn tối, chúng tôi nhanh chóng đi nghỉ để giữ sức cho ngày hôm sau leo lên đỉnh ngắm bình minh và xuống núi luôn.
Sáng hôm sau chúng tôi thức dậy lúc 4h30 và xuất phát từ lán nghỉ đi lên đỉnh lúc 5h. Trời tối om, chúng tôi phải dùng đèn pin đội đầu để leo. Lên đỉnh lúc 6h sáng, chúng tôi kịp ngắm được bình minh xuất hiện. Ở trên đỉnh rất gió và lạnh, chỉ khoảng 3-5 độ. Đã xuất hiện băng giá ở trên đỉnh đêm hôm trước.
Đoàn chinh phục ngọn núi Ngũ Chỉ Sơn (Ảnh: Xuân Anh).
Chúng tôi ở trên đỉnh hơn một tiếng ngắm cảnh, chụp ảnh rồi sau đó về lán ăn sáng, lấy đồ và xuống chân núi. Đi từ lán xuống dưới chân núi chỉ mất chưa đến 3 tiếng, ít hơn 2 tiếng so với lúc đi lên.
Tới chân núi lúc 11h30, chúng tôi lên xe ô tô đã chờ sẵn đi về Sa Pa để rồi từ đó đi xe ô tô giường nằm về Hà Nội, kết thúc hành trình leo Ngũ Chỉ Sơn 2 ngày 1 đêm với bao ấn tượng không bao giờ quên.
6h sáng trên đỉnh Ngũ Chỉ Sơn. (Ảnh: Đức Hùng)
Nguyễn Đức Hùng/dantri.com.vn