Ngày Tết đi nhiều, ăn nhiều đạm “nóng trong người”, sẽ tuyệt biết bao nếu bạn được thưởng thức 1 tô canh rong mứt biển tự nhiên nấu với tôm, tuy thanh đạm mà mát tận ruột gan.
Ngày Tết, thật tuyệt vời nếu được thưởng thức tô canh mứt biển thanh mát
Người dân vùng biển miền Trung thường có câu xếp hạng các loại rong, tảo: "Rong mứt đứng nhứt các loài rong". Chẳng biết có đứng nhất được không nhưng ai đã thử món ăn này đều muốn được một lần nếm lại.
Rong mứt được mọc trên các gành đá, dập dềnh nơi chân sóng ở vùng biển miền Trung. Ở Phú Yên, rong mứt mọc nhiều tại Gành Đèn, Gành Đá Dĩa (huyện Tuy An) – 1 thắng cảnh cấp quốc gia nổi tiếng. Rong mứt chỉ xuất hiện vào mùa đông. Năm nào biển càng động thì rong mứt càng nhiều. Chính vì vậy mà việc khai thác rong mứt cũng không dễ dàng chút nào. Người cạo rong mứt thường mang theo 1 chiếc giỏ tre để đựng và 1 miếng nhôm để cạo rong mọc từ những hóc hẻm của gành đá.
Rong mứt biển tự nhiên sau khi khai thác được bày bán ở rất nhiều chợ quê
Người dân vùng biển thường chia rong mứt thành 2 loại: Rong mứt cọng và rong mứt sợi. Rong mứt cọng thường mọc ở các gành đá sát bờ, cọng rong to hơn, được bán giá thấp hơn, vào mùa khoảng 150.000 đồng/kg. Còn rong mứt sợi thường mọc ở các gành đá xa bờ, cọng rong nhỏ như sợi chỉ mành, được bán với giá cao hơn, khoảng 200.000 đồng/kg tươi.
Với người khai thác rong mứt thì việc trượt té, u đầu, mẻ trán là chuyện nhỏ vì phải bám trên các gành đá rong rêu trơn trượt, lại phải chịu cảnh sóng biển mùa động đập vào. Vì vậy, dù rong mứt nhiều thì người cạo giỏi mỗi ngày cũng chỉ kiếm được 5-7 kg rong tươi.
Người nào khai thác giỏi mỗi ngày cũng chỉ kiếm được 5-7 kg rong tươi
Canh rong mứt rất dễ nấu. Rong mứt có thể nấu với nấm, tôm, cua, cá, thịt, đậu phụ non. Rong mứt thường mọc ở vùng biển sạch nên việc sơ chế cũng rất đơn giản. Người nấu chỉ cần giũ nhẹ nắm rong mứt cho các con ốc nhỏ sống bám trên các cành rơi ra rồi rửa lại đôi ba lần cho sạch, để ráo nước là có thể nấu canh.
Tôm nấu chung với rong mứt thường là tôm bạc lột vỏ hoặc tôm đất băm nhuyễn. Người hạn chế ăn béo thì không nên tao tôm qua dầu ăn mà chỉ cần gia vị, chờ nước sôi thì thả tôm vào cho chín trước rồi mới cho rong mứt vào. Rong mứt rất nhanh chín nên chỉ cần nồi canh sôi lăn tăn trở lại là nhắc xuống, nêm nếm ít hành, ngò, tiêu rồi múc ra tô đãi khách.
Ngày nay, rong mứt không chỉ dùng tươi mà còn được người dân phơi khô để trữ dùng qua 4 mùa
Canh rong mứt thanh mát, mang hương vị mặn mòi của biển. Húp 1 muỗng canh rong mứt biển tự nhiên, thực khách sẽ rất khó giữ được lâu trong miệng, không phải vì nó cứ trơn tuồn tuột mà vì dạ dày cứ réo đòi. Vào những ngày nóng bức, có được 1 tô canh rong mứt biển tự nhiên để thưởng thức thì không còn gì bằng.
Rong mứt là 1 trong 3 loại rong biển hiện được ưa chuộng nhất thế giới vì có nhiều vitamin, khoáng chất, có tác dụng thanh nhiệt, kháng viêm. Chất Lignans trong rong mứt được xem là có khả năng ức chế sự hình thành và phát triển của các khối u, hạn chế tế bào ung thư vào máu và di căn trên các phần khác của cơ thể. Ngoài ra, Lignans còn ngăn chặn sự tổng hợp estrogen trong các tế bào với hiệu quả tương tự một số loại thuốc dùng trong hóa trị ung thư.
Thắng cảnh Quốc gia Gành Đá Dĩa, nơi xuất hiện nhiều rong mứt biển vào mùa đông
Ngày trước, canh rong mứt biển là món của mùa đông vì sự xuất hiện của nó chỉ có trong mùa này và người dân chỉ dùng tươi. Ngày nay, khi khai thác được nhiều, người dân đã biết trữ rong mứt bằng cách cấp đông hoặc phơi khô để đãi khách
Người Hàn Quốc gọi canh rong mứt biển là Miyeok Kuk, với quan niệm như một món ăn mang lại sự may mắn và hạnh phúc. Bởi vậy, nó như một món quà thay lời chúc bình an, vui vẻ và sung túc cho thực khách vào đầu năm mới. Đến Phú Yên trong Tết này, rất nhiều nhà hàng sẵn sàng phục vụ du khách tô canh rong mứt biển tự nhiên, đúng chất "xứ nẫu".
Hồng Ánh/nld.com.vn