Ẩm thực, bãi biển ngập ánh nắng, đồng bằng sông Cửu Long, những thành phố di sản, thiên nhiên độc đáo là những yếu tố khiến tờ báo Stuttgarter Nachrichten (Tin tức Stuttgart) của Đức ngày 28/2 có bài viết nhận định Việt Nam là một trong những quốc gia đẹp nhất châu Á.
Bài báo ca ngợi: Việt Nam là một viên ngọc của châu Á (Ảnh chụp màn hình)
Theo bài viết, trong hai năm qua, du lịch tới các quốc gia xa xôi không phải là điều dễ dàng đối với những tín đồ xê dịch. Nhưng, tin tốt lành từ Việt Nam là từ giữa tháng 3/2022, những người đã tiêm chủng đầy đủ vaccine ngừa Covid-19 hoặc đã khỏi bệnh sẽ được nhập cảnh mà không cần phải cách ly. Phong cảnh tuyệt đẹp cùng ẩm thực tuyệt vời là những yếu tố hấp dẫn du khách quốc tế của Việt Nam.
Bài báo đã đưa ra 5 lý do để giải thích cho nhận định Việt Nam là một trong những quốc gia đẹp nhất châu Á, một viên ngọc của châu Á.
Thứ nhất, Việt Nam có một nền ẩm thực hấp dẫn nhất thế giới. Không chỉ có vậy, ẩm thực phong phú của Việt Nam cũng phù hợp cho cả những người ăn chay bởi nhiều nhà hàng cung cấp các món ăn này. Đặc biệt, với những ai yêu thích món súp, Việt Nam là lựa chọn lý tưởng bởi phở - “món ăn quốc dân” rất đáng để thưởng thức. Không chỉ có phở, món nem rán và nem cuốn của Việt Nam cũng trứ danh. Ngoài ra, du khách cũng có thể thưởng thức món bánh mì kẹp ở bất cứ đâu khi tới thăm Việt Nam.
Bài báo nhận định: Vịnh Hạ Long là điểm đến cần phải tới thăm. (Ảnh chụp màn hình)
Thứ hai, bài báo ca ngợi, Việt Nam là một đất nước đầy ánh nắng và những bãi biển tuyệt đẹp. Nhờ có đường bờ biển dài, Việt Nam gây ấn tượng với rất nhiều bãi biển đẹp. Phải kể đến Vịnh Hạ Long ở miền bắc. Những vách đá vôi và nước biển xanh như ngọc nơi đây đã khiến Di sản Thế giới được UNESCO công nhận này trở thành một “thỏi nam châm” du lịch thực sự. Nếu không muốn chỉ nằm dài một cách lười biếng, bạn có thể đi ca nô và khám phá vô số hang động ở di sản này.
Những hòn đảo nhỏ, hoang sơ ở Việt Nam cũng rất đáng để ghé thăm. Bài báo gợi ý Phú Quốc cũng là điểm đến thú vị với một nửa hòn đảo là công viên quốc gia và có những bãi biển cát trắng tuyệt đẹp.
Thứ ba, đồng bằng sông Cửu Long chính là điểm nhấn gây ấn tượng với cây viết của Stuttgarter Nachrichten. Theo bài báo, sông Mekong được mệnh danh là huyết mạch của Việt Nam. Không chỉ sinh sống trên con sông này, đất đai màu mỡ do con sông mang lại cho phép người nông dân nơi đây có được ba mùa lúa trong năm. Đó là lý do tại sao có vô số những cánh đồng lúa có vẻ đẹp “đáng kinh ngạc” để chiêm ngưỡng. Nhắc tới sông Mekong, phải nhắc tới điểm nhấn đặc biệt là chợ nổi Cái Răng - nơi người dân buôn bán trên hàng trăm chiếc thuyền gỗ chở đầy xoài, mía và các loại thực phẩm khác.
Để thực sự trải nghiệm cuộc sống yên bình ở đồng bằng sông Cửu Long, bài báo khuyên du khách cần lên kế hoạch ít nhất 3 ngày.
Đi dạo ở những thành phố di sản là hoạt động thứ 4 được bài báo gợi ý. Bài báo viết, những con phố nhỏ hẹp, những ngôi chùa cổ kính và những tòa nhà tráng lệ - những thành phố lịch sử của Việt Nam là nơi rất đáng để chiêm ngưỡng. Bài báo gợi ý một số điểm đến tiêu biểu cho du khách là thành phố Hội An - khu phố cổ lịch sử là thị trấn duy nhất không bị phá hủy hoàn toàn trong chiến tranh. Ngoài ra, theo bài báo, Thủ đô Hà Nội là một điểm đến đáng giá. Ở đây, du khách có thể chiêm nghiệm cuộc sống điển hình của người Việt Nam, như ngắm cảnh người dân tập thể dục vào mỗi sáng quanh bờ hồ Hoàn Kiếm.
Cuối cùng, bài báo nhấn mạnh: “Thiên nhiên, thiên nhiên và thiên nhiên” chính là lý do khiến Việt Nam là một trong những quốc gia đẹp nhất châu Á.
Bài báo viết, Việt Nam không chỉ có các thành phố để bạn khám phá, mà còn có tất cả những cảnh thiên nhiên tươi đẹp, từ những ruộng bậc thang xanh mướt đến những cồn cát. Nếu bạn muốn hòa mình vào thiên nhiên, thì nhất định không nên bỏ qua Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng. Nơi đây có một hệ thống hang động với các sông ngầm. Ngoài ra, Vườn quốc gia Núi Chúa nằm ở bờ biển phía đông cũng là một điểm đến xinh đẹp với hơn 600 loài thực vật và hơn 200 loài động vật đang chờ được khám phá.
Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/tin-tuc-du-lich/bao-duc-viet-nam-la-mot-vien-ngoc-cua-chau-a-687676/