Ông bà xưa truyền rằng, sáng mùng 1 Tết Nguyên đán, người dân huyện Tuy Phước (Bình Định) đi chợ Gò mua trầu cau, muối hạt, gạo, rau muống, đậu khuôn… cầu mong gia đình sung túc, con cháu hòa thuận.
Đã thành nét đẹp văn hóa truyền thống của người dân miền đất võ Bình Định, đúng mùng 1 Tết Nguyên đán, người dân ở khắp nơi lại nô nức đi chợ Gò - Trường Úc (khu phố Phong Thạnh, thị trấn Tuy Phước, huyện Tuy Phước).
Mùng 1 Tết Nguyên đán, người dân ở khắp nơi lại nô nức đi chợ Gò - Trường Úc (khu phố Phong Thạnh, thị trấn Tuy Phước, huyện Tuy Phước) đi chợ mua lộc.
Đây là phiên chợ mang đậm nét văn hóa của người dân đất võ Bình Định, đặc biệt chợ Gò được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xếp vào "100 phiên chợ độc đáo nhất Việt Nam", bởi mỗi năm chỉ nhóm họp vào mùng 1 và mùng 2 Tết âm lịch.
Người dân mua trầu, cau, gạo, muối hạt...
Ghi nhận của PV Dân trí, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, người dân đến chợ Gò ngày đầu năm không đông như mọi năm.
Người dân đi chợ Gò đi sớm, chọn mua lá trầu, quả cau, quả đu đủ, quả sung hay một ít muối hạt, ít gạo, rau muống… để lấy lộc. Tất cả đều mong ước năm mới sẽ gặp nhiều may mắn, thuận lợi trong việc làm ăn và gia đình thuận hòa, hạnh phúc.
Người dân nô nức đi chợ Gò - một trong 100 phiên chợ độc đáo nhất Việt Nam
Cụ Lê Thị Hường (87 tuổi, phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn) nhưng có hơn 60 năm "bén duyên" với nghiệp bán trầu, cau, gạo, muối hạt tại chợ Gò vào mỗi dịp Tết đến.
"Mua bán đầu năm không cốt kiếm lời mà lấy lộc, vui xuân là chính. Nhưng chắc tôi bán hết năm nay cũng nghỉ thôi, vì tuổi cao sức yếu lắm rồi. Con cháu cũng khuyên tôi nghỉ bán nhưng cứ đến ngày mùng 1 Tết lại nhớ chợ Gò. Từ nhỏ tôi đã đi chợ Gò vui chơi xuân, xem hát bội, chơi các trò chơi dân gian vui lắm. Năm nay, do dịch người đi chợ cũng giảm, các lễ hội cũng không tổ chức…", bà Hường nói.
87 tuổi, nhưng cụ Hường vẫn chưa thể từ bỏ thói quen bán cau trầu Ngày mùng 1 Tết.
Đặc biệt việc mua bán không mặc cả giá.
Theo bà Hường kể, người đi chợ Gò thường mua cau, trầu với ý nghĩa gia đình gắn bó, hạnh phúc, còn muối mặn như tình cảm thêm mặn nồng, thắm thiết. Trong khi đó, mua rau muống thì cầu gì được nấy, mua đậu khuôn thì mong cho con cháu học hành đỗ đạt…
Với người dân Tuy Phước, chợ Gò là một nét sinh hoạt văn hóa không thể thiếu trong ngày đầu tiên của năm mới. Tuy chợ Gò diễn ra trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, song người đi chợ đều khá ý thức trong bảo vệ sức khỏe khi thực hiện tốt 5k.
Bà Lan cho hay, người xưa truyền rằng mua rau muống thì cầu gì được nấy.
Mua đu đủ với mong muốn năm mới đủ đầy.
Bà Huỳnh Thị Hương Lan (52 tuổi, phường Đống Đa, TP Quy Nhơn) cho hay, nhiều người dân đi chợ Gò lúc nửa đêm. Sau khi đi lễ chùa, người dân tranh thủ mua trầu, cau, muối hạt, gạo… về cúng.
"Với người dân nhiều vùng ở Bình Định nói chung, đặc biệt là nhân dân huyện Tuy Phước, dù có đi đâu, làm gì, hễ có dịp về quê vào dịp Tết đều nhớ đến chợ Gò để mua lấy lộc đầu năm, mong cả năm được sung túc", bà Lan chia sẻ.
Đến chợ Gò người dân không thể không mua cau trầu, muối hạt, gạo...
Mua đậu khuôn với mong muốn con cháu đỗ đạt...
Theo sách "Tuy Phước - lịch sử và văn hóa" (NXB Chính trị quốc gia - Sự thật, 2015), Lễ hội chợ Gò gắn với truyền thuyết địa phương, nơi đây ngày xưa là tiền đồn của quân Tây Sơn đóng giữ để bảo vệ cảng Thị Nại và thành Hoàng Đế. Tết đến, Hoàng đế Quang Trung chỉ dụ cho phép mở hội vui xuân tại chợ Gò Trường Úc, trước là để nhân dân vui xuân sau chiến tranh mất mát, khổ nhọc, sau là để ba quân vui xuân vơi bớt đi nỗi nhớ gia đình. Chỉ dụ còn quy định thời gian vui xuân từ mùng một đến mùng 3 Tết.
Chợ Gò là nơi không nói thách, trả giá, cãi vã như thường ngày và sự mua bán chẳng qua chỉ là cách để trao cho nhau chút lộc đầu xuân, chúc phúc cho mọi người, mọi nhà năm mới an khang, thịnh vượng chứ không đơn thuần là lý do kinh tế…".
Đây cũng là dịp người dân bán các sản vật địa phương.
Doãn Công/dantri.com.vn